Làm gì để nâng cao giá trị xuất khẩu chè? (kỳ 2):
Tiếng nói người trong cuộc
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Hà Thái giới thiệu với khách hàng về những sản phẩm của Công ty. |
Không thể phủ nhận những lợi thế mà sản phẩm trà Thái Nguyên có được, nhất là đối với thị trường nội địa, nhưng để khẳng định đã phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hay chưa thì câu trả lời là “chưa” và hiện có rất nhiều việc cần làm để gia tăng giá trị kinh tế của loại cây trồng này. Trong đó có việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sản phẩm trà sang các thị trường khó tính nhưng có giá bán cao (như Anh, Mỹ, Canada, EU…).
Xuất khẩu cần được chú trọng
Không thể không hướng tới thị trường xuất khẩu là ý kiến chung của nhiều chuyên gia kinh tế và người làm chè có tên tuổi trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc gợi mở, lưu ý tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2018. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ lâu sản phẩm trà Thái đã được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng không thua kém gì so với các sản phẩm trà nổi tiếng trên thế giới. Trong khi đó, giá bán của trà Thái lại thấp hơn nhiều so với giá bán sản phẩm của nước ngoài. Vì thế, tỉnh Thái Nguyên cần quyết tâm xây dựng bằng được thương hiệu sản phẩm trà không chỉ cho tỉnh mà phải mang tầm quốc gia. Nhắc đến trà, thế giới phải nghĩ ngay đến Việt Nam, mà nhắc đến Việt Nam thì phải nói tới Thái Nguyên... Còn ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần nâng cấp Festival trà của tỉnh hiện nay lên thành Lễ hội giao lưu quốc tế, đồng thời phải có chiến lược phát triển và tiếp thị quốc tế cho trà Thái Nguyên nói riêng, trà Việt Nam nói chung.
Tâm đắc với gợi mở của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần (CP) Chè Hà Thái, ở xã Hà Thượng (Đại Từ) - Doanh nghiệp vinh dự được nhận giải Bạc tại Cuộc thi trà Vàng khu vực Bắc Mỹ - Canada năm 2016 về chất lượng sản phẩm - cho rằng: Mặc dù trà Thái Nguyên có lợi thế vượt trội đó là khả năng tiêu thụ nội địa với giá bán khá cao, nhưng nếu chúng ta cứ tự bằng lòng với hiện tại, không quan tâm cải tiến chất lượng, chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu, thì chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ thua ngay trên sân nhà nếu trà các tỉnh, các quốc gia khác chứng minh được sự an toàn cho người sử dụng. Đối với các doanh nghiệp, nên chú trọng tập trung xây dựng thương hiệu, chuyên sâu vào một phong cách, tìm hiểu và nắm bắt rõ thị hiếu cũng như xu hướng tiêu dùng của từng thị trường để cho ra những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phù hợp.
Cũng có chung quan điểm, bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng Giám đốc Công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình cho rằng: Việc chú trọng đến thị trường xuất khẩu sẽ giúp doanh nghiệp củng cố và gia tăng giá trị thương hiệu của Công ty. Thay vì tập trung xuất khẩu loại chè đen vào thị trường Trung Đông dễ tính với giá rẻ, chúng tôi sẽ mở rộng vào thị trường Nga, với dòng sản phẩm từ 5-8 USD/kg. Với giá bán này, Công ty có thể thu mua chè búp tươi của bà con với giá từ 14-18 nghìn đồng/kg. Đối với một số vùng trồng chè không phải trọng điểm của tỉnh thì mức giá này được xem là khá ổn nếu nguồn nguyên liệu được tiêu thụ ổn định.
Từ thực tế xuất khẩu của HTX, bà Nguyễn Thị Nhài, Phó Giám đốc HTX Chè Tân Hương (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Những năm gần đây, HTX xuất sang Canada khoảng 1 tấn chè búp khô/năm, loại 25 USD/kg. So với nội tiêu, giá xuất khẩu thường cao hơn khoảng 10%. Tuy nhiên, hiện sản phẩm trà của HTX mới chỉ được xuất bán thông qua một người quen, chứ chưa đủ điều kiện về tài chính để tiếp cận trực tiếp với thị trường nước ngoài như một số công ty, doanh nghiệp lớn.
