Tái cơ cấu nông nghiệp ở T.P Sông Công:
Hướng tới phát triển bền vững
Được sự hỗ trợ của T.P Sông Công, HTX sản xuất và chế biến chè ở phường Thắng Lợi đã đầu tư mua 10 máy vò chè để mở rộng sản xuất. |
Giai đoạn 2016-2020, T.P Sông Công đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất bằng các cơ chế, chính sách của tỉnh và thành phố. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bền vững.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công cho biết: Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp không lớn, thậm chí còn có xu hướng giảm dần qua từng năm do những diện tích đất này được thu hồi để phục vụ phát triển các khu, cụm công nghiệp, dự án trọng điểm của tỉnh và thành phố. Mặc dù giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn chỉ chiếm tỷ trọng dưới 10% trong cơ cấu kinh tế nhưng dân số trong khu vực nông thôn hiện còn khoảng 30%. Tỷ lệ lao động sản xuất nông nghiệp khá lớn (trên 50%). Vì vậy, thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu với UBND thành phố thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp còn lại (hơn 5.000ha), nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Đưa chúng tôi đến thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình ở xã Bá Xuyên, chị Vũ Thị Thuấn, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã thông tin: Xã Bá Xuyên hiện có 590ha đất nông nghiệp. Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở các xóm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất. Thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và thành phố, xã đã có 50 hộ dân được hỗ trợ số tiền trên 1,3 tỷ đồng để phát triển sản xuất, nhờ đó đời sống và thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Gia đình anh Đồng Văn Tuấn, ở xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên là một trong những hộ được hỗ trợ theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố để phát triển sản xuất, cho nguồn thu nhập ổn định. Anh Tuấn cho biết: Trước đây, toàn bộ diện tích hơn 4.000m2 đất của gia đình tôi chỉ trồng lúa và một số loại cây rau vụ đông. Năm 2015, tôi chuyển dần sang trồng các loại hoa. Được Nhà nước hỗ trợ số tiền gần 20 triệu đồng, tôi đã đầu tư mua giống hoa và lắp giàn tưới tiết kiệm nước để phát triển sản xuất. Đến nay, sau khi trừ chi phí, trung bình một năm, tôi có thêm thu nhập gần 100 triệu đồng từ việc trồng các loại hoa.
Từ sự hỗ trợ của T.P Sông Công, anh Đồng Văn Tuấn (đứng thứ hai từ phải sang), ở xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên, đã đầu tư xây dựng mô hình trồng hoa cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Còn anh Dương Xuân Hà, Giám đốc HTX Sản xuất và Chế biến chè ở tổ dân phố Kè, phường Thắng Lợi chia sẻ: Thời gian trước đây, tôi chỉ sản xuất, chế biến và bán chè cho các thương lái có nhu cầu mua chè nên thị trường đầu ra không ổn định. Năm 2019, sau khi thành lập HTX, tôi đã được các ngành chức năng của T.P Sông Công hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính, hỗ trợ 20 triệu đồng để mua 10 máy vò chè. Nhờ đó, tôi có điều kiện mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hiện nay, trung bình 1 năm, HTX sản xuất và bán ra thị trường từ 10-12 tấn chè các loại, doanh thu đạt 30 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động ở địa phương, với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Để sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, T.P Sông Công đã thực hiện tốt việc lồng ghép cơ chế hỗ trợ của tỉnh và thành phố hỗ trợ giống, cấp giấy chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho các HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm tưới tiết kiệm nước trong sản xuất chè ở xã Bình Sơn, Bá Xuyên và phường Châu Sơn với quy mô hơn 50 điểm; quan tâm thành lập, duy trì và phát triển các HTX, tổ hợp tác, làng nghề sản xuất chè an toàn trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay, thành phố đã có 8 làng nghề sản xuất chè, 50ha chè đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng năm 2019, thành phố đã hỗ trợ để thành lập HTX trà Cao Sơn, ở xóm Khe Lim, xã Bình Sơn, sản xuất 5ha chè theo hướng hữu cơ…
Được biết, tổng nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua của T.P Sông Công là trên 51 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác là 19,6 tỷ đồng, ngân sách thành phố là trên 31 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch tổng thể ở 4 xã theo các tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng; phê duyệt Phương án xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn. Theo đó, quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với cây rau, hoa công nghệ cao có diện tích 35ha; quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung là 137ha; quy hoạch vùng trồng cây ăn quả 60ha…
Nhờ việc tích cực thực hiện công tác quy hoạch, hỗ trợ người dân thông qua các cơ chế, chính sách của tỉnh và thành phố, đến nay, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 735 tỷ đồng (tăng gần 200 tỷ đồng so với năm 2015); giá trị sản xuất bình quân/ha đất trồng trọt đạt 105 triệu đồng (tăng hơn 17 triệu đồng so với năm 2015); đời sống và thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao… Theo kế hoạch, T.P Sông Công phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản phẩm thu được trên đất trồng trọt đạt 120 triệu đồng/ha, đến năm 2030 đạt 140 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm vào năm 2025 và 95 triệu đồng/người/năm vào năm 2030…