Tiềm năng phát triển cây quế ở Định Hóa
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Định Hóa hướng dẫn người dân xã Lam Vỹ kỹ thuật trồng quế. |
Mùa này, đi thực tế trên cánh rừng của huyện Định Hóa, ngoài màu xanh ngút ngàn của keo lai chúng tôi còn thấy những vạt quế đang vươn lên xanh tốt. Tìm hiểu chúng tôi được biết, quế là loại cây hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đang được bà con nơi đây lựa chọn là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế đồi rừng.
Vừa trồng xong hơn 2ha quế, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, gia đình chị Nguyễn Thị Tươi, ở xóm Nà Tấc, xã Lam Vỹ bắt bầu bắt tay vào làm cỏ, dọn dẹp cây bụi để cây quế sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Tươi chia sẻ: Trước đây, nhà tôi trồng cây keo lai, khoảng 7 năm cho thu hoạch trung bình từ 50-70 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, từ năm 2013, khi thấy một số hộ trồng quế, gia đình tôi cũng trổng thử 2ha. Đến đầu năm 2018, gia đình tôi đã khai thác tỉa thân, cành, lá được hơn 20 tấn, bán với giá 1.300 đồng/kg, không phải bỏ đi một chiếc lá nào, trong khi cây quế vẫn tiếp tục phát triển và cho thu hoạch ở những năm tiếp theo. Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây quế đem lại, năm nay, nhà tôi lại tiếp tục trồng thêm 2ha.
Cùng chúng tôi đi kiểm tra những vạt quế vắt ngang sườn đồi, anh Ma Đình Định, Phó ban Lâm nghiệp xã Lam Vỹ cho biết: Năm 2015, bà con trong xã bắt đầu trồng quế ghép với cây mỡ, từ năm 2016 đến nay, bà con trồng đặc cây quế, với tổng diện tích trên 150ha. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cây quế đem lại, xã đã ra nghị quyết chuyên đề mỗi năm trồng 40ha, phấn đấu đến năm 2030, toàn xã có 625ha quế. Vài năm trước, bà con tự trồng nên chưa có kinh nghiệm, mật độ dày, quế cũng bị chết nhiều nên phải dặm lại khá vất vả. Vì thế, hiện nay, chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng quế theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao.
Không chỉ ở Lam Vỹ, toàn huyện Định Hóa hiện có hơn 1.800ha quế, tập trung ở các xã như: Bảo Linh, Quy Kỳ, Tân Thịnh, Linh Thông... Nhận thấy triển vọng giúp người dân thoát nghèo từ cây quế, ngày 5/3/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Định Hóa đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ/HU về đẩy mạnh phát triển cây quế và chế biến các sản phẩm từ quế giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đưa quế trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng, phấn đấu đến năm 2030, toàn huyện có hơn 10.000ha quế, chiếm 1/3 diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp. Hiện nay, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn ra nghị quyết chuyên đề về trồng quế; đồng thời, quan tâm, có chính sách hỗ trợ về giống đối với các hộ trồng quế.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Văn Thắng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Định Hóa cho biết: Để vận động người dân tham gia trồng quế, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trong các buổi họp xóm để người dân hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các chính sách hỗ trợ trồng cây quế. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 90 lớp tập huấn, tuyên truyền về các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy và phát triển rừng; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng cho hơn 3.700 lượt người tham gia. So với cây keo thì quế cho thu nhập cao hơn, bởi từ lá, thân, cành đều có thể tận thu được. Quế có ưu điểm là dễ trồng, ít sâu bệnh, trong vòng 5-6 năm đầu cho khai thác tỉa và 10-15 năm mới được khai thác chính. Vì vậy, người dân cũng mất nhiều công chăm sóc hơn. Đặc điểm quá trình sinh trưởng của cây quế, từ lúc ươm cho đến dưới 4 năm tuổi ưa bóng râm, sau 4 năm tuổi lại hoàn toàn ưa sáng. Khi trưởng thành, cây cần ánh sáng đầy đủ, ánh sáng càng nhiều, cây sinh trưởng nhanh và chất lượng tinh dầu cao.
Anh Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Hoa, thị trấn Chợ Chu cho biết: Trên thị trường hiện nay, vỏ cây quế được ưa chuộng, thường sử dụng làm thuốc, gia vị cho các món ăn bởi có hương thơm đặc biệt. Vỏ quế còn chế biến ra rất nhiều sản phẩm phong phú khác như: quế ống, bột quế, đồ thủ công mỹ nghệ… Tinh dầu quế chiết xuất từ lá, vỏ quế là một trong những hương liệu tạo nên các loại nước hoa nổi tiếng trên thị trường, còn thân cây cung cấp gỗ. Gỗ quế có màu nâu nhạt, thớ thẳng, mịn, có thể dùng đóng đồ gia dụng, làm nhà. Đối với diện tích trồng quế trên địa bàn huyện Định Hóa, Công ty chúng tôi cam kết đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện chúng tôi đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế nhưng chưa có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai ươm và cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng cho bà con.
Có thể thấy, việc phát triển cây quế là hướng đi phù hợp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân Định Hóa, nâng cao hiệu hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, cung cấp nguồn nguyên liệu có giá trị cao cho công nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, góp phần bảo vệ đất đai, nguồn nước, nâng cao độ che phủ của rừng.