Người đưa giống thanh long ruột đỏ về Cao Phong
Chị Dương Thị Sinh (vợ anh Văn), xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ của gia đình. |
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tiên phong đưa giống thanh long ruột đỏ về trồng tại địa phương, gia đình anh Triệu Hữu Văn, xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) đã từng bước gây dựng thành công mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tham quan khu vườn của gia đình anh Văn, chúng tôi như bị cuốn vào bạt ngàn những trụ thanh long xanh mướt, ngay hàng, thẳng lối được vợ chồng anh dày công chăm sóc. Trước đây, trên mảnh đất này, gia đình anh Văn trồng chè nhưng hiệu quả không cao. Kinh tế khó khăn, anh Văn đành phải lặn lội đi làm thuê ở khắp nơi để kiếm thêm thu nhập. Đến năm 2015, trong một lần cùng hai người anh trai là Triệu Hữu Vy và Triệu Hữu Minh (ở cùng xóm) về thăm bà con tại huyện Thái Thụy (Thái Bình), ba người nhận thấy giống thanh long ruột đỏ được người dân nơi đây trồng nhiều và thu lợi nhuận cao từ loại cây này.
Thấy vậy, họ cùng nhau tìm hiểu, tỉ mỉ tham khảo kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long ruột đỏ. Khi trở về nhà, anh Văn là người tiên phong trồng thử nghiệm thanh long ruột đỏ trên đồng đất địa phương với sự hỗ trợ của hai người anh trai. Bước đầu, anh đầu tư gần 100 triệu đồng để chuyển đổi diện tích đất trồng chè sang trồng 300 trụ thanh long (tương đương 1.200 cây).
Theo anh Văn, trồng thanh long nặng vốn đầu tư trụ đá và giống ban đầu (khoảng 200.000 đồng/gốc), còn công chăm sóc, bón phân thì không đáng kể, đặc biệt, cây có sức đề kháng cao nên ít bị sâu bệnh. Vì trụ cây bằng bê tông, tán cây không cao nên ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, nhất là mưa bão. Thời gian từ khi trồng đến khi được thu hoạch mất hơn một năm nhưng sau đó, có thể thu được 4-5 lứa quả/năm và hàng chục năm mới phải trồng lại. Thanh long ruột đỏ có nhiều ưu điểm, đặc biệt là giá bán ổn định, cao hơn nhiều so với một số loại quả khác được trồng ở địa phương trước đây.
Theo tính toán, thu nhập từ cây thanh long ruột đỏ cao gấp 3 lần so với trồng chè trên cùng một diện tích. Về kinh nghiệm về trồng, chăm sóc, bên cạnh việc chọn mua giống cây có chất lượng, khi bắt đầu trồng thanh long, phải làm trụ bê tông theo tiêu chuẩn (cao từ 1,8-2m, cạnh vuông từ 12-15cm, chôn sâu 30cm, mỗi trụ cách nhau 3m). Trong đó, mỗi trụ trồng 4 cây, phủ rơm rạ ở gốc để giữ ẩm và bổ sung thêm phân chuồng, phân hữu cơ một năm 2 lần (bón thúc mầm và bón thúc quả) cây sẽ phát triển tốt...
Sau một năm cần mẫn chăm sóc, vườn thanh long của gia đình Văn đã cho trái ngọt. Anh chia sẻ: Thành công bước đầu không chỉ là công sức của riêng tôi mà còn có sự hỗ trợ, tiếp sức của những người thân trong gia đình. Cuối năm 2016, tôi tiếp tục mở rộng quy mô trồng thanh long ruột đỏ lên 900 trụ trên diện tích hơn 1.000m2 đất vườn. Đến nay, vườn cây của gia đình đã cho thu hoạch đều đặn mỗi năm trên 15 tấn quả/năm. Với giá bán 18-20 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về hơn 150 triệu đồng/năm.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ việc trồng thanh long ruột đỏ của gia đình anh Văn, gia đình 2 người anh trai Triệu Hữu Vy và Triệu Hữu Minh cũng như nhiều hộ dân khác trong xóm Cao Phong đã học hỏi kinh nghiệm và đưa loại cây này vào trồng. Đến nay, cả xóm đã có gần 20 hộ tham gia trồng thanh long ruột đỏ với diện tích gần 10ha, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình. Nguyện vọng của anh Văn và các hộ trồng thanh long trong xóm là tiến tới thành lập hợp tác xã, nhằm tạo thành vùng sản xuất, gây dựng thương hiệu cho sản phẩm thanh long ruột đỏ Cao Phong, cũng như có được đầu ra ổn định.