Về Cao Biền nghe chuyện đổi thay
Với dự án đầu tư bê tông hóa tuyến đường Đường Na Rang - Khe Rạc - Cao Sơn (xã Vũ Chấn) - Cao Biền (xã Phú Thượng), những chiếc xe ô tô gầm cao đã có thể đến được tận trung tâm xóm Cao Biền. |
Sau gần 10 năm có dịp trở lại xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai) tôi không khỏi ngỡ ngàng về câu chuyện đổi thay ở nơi đây trong đó có chuyện làm giàu của một số nông dân “triệu phú” trên đỉnh núi cao.
Câu chuyện về sự đổi thay ở Cao Biền đến với tôi bất ngờ bắt đầu từ cuộc điện thoại với Bí thư Chi bộ Cao Biền - Triệu Văn Tiến hai hôm trước khởi hành: Anh không nên đi đường cũ qua xóm Bản Ít của xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn Lạng Sơn mà hãy đi theo đường từ xã Vũ Chấn qua xóm Cao Sơn, đường đang được nâng cấp, sẽ dễ đi hơn.
Đúng như lời đồng chí Bí thư Chi bộ, tuyến đường Na Rang - Khe Rạc - Cao Sơn (xã Vũ Chấn) đi Cao Biền (xã Phú Thượng), có tổng chiều dài 16,9km đang được Nhà nước đầu tư trên 102 tỷ đồng (từ năm 2016) để bê tông hóa toàn tuyến. Hiện nay, tuyến đường đã hoàn thiện được trên 60% khối lượng công việc, trong đó riêng đoạn Na Rang - Khe Rạc - Cao Sơn có chiều dài trên 5km đã hoàn thành thi công. Đoạn Cao Sơn - Cao Biền dài 11km đã hoàn thiện khoảng 60% khối lượng. Ông Nguyễn Thanh Bách, đại diện Nhà thầu Công ty CP Xây dựng và Thương mại Thái Nguyên phụ trách thi công tuyến Cao Sơn - Cao Biền chia sẻ: Địa hình hiểm trở cộng với thời tiết khắc nghiệt là thách thức lớn với đơn vị thi công. Tuy nhiên, chúng tôi đang đặt mục tiêu hoàn thiện toàn tuyến vào cuối năm nay để bà con sớm có đường sử dụng.
Do đó chỉ mất 30 phút từ Vũ Chấn, so với 2 giờ như trước đây, tôi đã đến được nhà Trưởng xóm Cao Biền Triệu Hữu Phong, 30 tuổi, người dân tộc Dao. Hỏi chuyện về đời sống bà con trong xóm những năm gần đây, anh Phong không khỏi vui mừng: Cao Biền có nhiều đổi thay nhưng nổi bật nhất là chuyện phát triển kinh tế, làm giàu từ những cây trồng phù hợp như cây hồi, cây thạch đen, cây dược liệu.
Người dân Cao Biền đã bước đầu tìm hiểu, làm quen với một số cây dược liệu có giá trị cao. Trong ảnh: Người dân Cao Biền chăm sóc cây Hà thủ ô - loại cây trồng có giá trị trên 300 triệu đồng/ha sau 5 năm đầu tư.
Những tấm gương phát triển kinh tế vào “tốp” có mức thu trên 100 triệu đồng mỗi năm được bà con khen ngợi, học tập như các hộ ông Triệu Văn Lý, ông Triệu Văn Lương, ông Triệu Văn Trình, ông Triệu Văn Tiến… Đặc biệt, năm 2019, riêng hộ ông Triệu Văn Hồi với gần 200 gốc hồi và hơn 1 nửa ha trồng Thạch đen đã thu hoạch trên 3 tấn quả hồi và trên 4 tấn cây Thạch đen với doanh thu trên 210 triệu đồng trong đó có khoảng 150 triệu đồng lợi nhuận. Ông Hồi cho biết: Cả hai loại cây này có đặc điểm là dễ trồng, dễ chăm sóc và chịu được thời tiết lạnh giá mùa đông nên rất phù hợp phát triển kinh tế tại Cao Biền.
