Phú Bình đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

Cập nhật: Thứ tư 07/07/2021 - 08:21
 Nông dân xã Nga My (Phú Bình) sử dụng máy để làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa.
Nông dân xã Nga My (Phú Bình) sử dụng máy để làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không những giải phóng sức lao động, bảo đảm khung thời vụ mà còn làm thay đổi tư duy của nông dân, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, góp phần nâng cao năng suất, giá trị nông sản và đời sống người dân… Nhận thức rõ tầm quan trọng của cơ giới hóa, những năm gần đây, bà con nông dân huyện Phú Bình đã mạnh dạn đầu tư, đưa nhiều loại máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.

Những ngày này, nông dân huyện Phú Bình đang tất bật chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa. Không còn hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, giờ đây, các loại máy cày, bừa đã được bà con nông dân đưa vào sử dụng rất nhiều. Trên cánh đồng xóm Việt Ninh, xã Lương Phú, mặc dù đã gần 18 giờ nhưng anh Nguyễn Đăng Hải vẫn cần mẫn làm việc với chiếc máy cày. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hải nói: Nhà tôi có 5 sào ruộng, trước đây, tôi phải vất vả mấy ngày liền mới cày ải xong. Từ khi có máy cày, bừa, mọi việc đã trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn, tôi chỉ mất 40-45 phút để cày xong 1 sào đất. Không chỉ phục vụ gia đình, tôi còn mở thêm dịch vụ cày, bừa thuê cho bà con trong xóm, mỗi sào được trả 150 nghìn đồng. Vào những ngày mùa vụ tất bật, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày tôi cũng thu được hơn 1 triệu đồng tiền công.

Không chỉ sản xuất lúa, nhiều khâu trong hoạt động khác như trồng cây ăn quả, rau màu hay sản xuất chè cũng đã dần được bà con nông dân thay thế bằng máy móc. Anh Nguyễn Quang Tiến ở xóm Hóa, xã Bảo Lý chia sẻ: Gia đình tôi có vườn cây ăn quả rộng hơn 5.000m2, trồng trên 400 cây các loại như táo xuân 21, ổi, bưởi... Trước đây, do chỉ dùng các nông cụ thô sơ như cuốc, xẻng nên ngày nào tôi cũng phải ra vườn vun xới, rẫy cỏ. Thêm nữa, do ải đất không sâu nên cứ sau 1 tuần, cỏ đã mọc lại, công việc làm vườn rất vất vả. Từ ngày sử dụng máy cày xới đất cầm tay, tôi chỉ mất 2 ngày là làm xong. 

Bên cạnh trồng trọt, trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hợp tác xã, hộ dân đã đầu tư các loại máy móc như: Hệ thống quạt thông gió; máy phun sương, máy bơm nước rửa chuồng trại; máy thái, nghiền cỏ; hệ thống máng ăn tự động, nước uống nhỏ giọt… nhằm giảm nhân công, sức lao động, đồng thời góp phần chăm sóc, bảo vệ vật nuôi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt… Đơn cử như gia đình anh Dương Đình Sơn ở xóm Phẩm 4, xã Dương Thành chăn nuôi 8.000 con gà đẻ. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, anh Sơn đã đầu tư lắp đặt giàn quạt thông gió; máy điều hòa bảo quản trứng; hệ thống cung cấp nước uống nhỏ giọt; xe đẩy thức ăn… Vì vậy, cơ sở chăn nuôi của gia đình anh chỉ cần thuê thêm 2 nhân công.

Để khuyến khích người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thời gian qua, huyện Phú Bình đã tập trung thực hiện các giải pháp: Khuyến khích hợp tác xã, hộ dân mạnh dạn đầu tư các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất; cải tạo hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn... Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chuyên môn, đến nay, trên địa bàn huyện có 106 máy kéo, 293 xe vận chuyển nông sản, 1.203 máy cày, trên 12.000 máy bơm nước, trên 7.800 máy tuốt lúa, 15 máy gặt đập liên hợp… Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất hiện đạt 98%; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật đạt trên 20%; trong chăn nuôi đạt 30%... 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình cho biết: Toàn huyện hiện có 4.521ha đất trồng cây lâu năm; 9.161ha đất trồng cây hằng năm; 5.530ha đất lâm nghiệp có rừng; 508ha đất nuôi trồng thủy sản… Khi áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, không chỉ góp phần tăng năng suất của cây trồng, vật nuôi từ 15-20% mà còn giúp bà con giảm chi phí đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công… Do đó, lợi nhuận thu về cao hơn so với phương thức sản xuất thủ công. Để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đến bảo quản, chế biến nông sản. Đồng thời, gắn với công tác quy hoạch, hình thành những cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa.

Ngọc Ánh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: