Tâm lý bất an - Người dân nào đâu có sự lựa chọn (Kỳ III)
Hiện nay, Công ty cổ phần Vinatu cô ở tổ dân phố Đầu Cầu, thị trấn Ba Hàng (T.X Phổ Yên) đang chuẩn bị các điều kiện để liên kết chăn nuôi theo chuỗi - giết mổ - tiêu thụ tại chợ, siêu thị trong tỉnh. Trong ảnh: Nhân viên Công ty đang đưa lợn vào khu giết mổ. |
Không khó để lý giải nguyên nhân cho tình trạng mất an toàn trong chăn nuôi, thiếu vệ sinh trong giết mổ và kinh doanh sản phẩm thịt động vật. Tuy nhiên, để giải quyết thực trạng này không hề dễ dàng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; các cấp, ngành chức năng và sự thông thái của người dân.
Ngăn chặn thịt “bẩn” bằng cách nào?
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Xác định, An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là một vấn đề nóng, nhất là khi trên địa bàn có lượng cán bộ công nhân viên chức, số lượng học sinh, sinh viên sử dụng các bếp ăn tập thể lớn nên tỉnh đã đặt ra mục tiêu lấy ATVSTP làm thước đo của sự phát triển. Thời gian qua, công tác về ATVSTP đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, đặc biệt là 3 ngành: y tế, công thương và nông nghiệp.Theo đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai tới Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức thành viên. Đồng thời, phân công mỗi tổ chức thành viên chịu trách nhiệm ở một mảng nhất định. Đơn cử, Liên đoàn Lao động tỉnh chịu trách nhiệm giám sát ATVSTP trong các bữa ăn ca tại các nhà máy, công ty lớn. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chịu trách nhiệm giám sát chất lượng bữa ăn đường phố như phở, bún, bánh… ở Trung tâm thương mại hoặc các khu chợ dân sinh. Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh theo hệ thống của mình tổ chức các hoạt động giám sát cho phù hợp. Còn Ủy ban Mặt trận tỉnh trực tiếp giám sát tại 3/9 huyện, thành phố, thị xã và giám sát gián tiếp ở 6 đơn vị còn lại.
Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới vấn đề (ATTP). Ngày 9-5-2016, Chính phủ đã có Chỉ thị số 13 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, trong đó yêu cầu sự vào cuộc của các cấp, bộ, ngành từ Trương đến địa phương. |
Sự vào cuộc này đúng là đã góp phần ngăn chặn tình trạng mất ATVSTP nhưng trên thực tế vẫn chưa thực sự đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng thịt “bẩn” lưu thông trên thị trường. Bởi vậy, để làm giảm nguy cơ mất an toàn trong chăn nuôi và thiếu vệ sinh trong giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật, thời gian tới, cùng với sự quan tâm hơn nữa của cả hệ thống chính trị đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của những người làm công tác quản lý chăn nuôi, thú y và chính quyền các địa phương, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” (cấp tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng cấp dưới lại không triển khai hoặc triển khai lấy lệ). Ông Nguyễn Trường Giang, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Phổ Yên nói: Tôi cho rằng việc xử lý các đối tượng vi phạm cần phải mạnh tay. Các lỗi vi phạm trong chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt động vật nên xử lý triệt để. Ví dụ, theo Nghị định số 90, ngày 31-7-2017 của Chính phủ quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, trường hợp giết mổ không đúng nơi quy định sẽ bị phạt hành chính từ 4 đến 6 triệu đồng. Quá trình kiểm tra, nếu ngành chức năng phát hiện có vi phạm, chính quyền địa phương phải xử lý hành chính ngay lập tức. Số tiền bị phạt cao hơn số tiền vốn bỏ ra sẽ giúp các đối tượng có ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi, thú y.
Một trong những giải pháp ngăn chặn thịt “bẩn” hữu hiệu nữa là việc tăng kinh phí làm xét nghiệm các mẫu vật phẩm trong chăn nuôi cho cơ quan chức năng. Chị Nguyễn Thu Huyền, một người dân ở tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Tôi mong ngành chức năng thường xuyên lấy các mẫu thức ăn chăn nuôi, thịt động vật... đi làm xét nghiệm. Bởi qua đó sẽ đánh giá được chất lượng sản phẩm và giúp người tiêu dùng yên tâm hơn.
Giết mổ tập trung và chăn nuôi theo chuỗi
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Theo tôi, để xây dựng được chuỗi sản xuất chăn nuôi gắn với giết mổ tiêu thụ sản phẩm thì cần đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi an toàn áp dụng quy trình VietGAP, giết mổ, chế biến, tạo nền tảng để hình thành liên kết chuỗi theo các loại hình như chuỗi chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ tại chợ, siêu thị trong tỉnh; chuỗi chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ trực tiếp đến các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, trường học, các khu công nghiệp; chuỗi chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh; chuỗi chăn nuôi - giết mổ - sơ chế, bảo quản - xuất khẩu. |
Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: Năm 2017, qua thực hiện thanh, kiểm tra, toàn tỉnh đã phát hiện 1.816 cơ sở vi phạm 1, trong đó đã cảnh cáo 207 cơ sở, xử lý 383 cơ sở với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là trên 500 triệu đồng. Tuy nhiên, đây hầu hết là các vi phạm trong sản xuất rượu, bánh, mứt, kẹo… chứ không có các trường hợp vi phạm đối với sản phẩm thịt động vật. |
Ông Nguyễn Văn Tám, xóm 5, xã Cù Vân (Đại Từ): Tôi mong được lực lượng chức năng cung cấp một cách cụ thể các quy định về an toàn vệ sinh trong giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật, để từ đó đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. |
Đây cũng là giải pháp tốt để giải quyết tình trạng mất an toàn vệ sinh trong giết mổ động vật. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho hay: Tại các khu giết mổ tập trung, động vật giết mổ đều có nguồn gốc, xuất xứ; được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan Thú y; được kiểm tra trước và sau khi giết mổ, đóng dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt và được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm động vật đã thực hiện kiểm soát giết mổ cho từng mã sản phẩm trước khi xuất ra khỏi cơ sở giết mổ. Bởi vậy, các sản phẩm thịt động vật ở đây đảm bảo ATVSTP và sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, Thái Nguyên mới có 2 cơ sở giết mổ tập trung, công suất cũng không lớn. Bởi vậy, trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện quy hoạch địa điểm, bố trí đất đai, chúng tôi hy vọng thông qua những cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.
Xây dựng chuỗi sản xuất chăn nuôi gắn với giết mổ tiêu thụ sản phẩm cũng là đích đến để giải quyết dứt điểm tình trạng lạm dụng các chất cấm trong chăn nuôi và mất an toàn vệ sinh trong giết mổ động vật. Muốn thực hiện được mục tiêu này thì việc phát triển hợp tác xã chăn nuôi, giết mổ, nòng cốt là các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung sẽ là một hướng đi rất đúng đắn. Cùng với đó là tập trung xây dựng mô hình liên kết chuỗi tại các địa phương chăn nuôi trọng điểm: huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương, T.X Phổ Yên, T.P Sông Công và T.P Thái Nguyên; các hợp tác xã, công ty đăng ký chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Hiện nay, Thái Nguyên cũng đã có một số đơn vị hình thành được các chuỗi liên kết này. Đó là Hợp tác xã Chăn nuôi xanh, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) chăn nuôi lợn siêu nạc bằng thức ăn ủ men vi sinh gắn với giết mổ tiêu thụ nội tỉnh; Hợp tác xã Đồng Thịnh, Tân Khánh (Phú Bình) chăn nuôi gà thả vườn gắn với giết mổ tiêu thụ nội, ngoại tỉnh; Công ty Thực phẩm Cầu Mây (Phú Bình) liên kết với Công ty De Heus đầu tư các trang trại chăn nuôi tập trung gắn với giết mổ tiêu thụ nội, ngoại tỉnh; Công ty CP Vinatuco liên kết với các trang trại chăn nuôi tập trung gắn với giết mổ tiêu thụ nội, ngoại tỉnh... Tuy nhiên, các đơn vị hình thành được chuỗi liên kết vẫn còn ít và nên tiếp tục được khuyến khích hình thành, phát triển trong thời gian tới.
Nói không với thịt “bẩn”
Lỗ hổng lớn nhất hiện nay trong việc quản lý chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt động vật chính là nhiều người dân chưa nắm được các quy định của Nhà nước về vấn đề này. Bởi vậy, yêu cầu tiên quyết là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến kiến thức pháp luật cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật và người tiêu dùng chấp hành nghiêm chỉnh luật An toàn thực phẩm, Luật bảo vệ môi trường, Luật Thú y; chấp hành những quy định của chính quyền địa phương về giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật; sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc an toàn, được kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Nhất là việc nâng cao kiến thức cho những người hành nghề, người trực tiếp giết mổ động vật, thu mua vận chuyển động vật về những kiến thức vệ sinh thú y, ATVSTP và quy định của Nhà nước đối với hoạt động giết mổ động vật; thực hiện nói “không” với thực phẩm “bẩn”. Ngoài ra, việc tuyên truyền vận động kết hợp với biện pháp hành chính để các hộ giết mổ động vật tại hộ kinh doanh, giết mổ động vật tại hộ chăn nuôi, đưa gia súc, gia cầm vào cơ sở giết mổ động vật đã được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động cũng cần được xem trọng. Đặc biệt là việc không giết mổ, kinh doanh buôn bán thịt gia súc, gia cầm tươi sống ở lề đường, hè phố, tụ điểm dân cư không được phép kinh doanh và thông tin về các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật không chấp hành các quy định của pháp luật cũng cần phải được đẩy mạnh.
Đảm bảo ATVSTP là đòi hỏi cấp thiết trong cuộc sống hôm nay. Cùng với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhằm ngăn chặn thịt “bẩn” lưu thông trên thị trường, mỗi người dân không chỉ là người tiêu dùng thông thái mà cần cung cấp thông tin cho các cấp, ngành chức năng khi phát hiện các cơ sở chăn nuôi có sử dụng chất cấm; các hộ giết mổ, kinh doanh thịt động vật không đúng nơi quy định, thiếu an toàn vệ sinh thú y …