Nhiều công trình thủy lợi ở Định Hóa xuống cấp
Công trình đập Quyết Tâm, xã Kim Phượng (Định Hóa) hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng tích trữ nước phục vụ sản xuất. |
Do tác động của thiên tai, lũ lụt, cộng với quá trình sử dụng nhiều năm nhưng chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nên hiện nay, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Định Hóa đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng...
Hồ Nà Khe, xã Phúc Chu với diện tích lưu vực trên 1km2, dung tích chứa nước gần 100 nghìn m3 là công trình thủy lợi quan trọng, có vai trò cung cấp nước sản xuất cho trên 25ha đất nông nghiệp của xã Phúc Chu và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, kể từ khi được đắp và đưa vào sử dụng từ năm 1979 đến nay, hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp nên nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tại, mực nước hồ Nà Khe chỉ đạt khoảng 70% so với mực nước dự trữ hàng năm. Vụ xuân năm nay, hồ Nà Khe chỉ đủ nước tưới cung cấp cho 40% diện tích đất nông nghiệp của địa phương.
Tương tự, đập Quyết Tâm, xã Kim Phượng cũng là công trình thủy lợi đầu mối quan trọng, phục vụ nguồn nước sản xuất cho trên 70ha đất nông nghiệp của xã. Tuy nhiên, sau nhiều năm đưa vào sử dụng (từ 2005 đến nay), đập không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nên lòng đập bị bồi lắng với khối lượng bùn đất trên 6.000m3. Hiện nay, đập không còn khả năng tích trữ nước phục vụ sản xuất. Ngoài ra, xung quanh bờ đập được đắp bằng đất, đang bị sạt lở nghiêm trọng vào đất ruộng đang canh tác của người dân. Phía trên thân đập, cây cầu bằng bê tông được xây dựng tạm từ năm 2005 hiện cũng đã xuống cấp gây nguy hiểm cho việc đi lại của người dân địa phương.
Huyện Định Hóa hiện có 44 công trình hồ chứa, 145 đập dâng và 244 tuyến kênh mương nhằm phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. Trong đó, 28 công trình có quy mô lớn, gồm: 7 hồ chứa, 10 đập dâng và 11 tuyến kênh mương do Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi tỉnh quản lý, vận hành. Các công trình có quy mô vừa và nhỏ còn lại, gồm: 37 hồ chứa, 17 trạm bơm, 135 đập dâng và 222 tuyến kênh mương do UBND huyện và UBND các xã, thị trấn trực tiếp quản lý.
Ông Nguyễn Anh Tấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Hiện nay, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Ngoài những công trình bị xuống cấp từ nhiều năm trước do không được sửa chữa, nâng cấp thường xuyên, như: hồ Nà Khe (xã Phúc Chu); hồ Bảo Linh, kênh Gốc Kéo (xã Bảo Linh)… Khoảng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện xuất hiện thêm nhiều công trình thủy lợi khác bị hư hỏng nghiêm trọng do tác động của thiên tai, mưa lũ, điển hình như: Hồ Thẩm Khán (xã Tân Dương); hồ Đá Bay (xã Bình Yên); hồ Bản Hin (xã Sơn Phú)
Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn huyện đều là những công trình có quy mô vừa và nhỏ, thuộc quyền quản lý của UBND huyện và UBND các xã, thị trấn. Đa số các công trình này đều đã được xây dựng từ cách đây 30-50 năm trong điều kiện kinh tế khó khăn, chất lượng và công nghệ thi công còn hạn chế. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, do không được sửa chữa, duy tu thường xuyên, cộng thêm tác động của những đợt mưa lũ xảy ra liên tiếp trong vài năm gần đây đã khiến cho tình trạng xuống cấp của các công trình thủy lợi càng nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, mỗi năm kinh phí để huyện thực hiện duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình bị xuống cấp chỉ có khoảng 6-7 tỷ đồng từ các nguồn: Cấp bù thủy lợi phí, kinh phí cấp hằng năm của tỉnh; ngân sách huyện… Nguồn kinh phí này chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, huyện sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên sửa chữa những công trình thủy lợi lớn, phục vụ tưới tiêu nhiều và hư hỏng nặng trước.
Bên cạnh tình trạng xuống cấp, hư hỏng làm cho khả năng tích trữ và điều tiết nước phục vụ sản xuất của các công trình thủy lợi bị hạn chế thì hiện nay, công tác quản lý, vận hành của địa phương còn nhiều bất cập. Hầu hết các công trình thủy lợi của huyện đều được UBND huyện giao cho các xã, thị trấn quản lý. Tuy nhiên, UBND các xã, thị trấn lại ủy thác hoàn toàn cho tổ thủy nông tại các thôn, xóm thực hiện việc quản lý, vận hành hoặc giao khoán cho các hộ gia đình sử dụng diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Tại các địa phương, lực lượng cán bộ làm công tác thủy lợi còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ nên các công trình thủy lợi không được theo dõi, quản lý sát sao. Nhiều công trình không có hồ sơ thiết kế, thi công, thậm chí không có quy trình kỹ thuật quản lý, vận hành…
Thực tế cho thấy, tình trạng xuống cấp của các công trình thủy lợi đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với huyện miền núi Định Hóa trong công tác phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. Trước thực trạng này, thiết nghĩ, thời gian tới, tỉnh cần sớm quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí để huyện Định Hóa thực hiện việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp những công trình thủy lợi bị xuống cấp. Mặt khác, huyện cũng cần nghiên cứu thực hiện việc phân cấp quản lý các công trình thủy lợi sao cho đồng bộ, hợp lý nhằm phát huy tối đa hiệu quả của các công trình hồ, đập, kênh mương, trạm bơm đối với hoạt động sản xuất.