Vì sao một số mô hình nông nghiệp ở Đồng Liên chưa hiệu quả?

Cập nhật: Thứ ba 08/10/2019 - 07:35
 Mô hình trồng rau an toàn tại xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên, T.P Thái Nguyên.
Mô hình trồng rau an toàn tại xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên, T.P Thái Nguyên.

Những năm 2015-2016, xã Đồng Liên (khi đó thuộc huyện Phú Bình, nay thuộc T.P Thái Nguyên) đã được UBND tỉnh đầu tư xây dựng 3 mô hình trồng rau, hoa và cây ăn quả. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, các mô hình đều chưa mang lại hiệu quả. Người dân băn khoăn cho rằng có khuất tất trong quá trình triển khai thực hiện.

Từ nguồn ngân sách Nhà nước, năm 2016, xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên được đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng mô hình trồng rau an toàn. Mô hình gồm 3 hạng mục chính: Hệ thống nhà kính (ni-lông), nhà lưới và nhà sơ chế. Từng được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình giúp người dân tiếp cận quy trình sản xuất rau an toàn, tuy nhiên sau khi hoàn thành thì nhiều người dân không tham gia mô hình, nhiều hạng mục nhanh chóng bị hư hỏng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Hợp tác xã (HTX) Xuân Đám là đơn vị thụ hưởng và trực tiếp quản lý mô hình này kể từ tháng 5-2018. Tuy vậy, sau khi nhận bàn giao kỹ thuật, thay vì để các thành viên HTX thực hiện mô hình, thì ngay từ tháng 6-2018, HTX Xuân Đám lại ký hợp đồng cho ông Đỗ Việt Cường, ở xóm Xuân Đám (không phải là thành viên HTX) thuê lại để trồng dưa lê. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Việt Cường cho biết: Khi áp dụng mô hình trồng rau sang trồng cây ăn quả do không phù hợp nên việc sản xuất đã gặp thất bại. Sau gần một năm, chúng tôi đã phải từ bỏ mô hình. Sau đó, HTX Xuân Đám tiếp tục cho một doanh nghiệp khác thuê lại mô hình để trồng rau kể từ tháng 7 vừa qua với lý do người dân không lo được đầu ra cho sản phẩm nên đã không tham gia mô hình.

Tương tự đối với các mô hình trồng hoa tại xóm Đồng Tâm, trồng táo ở xóm Đá Gân và Thùng Ong, sau khi được đầu tư và đưa vào sử dụng thì cũng chưa đáp ứng nguyện vọng của người dân cũng như mục đích ban đầu của dự án. Cụ thể, mô hình trồng hoa đã hơn 2 năm trôi qua nhưng mới chỉ triển khai được 0,2/2ha với 3-4 hộ gia đình được hưởng lợi. Trong khi theo kế hoạch, mô hình sẽ hỗ trợ các hạng mục trồng hoa như nhà lưới, cột bê tông… cho khoảng 8 hộ trồng hoa của xóm Đồng Tâm.

Còn đối với nhà trạm bơm của mô hình trồng táo được xây dựng nhằm phục vụ sản xuất cho các thành viên HTX trồng táo xuân 21 tại 2 xóm Đá Gân và Thùng Ong được đánh giá là cần thiết, có ý nghĩa thiết thực cũng không phát huy được hiệu quả. ông Trần Ngọc Đồn ở xóm Thùng Ong cho biết: Bất cập ở chỗ là vào thời điểm mùa khô cây táo rất cần nước thì trạm bơm lại không hoạt động được. Nguyên nhân là do Chõ bơm xây cao hơn so với mực nước sông.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều hạng mục của 3 mô hình nói trên bị thay đổi so với thiết kế kỹ thuật ban đầu. Cụ thể như mô hình trồng hoa, trồng táo cùng bị thay đổi loại máy bơm và hệ thống cửa sổ. Riêng đối với mô hình trồng rau, theo thiết kế kỹ thuật ban đầu có đường đi trong khu sản xuất, tuy nhiên thực tế lại không có hạng mục này. Còn đối với mô hình trồng hoa thì các cột bê tông của nhà lưới bị thay đổi từ dạng xoáy sang dạng chôn lấp…

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền vào thời điểm còn đang làm chủ tịch UBND xã Đồng Liên (nghỉ hưu từ ngày 1/10/2019), ông Quyền thừa nhận đã có sự thay đổi các hạng mục nhưng là để cho phù hợp với thực tế. Ví như máy bơm bị thay đổi là do thiết kế kỹ thuật ban đầu chưa chính xác, đồng bộ giữa máy bơm với loại ống dẫn. Đối với mô hình trồng rau, do nhiều người dân không đồng thuận giải phóng mặt bằng nên mới chỉ triển khai được khoảng 1/7ha theo kế hoạch, dẫn đến hạng mục đường giao thông trong khu sản xuất không thể thi công. Còn các cột bê tông dạng xoáy của mô hình trồng hoa do chi phí cao nên chuyển thành dạng chôn lấp… 

Còn đối với hiệu quả mô hình trồng táo và trồng hoa, ông Quyền giải thích, nhà trạm bơm của mô hình trồng táo, nếu nước sông quá cạn thì trưởng xóm sẽ đến thông báo cho Trạm thủy nông Đá Gân nằm trên địa bàn xóm đóng cửa cống để phục vụ trạm bơm hoạt động. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện bởi Trạm thủy nông Đá Gân do Công ty thủy lợi Bắc Giang quản lý. Còn đối với mô hình trồng hoa, khi chúng tôi thắc mắc tại sao nhiều hộ nằm trong danh sách hưởng lợi từ mô hình nhưng lại không được đầu tư các hạng mục thì ông Quyền giải thích là do nhiều hộ ban đầu đăng ký trồng hoa nhưng sau đó không có nhân lực sản xuất nên đã không tham gia nữa. Thêm một điều khiến người dân không khỏi băn khoăn là trong số những hộ được hưởng lợi từ mô hình thì nhiều hộ là người nhà của ông Quyền.

Để nắm rõ hơn, chúng tôi đề nghị ông chủ tịch UBND xã Đồng Liên cung cấp các văn bản liên quan đến việc điều chỉnh thiết kế kỹ thuật của các mô hình thì ông Quyền mới chỉ cung cấp được văn bản xin chủ trương điều chỉnh, bổ sung thiết kế gửi UBND huyện Phú Bình vào tháng 8-2017 mà không cung cấp được quyết định phê duyệt chủ trương đó. Tuy vậy, ông Quyền vẫn khẳng định huyện Phú Bình đã đồng ý cho chủ trương thực hiện. Nhưng qua trao đổi với phòng chuyên môn của huyện Phú Bình, chúng tôi được biết thời điểm đó hồ sơ của UBND xã Đồng Liên gửi chưa đầy đủ nên phòng chuyên môn chưa đủ cơ sở để tham mưu cho lãnh đạo huyện thực hiện công tác chỉ đạo. Sau thời gian này, xã Đồng Liên chuyển địa giới hành chính về T.P Thái Nguyên.

Trước thực tế này, người dân địa phương mong muốn được làm rõ quy trình điều chỉnh hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đối với những mô hình đã được đầu tư mà không mang lại hiệu quả nói trên.

Hoàng Cường
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: