Phụ nữ Phượng Tiến trồng lúa an toàn theo hướng hữu cơ
Chị em phụ nữ xóm Lợi A, xã Phượng Tiến (Định Hóa) chăm sóc diện tích lúa canh tác theo hướng hữu cơ. |
Tận dụng được nguồn phân bón tại chỗ, thân thiện với môi trường; tạo ra sản phẩm gạo ngon, đảm bảo an toàn; tăng năng suất trên một đơn vị diện tích đất... Đó là những hiệu quả nổi bật từ mô hình trồng lúa an toàn theo hướng hữu cơ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phượng Tiến (Định Hóa).
Xã Phượng Tiến có cánh đồng rộng, bằng phẳng với chất đất pha cát rất thuận lợi để trồng lúa. Thêm vào đó, nhiều năm nay, người dân trong xã duy trì trồng khoai tây và nhiều loại cây trồng ngắn ngày khác nên lượng phụ phẩm nông nghiệp khá nhiều. Để tận dụng những lợi thế trên, Hội LHPN xã Phượng Tiến đã xây dựng mô hình “Làng trồng lúa an toàn theo hướng hữu cơ” với các giống Bao thai, J02 và nếp vải.
Mô hình được triển khai từ tháng 5-2020, trên diện tích 4,8ha với sự tham gia của 30 hội viên tại 2 xóm Lợi A, Lợi B. Mục tiêu là giúp người dân hiểu và thực hiện phương pháp canh tác tạo ra sản phẩm an toàn; cải thiện chất lượng đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ đó, giúp tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập, tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ địa phương.
Chị Lường Thị Thu Lịch, Chủ tịch Hội LHPN xã Phượng Tiến cho biết: Tham gia mô hình, toàn bộ thành viên được tập huấn kỹ thuật, thực hành cách ủ phân hữu cơ; hướng dẫn sử dụng các sản phẩm nông nghiệp an toàn; được hỗ trợ mua men vi sinh, lúa giống... Sau 3 vụ canh tác theo phương pháp hữu cơ, cỏ, sâu bệnh giảm hẳn, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất tăng từ 1-2 tạ/sào so với trước đây.
Cùng chị Lịch đi thăm cánh đồng lúa hữu cơ ở 2 xóm Lợi A và Lợi B, chúng tôi nhận thấy, cây lúa cấy được hơn 1 tháng đang bén rễ, lên xanh tốt. Vừa xới cỏ, chị Nguyễn Thị Hoa, thành viên tham gia mô hình vui vẻ: Nhà tôi có trên 1 mẫu ruộng, trước đây thường xuyên sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, vừa tốn kém nhưng năng suất chỉ đạt khoảng 1,5-1,8 tạ/sào. Từ khi áp dụng phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ như tự ủ phân bón, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất lúa tăng từ 0,7-1 tạ/sào.
Thêm nữa, việc bón phân hữu cơ mang lại nhiều hiệu quả, vừa tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp dư thừa và phân chuồng kết hợp với men vi sinh làm phân bón tại chỗ, vừa tiết kiệm tiền mua phân bón hóa học, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp, chất mùn cho đất. Không chỉ mang lại hiệu quả cho chính người sản xuất, mô hình trồng lúa an toàn theo hướng hữu cơ còn tạo ra quy trình sản xuất tuần hoàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên một đơn vị diện tích. Đó là việc sau khi thu hoạch lúa vụ xuân người dân trồng khoai tây, lấy phụ phẩm ủ làm phân bón cho lúa vụ mùa.
Thu hoạch xong vụ mùa, bà con tiếp tục dẫn nước vào ruộng để thả cá chép. Dinh dưỡng từ đất còn tồn lại nên cá lớn nhanh, ngọt thịt, khoảng 20- 30 ngày có thể được thu. Theo tính toán của người dân, cứ 1 sào đất quay vòng 2 vụ lúa, vụ khoai tây và vụ cá, chị em thu lãi từ 12-15 triệu/năm.
Nhận thấy những hiệu quả tích cực của mô hình mang lại, đến nay, nhiều người dân ở Phượng Tiến cũng trồng lúa theo hướng hữu cơ, nâng tổng diện tích lúa hữu cơ của toàn xã lên gần 6ha. Hiện nay, sản phẩm lúa, gạo của bà con đang được các hộ dân làm mỳ gạo thu mua và được Trung tâm Dạy nghề 20-10 (Hội LHPN tỉnh) kết nối, tiêu thụ.
Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội LHPN xã Phượng Tiến sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này tới hội viên và người dân. Từ đó, dần hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ khâu sản xuất (gieo trồng) đến chế biến (gạo, mỳ), tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.