Học tập các mô hình tiêu biểu ngay tại xóm, một số hộ dân trong xóm đã thoát được nghèo, vươn lên thành hộ có kinh tế khá, tiêu biểu như hộ ông Triệu Văn Khoa, 50 tuổi. Hơn 10 năm trước, ông Khoa đầu tư trồng hơn 100 gốc hồi trên diện tích đất rừng của gia đình. Từ khi cây hồi cho thu hoạch khoảng 4 năm gần đây, mỗi năm ông Khoa thu về trung bình khoảng 80 triệu đồng, lợi nhuận đạt gần 60 triệu đồng. Riêng năm 2019, cây hồi đạt năng suất cao, bán được giá, trừ các khoản chi phí, ông Khoa thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Ông Khoa cho biết: Trước đây, tôi và phần lớn các hộ dân ở đây chỉ trồng lúa ngô, khoai sắn để phục vụ nhu cầu hằng ngày nên đời sống còn khó khăn. Nhờ cây hồi, gia đình tôi đã thoát nghèo và có điều kiện cho con đi học đầy đủ.
Được biết, cây hồi đã được nhiều gia đình trong xóm trồng từ hơn 20 năm trước nhưng khoảng 3 năm gần đây, quả hồi ngày càng được giá giúp đời sống người dân Cao Biền khấm khá hơn. Hiện giá hồi được thu mua từ 25.000 đồng/kg đến 37.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần trước đây. Đối với cây thạch đen dù mới được trồng phổ biến ở Cao Biền từ năm 2017 nhưng cũng cho thu nhập khá cao. Riêng năm 2019, cả xóm Cao Biền thu hoạch được chừng 50 tấn quả hồi, 20 tấn cây Thạch đen đem về tổng doanh thu cho 47 hộ dân ở đây tới ngót 2 tỷ đồng.
Bên cạnh hai loại cây chủ lực trên, người dân Cao Biền đã bước đầu tìm hiểu, làm quen với một số cây dược liệu có giá trị cao như gia đình ông Triệu Văn An, 43 tuổi đầu tư trồng 2 ha Hà thủ ô và 2 ha cây Hương nhu cho thu nhập một năm trên 200 triệu đồng, trong đó, lợi nhuận đạt trên 150 triệu đồng. Ông An chia sẻ: Trồng cây dược liệu dù phải đầu tư khá nhiều công chăm bón nhưng loại cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, trong khi đó đầu ra tiêu thụ ngay trong tỉnh mà hiệu quả kinh tế lại cao. Tôi cũng sẵn sàng chia sẻ để tới đây, nhiều bà con trong xóm có thể đầu tư vào cây trồng này phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Theo “thống kê” của Trưởng xóm Triệu Hữu Phong, những năm gần đây, toàn xóm Cao Biền trồng mới được từ 4.000 đến 5.000 cây hồi mỗi năm. Cùng với đó, diện tích cây Thạch đen, cây dược liệu cũng đang dần được người dân trong xóm mở rộng diện tích trồng. Nhờ chọn được những cây trồng phù hợp, phát triển đúng hướng, nhiều hộ dân đã dần thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá. Nếu như năm 2017, toàn xóm có tới trên 74% hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo thì đến nay, tỷ lệ này chỉ còn 54% (17 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo). Chỉ tính riêng 2 năm gần đây, Cao Biền đã có 9 hộ dân thoát nghèo, cận nghèo, gần 10 hộ dân vươn lên có kinh tế khá.
Trao đổi với tôi, Bí thư chi bộ Triệu Văn Tiến nhận định: Cao Biền đang có rất nhiều cơ hội phát triển. Cuối năm nay, con đường nối Cao Biền với Vũ Chấn hoàn thiện sẽ mở ra cơ hội giao thương mới cho người dân. Thay vì chủ yếu giao thương với bên Lạng Sơn, người dân có thể chuyển sang giao lưu buôn bán với người dân xã Vũ Chấn và chỉ mất chừng 20 phút đã có thể vận chuyển nông sản từ xóm tới tận trung tâm xã Vũ Chấn. Không chỉ vậy, tháng 9 tới đây, Cao Biền cũng sẽ được hòa lưới điện Quốc gia mở ra cơ hội phát triển sản xuất, cơ hội tiếp cận với khoa học, kỹ thuật qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi tin tưởng rằng, đời sống người dân Cao Biền sẽ ngày một khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm mạnh hơn nữa trong những năm tới đây.