Phát triển cây chè ở Võ Nhai
Bà con xóm Nhâu, xã Liên Minh (Võ Nhai) thu hoạch chè. |
Những năm qua, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực ở Võ Nhai, góp phần giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, việc trồng và chế biến chè ở nơi đây vẫn mang tính tự phát, giá bán sản phẩm thấp...
Theo số liệu thống kê, Võ Nhai hiện có 1.250ha chè, trong đó có 500ha chè trung du, còn lại là chè cành với chủ yếu các giống: LDP1, TRI777, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên. Năng suất chè trung bình của huyện đạt khoảng 28 tạ chè búp tươi/ha/lứa. Cây chè đã góp phần giúp người dân trong huyện thoát nghèo và có điều kiện vươn lên làm giàu.
Hiện nay, cây chè ở Võ Nhai được trồng và phát triển thành những vùng sản xuất tập trung ở xã Tràng Xá, bao gồm các xóm: Thành Tiến, Tân Thành, Đồng Ruộng, Khuân Nang; ở xã Liên Minh, bao gồm các xóm: Nhâu, Vang, Thâm, Nho và xóm Ba Nhất (xã Phú Thượng). Theo đánh giá của nhiều thương lái cũng như người từng thưởng thức, một số vùng chè ở Võ Nhai ngon không kém so với chè ở Văn Hán, Trại Cài (Đồng Hỷ), Tức Tranh, Vô Tranh (Phú Lương). Thế nhưng, giá bán sản phẩm chè nơi đây lại thấp hơn nhiều so với những vùng chè này. Cụ thể, giá bán 1kg chè búp khô giống chè trung du chỉ vào khoảng 60 đến 80 nghìn đồng, chè cành vào khoảng 100 đến 150 nghìn đồng (nếu chè được đóng gói, hút chân không thì bán được với giá 200 nghìn đồng/kg). Trong khi đó, giá bán chè ở Văn Hán, Trại Cài (Đồng Hỷ), Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương)... thường có giá bán trung bình 300 nghìn đồng/kg, thậm chí hàng triệu đồng/kg (đối với chè đinh).
Lý giải nguyên nhân chè có giá bán thấp như vậy, ông Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng xóm, kiêm Trưởng Ban quản lý Làng nghề chè truyền thống xóm Thâm, xã Liên Minh cho rằng: Thị trường tiêu thụ của chè Võ Nhai hiện rất hạn chế, do bà con chưa tự mang sản phẩm của mình bán ở nơi khác mà chủ yếu được tư thương ở trong huyện và Đồng Hỷ, Phú Lương đến thu mua nên thường bị "làm giá", ép giá. Ngoài ra, sản phẩm của bà con chủ yếu được đóng thành những bao tải to đem bán ra ngoài chợ hoặc để tư thương đến nhà thu mua. Điều quan trọng hơn, dù chất lượng chè có ngon cỡ nào mà chưa có thương hiệu thì giá bán sẽ không thể bằng các sản phẩm chè đã có thương hiệu.
Xác định cây chè là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, khoảng chục năm trở lại đây, huyện Võ Nhai đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích cũng như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Theo đó, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân trồng mới, trồng thay thế những diện tích chè trung du có năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chè cành chất lượng cao như: Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, LDP1, TRI 777. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các xã và thị trấn tổ chức được khoảng trên dưới 20 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè. Từ nguồn vốn ngân sách, hằng năm, huyện cũng tổ chức hỗ trợ các hộ nghèo giống chè để đầu tư phát triển sản xuất... Kết quả của sự quan tâm và nỗ lực trên là diện tích chè của huyện đã tăng 640ha so với năm 2010, năng suất cũng tăng từ 90 lên 120 tạ chè búp tươi/ha.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy ở Võ Nhai, phần lớn hộ dân vẫn chưa mạnh dạn đầu tư thâm canh cây chè cũng như đầu tư thiết bị chế biến. Diện tích chè được lắp hệ thống tưới nước tự động rất ít, chủ yếu từ hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, rất ít hộ xây dựng được khu chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà con cũng chưa chú trọng đến việc đóng gói sản phẩm. Mỗi làng nghề mới chỉ có từ 1 đến 2 máy hút chân không (cũng từ sự hỗ trợ của Nhà nước). Bên cạnh đó, việc xây dựng các mô hình sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP cũng chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, Võ Nhai mới chỉ có 25ha VietGAP (chiếm 2% tổng diện tích chè toàn huyện). Chưa có làng nghề chè nào có nhãn hiệu tập thể...
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Trong những năm tới, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, trong đó chú trọng đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ sao sấy; thay thế diện tích chè trung du già cỗi, kém năng suất bằng các giống chè cành có năng suất, chất lượng. Phòng cũng sẽ tham mưu cho UBND huyện tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP; tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chè Võ Nhai đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh...