Nhân rộng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP
Bà con tham quan mô hình sản xuất chè xanh an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Văn Hán (Đồng Hỷ). |
Nhằm khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, giai đoạn 2020-2022, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai mô hình sản xuất chè xanh an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Văn Hán (Đồng Hỷ), với diện tích 22ha, 87 hộ dân tham gia.
Theo đánh giá, sau 3 năm triển khai, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoai mục, kết hợp với bón phân NPK nên cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, mật độ búp đều, phiến lá dầy, bóng; chè chế biến có vị đậm, hương cốm, tỷ lệ hao hụt ít.
Theo đó, năng suất chè đã tăng từ 112 tạ/ha (năm 2020) lên 135,2 tạ/ha (năm 2022); thu nhập của các hộ sản xuất trong mô hình đạt trên 218 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với sản xuất thông thường 64,5 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt, toàn bộ diện tích chè của mô hình đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được Hợp tác xã Thái Minh (trụ sở ở xã Văn Hán) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn thị trường từ 10-15% (tương ứng tăng 3-5 nghìn đồng/kg chè búp tươi). Đây là tín hiệu tích cực để mô hình tiếp tục được duy trì và mở rộng trong thời gian tới.