Còn theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh thì loại chè mà Thái Nguyên cần chú trọng xuất khẩu phải là loại trà xanh truyền thống chất lượng cao. Vì đây cũng là thế mạnh của tỉnh.
Đâu là giải pháp?
Theo ý kiến mà chúng tôi ghi nhận được của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè thì có 2 vấn đề cơ bản nhất cần phải được tỉnh quan tâm, chú trọng đó chính là an toàn vệ sinh thực phẩm và vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng đồng đều. Ông Hoàng Văn Dũng phân tích: Trong khi chất lượng chè Thái được nhiều người đánh giá cao thì “tiếng tăm” trên thị trường thế giới lại gần như không có. Vì thế, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu trực tiếp ra các nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại cần thiết phải được đẩy mạnh. Song song với đó, phải có được vùng nguyên liệu đồng nhất về chất lượng, giống chè; khâu chế biến cũng phải được đặc biệt quan tâm. Còn đối với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, cần chú trọng tạo ra những sản phẩm mà thị trường cần, chứ không phải là bán ra những gì mình có.
Còn theo đại diện Sở Công Thương, bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nhân về chuyên môn nghiệp vụ, kinh tế đối ngoại, ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng, thỏa thuận hợp tác kinh tế quốc tế; tăng cường cung cấp thông tin thị trường, đặc điểm, cách thức tiếp cận thị trường thế giới; nắm chắc để khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại được ký kết giữa Việt Nam và các nước.
Đồng tình với các ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ thêm: Chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, UTZ hay Organic cũng chỉ vào được một vài thị trường và chi phí để thực hiện được các quy chuẩn này không hề nhỏ. Nhưng đổi lại, nếu được thị trường nước bạn chấp nhận, thì giá bán sẽ cao gấp nhiều lần so với nội tiêu. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn của Nhà nước. Thực tế ở Hà Thái, chúng tôi đã và đang bán được dòng sản phẩm quà tặng cao cấp với giá cao nhất là 700USD/kg, tương đương 15 triệu đồng/kg.
Hiểu rõ những khó khăn, bất cập nêu trên nên Công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình đã đề xuất đầu tư Dự án Trung tâm sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao T.P Thái Nguyên, tại xã Quyết Thắng, với diện tích 50ha, tổng vốn đầu tư 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Đức Lý cho rằng nếu Công ty phải tự giải phóng mặt bằng như các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ khác thì số vốn đầu tư cho dự án sẽ lên tới khoảng 300 tỷ đồng. Điều này sẽ khiến Công ty không thể triển khai được Dự án. Bởi các dự án nông nghiệp rất lâu mới thu hồi được vốn mà độ rủi ro lại cao. Vì thế, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với các dự án trong lĩnh vực này.
Ở một góc độ khác, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tỉnh cần nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan, sát thực một số hoạt động hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trà, trong đó có Fetival trà cũng như hoạt động của Hiệp hội chè của tỉnh. Hay như việc tổ chức các hội thảo về chè, nội dung mới chỉ quan tâm nhiều đến việc trồng chè như thế nào, bằng giống gì, chứ việc phải tiêu thụ ra sao lại không mấy được quan tâm và có giải pháp thiết thực. Ngay cả việc tổ chức các buổi tập huấn cấp tỉnh, số cơ sở và người làm chè trực tiếp được tham dự còn ít, mà chủ yếu vẫn là cán bộ khuyến nông, khiến hiệu quả đạt được không như mong muốn...
Chúng tôi muốn kết thúc bài viết bằng kinh nghiệm liên kết làm chè của một doanh nghiệp tại tỉnh Tuyên Quang. Doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân bằng cách người nông dân góp vốn cho doanh nghiệp là những diện tích chè đã trồng và được chia lợi nhuận theo kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thuê chính chủ vườn chè để thực hiện việc chăm sóc và được hưởng lương hàng tháng. Với cách liên kết này, nguồn lợi mà người nông dân có được lớn hơn nhiều so với việc họ tự làm, tự tiêu. Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì vai trò quản lý của Nhà nước ở đây rất quan trọng trong việc tạo ra cơ chế, môi trường để doanh nghiệp và người dân có thể “bắt tay” được với nhau.