Người đưa hương chè Sông Cầu bay xa
Chị Vũ Thị Thanh Hảo (bên phải) trực tiếp lên đồi chè của các hộ thành viên HTX chè Thịnh An để kiểm tra nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến chè. |
Sinh ra và lớn lên trên vùng chè thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), ngay từ khi còn nhỏ, chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chè Thịnh An, thường theo cha mẹ (khi đó đều là công nhân Nông trường chè Sông Cầu) lên đồi hái chè. Lớn lên một chút, khoảng 9-10 tuổi chị đã biết sao chè thuần thục. Với chị, cây chè không chỉ mang lại áo cơm mà còn chứa đựng tình yêu và khát vọng vươn lên làm giàu của người dân nơi này. Đây chính là lý do để chị luôn trăn trở, đưa hương chè Sông Cầu bay xa...
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Hảo rưng rưng khi nhớ về những ngày thơ bé. Chị bảo: Khi còn nhỏ, tôi đã sao chè thuần thục lắm. Đôi bàn tay của người con đất chè bị nhựa chè làm cho đen nhẻm, có rửa thế nào cũng không hết. Vì thế, mỗi khi vào lớp học, tôi thường bị cô giáo trách không vệ sinh đôi bàn tay sạch sẽ. Sau này, hiểu được những nhọc nhằn của lũ trẻ quê chè, cô giáo không còn trách cứ tôi nữa…
Nặng lòng với cây chè nên năm 2017, mặc dù đã là một cô giáo mầm non trong biên chế nhưng chị Hảo vẫn quyết định xin nghỉ việc, quay trở về thành lập HTX chè Thịnh An. Để sản phẩm chè quê mình ngày càng nâng cao giá trị kinh tế, chị quyết định xây dựng vùng nguyên liệu sạch bằng việc liên kết với các hộ dân ở thị trấn Sông Cầu xây dựng vùng nguyên liệu chè an toàn.
Thật may mắn khi năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại thị trấn Sông Cầu. Là người nhạy bén, chị Hảo đã tranh thủ cơ hội này để kết nối 150 hộ dân tham gia Dự án với quy mô 50ha. 2 năm sau, chị lại liên kết với các hộ dân xây dựng thêm 20ha chè chăm sóc theo hướng hữu cơ. Hiện nay, trong số 70ha chè này, chị đã phát triển được 20ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Theo đó có gần 200 hộ dân cung ứng sản phẩm chè búp tươi an toàn cho HTX với sản lượng khoảng 150 tấn/năm. Nắm bắt được xu hướng hiện nay, năm 2022, chị tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cần thiết và được cấp mã vùng trồng để có cơ hội đưa hương chè Thịnh An đến với trời Âu.
Cùng với việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch, chị còn mạnh dạn đầu tư máy móc sản xuất, chế biến chè. Vượt qua những ngày đầu đầy gian khó, hiện nay HTX đã có hệ thống máy móc hiện đại với 6 lò sao chè chạy bằng điện và gas, 40 máy vò chè.
Là người nhạy bén, chị Hảo rất linh hoạt trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Ban đầu, sản phẩm chè của HTX được đưa đến tay người tiêu dùng thông qua các chợ truyền thống. Sau này, thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại và kết nối với các tư thương trong, ngoài tỉnh, chị đã phát triển được mạng lưới tiêu thụ chè rộng lớn. Nhờ đó, thương hiệu chè Sông Cầu nổi tiếng một thời nhưng từng bị mai một đến nay đã từng bước sống lại khi sản phẩm chè Thịnh An đã có mặt ở 48 tỉnh, thành phố trong cả nước. 9 sản phẩm chè của HTX (trong đó có 4 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-4 sao) đã có mặt tại nhiều siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bạc Liêu… với sức tiêu thụ không hề nhỏ. Riêng trong năm nay, với sự “chèo lái” của chị Hảo, HTX có thể đưa ra thị trường khoảng 40-60 tấn chè búp khô…
Chị Hảo tâm sự: Sau 5 năm hoạt động, từ chỗ chỉ có 7 thành viên sáng lập, đến nay HTX đã có 150 hộ thành viên. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất chính là giá chè búp khô tăng đáng kể, từ 30 nghìn đồng/kg năm 2016 tăng lên 150 nghìn đến 5 triệu đồng/kg hiện nay. Đời sống của người làm chè Sông Cầu nhờ đó được cải thiện rất nhiều.
Niềm vui càng được nhân lên khi mới đây (tháng 8-2022), chị Hảo được phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Phần thưởng này vừa là vinh dự cũng vừa là trách nhiệm để chị tiếp tục “chèo lái” đưa hương chè Sông Cầu bay xa hơn, đến với thị trường EU (châu Âu). Chị rất mong được các cấp, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện và tiếp thêm sức mạnh để HTX chè Thịnh An sớm hoàn thành mục tiêu này.