Người dân mong có công trình cấp nước phục vụ sản xuất

Cập nhật: Thứ tư 03/07/2019 - 10:09
 Ông Vũ Quốc Bảo, xóm Kim Long 2, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) bơm nước ở ao lên để phục vụ gieo cấy lúa mùa.
Ông Vũ Quốc Bảo, xóm Kim Long 2, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) bơm nước ở ao lên để phục vụ gieo cấy lúa mùa.

Hàng chục năm nay, nhiều hộ dân ở 2 xóm: Kim Long 2 và Lát Đá của xã Bình Sơn (T.P Sông Công) thường xuyên phải chịu cảnh thiếu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp. Thời điểm này, thời tiết mưa nhiều nhưng để chủ động nguồn nước gieo cấy lúa, người dân vẫn phải tự bơm nước từ ao hoặc giếng khoan ra ruộng.

Trở lại xóm Kim Long 2 đúng vào ngày nắng nóng cao điểm ở miền Bắc, đi qua những thửa ruộng vừa thu hoạch, chúng tôi được người dân nơi đây cho biết, nhiều năm nay, việc canh tác lúa của bà con phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên hoặc tự bơm từ ao của gia đình. Vì thế, chỉ một phần diện tích đất nông nghiệp của xóm có thể gieo cấy lúa vụ xuân và năng suất lúa chỉ đạt khoảng 1,2 tạ/sào, thậm chí có vụ bị mất trắng do hạn hán. Trong vụ mùa này, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp vẫn bị thiếu nước nên người dân phải tự bơm nước từ ao hoặc chủ động chuyển sang loại cây trồng khác.

Được biết, xóm Kim Long 2 có 62 hộ dân thì 100% số hộ sống bằng trồng chè và lúa, với diện tích hơn 80ha. Mặc dù, những năm gần đây, người dân đã tích cực chuyển đổi giống chè và lúa có năng suất, chất lượng cao hơn giống cũ nhưng do không đủ nước tưới nên một phần diện tích chè đã được người dân chuyển dần sang trồng keo, còn những diện tích lúa cho năng suất thấp, không chủ động được nguồn nước tưới từ các ao tích nước, người dân đành bỏ trống ruộng hoặc chuyển sang trồng một số loại cây màu ngắn ngày. Ông Vũ Quốc Bảo, Bí thư Chi bộ xóm Kim Long 2 cho hay: Xóm có đến 70% diện tích chè và lúa thiếu nước tưới. Trong số 62 hộ dân của xóm chỉ có 20 hộ có ao để tích nước nhưng cũng không đáp ứng đủ lượng nước tưới cho cây trồng. Đơn cử như gia đình tôi, với hơn 4.000m2 ruộng cấy lúa thì cũng chỉ cấy được 1/3 diện tích, còn lại ruộng gần như bỏ không hoặc chuyển sang trồng cây màu.

Còn tại xóm Lát Đá, với hơn 30ha lúa và chè, người dân trong xóm cũng thường xuyên phải chịu cảnh thiếu nước tưới tương tự như xóm Kim Long 2. Với hơn 90% hộ dân sản xuất nông nghiệp thì cũng chỉ có 50% số hộ chủ động nguồn nước tưới từ giếng khoan. Số còn lại không khoan được giếng (vì địa hình vướng đá) nên phụ thuộc chủ yếu nguồn nước tự nhiên hoặc tận dụng nước tích trữ ít ỏi có trong ao. Ông Trương Văn Cường, Bí thư Chi bộ xóm Lát Đá thông tin: Thực trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp diễn ra từ năm 2009 đến nay. Do không có nước tưới nên phần lớn diện tích chè của các hộ dân đã bị chết. Nhiều hộ đã chuyển dần từ trồng chè sang trồng keo để có thêm thu nhập. Trước thực trạng trên, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị lên cấp trên để có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu nước cho bà con nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân chính của việc thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp là do địa hình 2 xóm trên cao hơn nhiều so với mặt nước hồ Ghềnh Chè nên việc đầu tư xây dựng kênh mương dẫn nước từ hồ về là rất khó khăn. Trong khi đó, không có sông, suối nào chảy qua 2 xóm trên. Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Chúng tôi đã nắm được tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp tại 2 xóm Kim Long 2 và Đá Lát nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp khả thi giải quyết triệt để vấn đề này. Người dân nhiều lần đề nghị đắp hồ trữ nước, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy chưa phù hợp vì để xây dựng hồ cần nguồn kinh phí đầu tư lớn trong khi diện tích tưới không nhiều sẽ gây lãng phí. Trước mắt, chúng tôi vẫn động viên người dân chủ động bơm nước ở suối, ao để tưới cho cây trồng. Diện tích đất nào không đủ nước tưới, người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp.

Có thể thấy rằng, người dân 2 xóm Kim Long 2 và Đá Lát đang cần công trình thủy lợi để chủ động nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp. Người dân rất mong các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phối hợp khảo sát thực tế, sớm có phương án giải quyết vấn đề này.

Vi Vân
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: