Nhiều chính sách thực hiện Luật Chăn nuôi
Nội dung Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh có quy định cụ thể về vấn đề xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Trong ảnh: Phun thuốc khử trùng, tiêu độc theo quy định tại một trang trại chăn nuôi lợn ở xóm Ngò Thái, xã Tân Đức (Phú Bình). Ảnh: T.L |
Hoạt động chăn nuôi đang được thắt chặt khi Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực thi hành. Luật quy định chi tiết nhiều nội dung liên quan đến nguyên tắc, chiến lược phát triển, chính sách của Nhà nước về chăn nuôi, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh… Để Luật Chăn nuôi năm 2018 đi vào cuộc sống, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND với các chính sách trong lĩnh vực này.
Từ thực tế những năm qua cho thấy, hoạt động chăn nuôi thu hút nhiều thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh tham gia và có tác động lớn đến đời sống xã hội. Do vậy, khi Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực thi hành đã đặt ra nhiều vấn đề đối với lĩnh vực này, như: Giải quyết tồn tại trong hoạt động chăn nuôi ra sao? Định hướng phát triển như thế nào? Tỉnh có những cơ chế, chính sách gì để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật nhưng vẫn thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển?... Đó là những vấn đề lớn cần được các ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành, thị sớm có giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả.
Sau nhiều tháng khảo sát, chuẩn bị, ngành Nông nghiệp và PTNT cùng các ngành liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thành, thị đã xây dựng cơ chế, chính sách trong hoạt động chăn nuôi để trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua. Ngày 11/12/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12 quy định về khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 12 quy định cụ thể những chính sách lớn trong hoạt động chăn nuôi, như: Những khu vực không được chăn nuôi; chính sách ngừng chăn nuôi hoặc di dời trang trại chăn nuôi ra khỏi vùng không được chăn nuôi; chính sách Nhà nước đầu tư và hỗ trợ các hoạt động về chăn nuôi; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi; xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về chăn nuôi; các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi...
Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ mất việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trực tiếp tại cơ sở chăn nuôi khi ngừng hoạt động với mức 1 triệu đồng/lao động trong thời hạn 3 tháng. Mức hỗ trợ di dời trang trại ra khỏi khu vực không được chăn nuôi tối đa không quá 50 triệu đồng/trang trại quy mô nhỏ; 100 triệu đồng/trang trại quy mô vừa; 150 triệu đồng/trang trại quy mô lớn.
Khi di dời trang trại chăn nuôi có quy mô lớn ra khỏi khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư, mức hỗ trợ tối đa của tỉnh là 150 triệu đồng/trang trại. Ảnh: D.V
Có thể nói, việc di dời trang trại chăn nuôi ra khỏi khu vực nội thành, nội thị là vấn đề lớn, vì có liên quan đến rất nhiều yếu tố, như quy hoạch đất đai phục vụ chăn nuôi, sinh kế của người dân nên tỉnh có hỗ trợ các mức khác nhau là phù hợp. Theo Luật Chăn nuôi năm 2018, chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện về vị trí xây dựng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi theo quy định; có đủ điều kiện về nguồn nước, biện pháp bảo vệ môi trường, chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi; có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 1 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi; có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại.
Đối với chăn nuôi nông hộ, phải đáp ứng các yêu cầu chuồng nuôi tách biệt với nơi ở của người; có các biện pháp thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường… Tuy vậy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, phần lớn các gia đình chăn nuôi quy mô nông hộ đều đang tận dụng đất vườn, ao để chăn nuôi, nên chuồng trại không tách biệt nơi ở của người. Chỉ có giải pháp chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư mới đáp ứng được yêu cầu này. Khó khăn nhất khi thực hiện Luật Chăn nuôi là nội dung không được phép chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư, nhưng không phải hộ nào cũng có đủ điều kiện để di dời chăn nuôi theo quy định của Luật.
Từ thực tế sản xuất có thể thấy, chăn nuôi đã trở thành ngành sản xuất có điều kiện vì sự tương tác với các lĩnh vực khác, nhất là đối với vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Do vậy, đây là lĩnh vực không thể phát triển một cách tùy tiện. Vì vậy, chủ trương, chính sách đối với phát triển chăn nuôi của tỉnh sẽ luôn có sự thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới để lĩnh vực này thực sự có nhiều đóng góp đối với tăng trưởng nông nghiệp và là chỗ dựa sinh kế cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh.