Vụ đông, nông dân không cho đất nghỉ
Nông dân xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) chăm sóc cây màu vụ đông. |
Vụ đông năm nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch gieo trồng 10.600ha cây màu vụ đông (tương đương cùng kỳ năm ngoái). Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân đang tập trung nhân lực, vật lực để làm đất, xuống giống và chăm sóc các loại cây màu, đảm bảo đúng khung thời vụ.
Trên cánh đồng xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), màu vàng của lúa mùa chín dần được thay thế bằng sắc xanh của các loại cây: Dưa chuột, cà chua, rau cải, ngô…
Tạm nghỉ tay giữa lúc làm việc, anh Miêu Văn Long, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa, chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cây vụ đông thường đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Vì vậy, sau khi thu hoạch lúa mùa, các thành viên HTX đã xuống đồng trồng dưa chuột, cà chua, rau ăn lá, ngô… Hiện nay, tổng diện tích cây vụ đông của HTX là 5ha. Nếu như trước đây, chúng tôi mạnh ai nấy làm thì từ ngày thành lập HTX, bà con luôn chú ý nhắc nhở nhau cùng tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm; đồng thời, bám sát nhu cầu thị trường và điều kiện đất đai của địa phương để đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Trong vụ sản xuất trước, HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hòa đã liên kết với Công ty TNHH Gia Bảo (tỉnh Thái Bình) để thu mua sản phẩm dưa chuột của bà con, nên người dân yên tâm sản xuất. Còn trong vụ đông năm nay, HTX sẽ tiếp tục liên kết với Công ty để tiêu thụ sản phẩm ngô ngọt, với diện tích khoảng 3ha. Đối với các lại các loại rau màu khác, bà con chủ yếu bán ra chợ hoặc bán buôn cho tiểu thương.
Không chỉ ở Nam Hòa mà tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, không khi sản xuất vụ đông cũng diễn ra khá khẩn trương. Bà Nguyễn Thị Lan, ở tổ 14, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), cho biết: Với 4 sào ruộng, nhà tôi trồng các loại rau su hào, bắp cải, cải ngồng, cải canh… Vào vụ đông, nhà tôi thường trồng sớm để cây cho thu hoạch vào đầu vụ. Lúc đó, giá bán sẽ cao hơn, mà lại dễ tiêu thụ. Trung bình 1 sào rau vụ đông, chúng tôi thu được 10-15 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, diện tích trồng ngô trong toàn tỉnh là 4.000ha, phấn đấu năng suất đạt 45,75 tạ/ha, sản lượng đạt 18.300 tấn. Cơ cấu giống ngô tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo bà con đưa vào sản xuất gồm: HN88, NK4300, NK6639, LVN99, DK9955, NK4300 Bt/GT, NK7328 Bt/GT… Còn lại diện tích rau 6.600ha, toàn tỉnh phấn đấu sản lượng đạt 116.000 tấn.
Nói về khung thời vụ sản xuất vụ đông, anh Triệu Đức Nghĩa, Trưởng phòng Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, khuyến cáo: Đối với ngô trà sớm, trà trung, bà con gieo trồng trước ngày 30-9, trên các chân đất chuyên màu, đất lúa, đất đồi bãi. Còn trà muộn, bà con gieo trồng trước ngày 5-10, áp dụng biện pháp làm ngô bầu để tranh thủ thời gian xuống giống. Ngoài ra, đối với ngô nếp, ngô đường, thời gian sinh trưởng ngắn, sử dụng bắp tươi là chính nên thời vụ gieo trồng có thể muộn hơn đến ngày 20-10, giúp bà con tận dụng tối đa diện tích và thời vụ.
Đối với cây rau, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: Sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới; gieo gối vụ đối với bầu, bí, trồng cà chua ghép; tăng cường sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ và xây dựng mô hình trình diễn giống rau có năng suất, chất lượng cao.
Riêng với cây khoai tây, thời vụ trồng tốt nhất là từ ngày 25-10 đến ngày 15-11.
Trong vụ đông, tỉnh Thái Nguyên có cơ chế hỗ trợ giá giống khoai tây với mức 400 nghìn đồng/sào (diện tích 330ha); giá giống bí xanh, bí đỏ là 150 nghìn đồng/sào và giá giống cà chua, dưa chuột 130 nghìn đồng/sào.
Nét mới trong sản xuất vụ đông năm 2022 là do giá phân bón vẫn ở mức cao nên bà con nông dân đa phần đã chuyển từ phân bón hóa học sang dùng phân hữu cơ. Việc làm này không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường và cung cấp cho người tiêu dùng những mặt hàng nông sản an toàn.
Ngoài ra, bà con cũng đã tiến hành trồng rải vụ, đa dạng hóa các nhóm cây trồng khác nhau để tránh dư thừa nông sản lúc chính vụ làm rớt giá, giảm hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, nhiều hợp tác xã, hộ sản xuất cũng đã năng động đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể để tìm đầu ra cho sản phẩm...
"Không cho đất nghỉ, không ngừng đôi tay", nông dân Thái Nguyên đang tích cực chăm sóc các lứa rau vụ đông, làm thủy lợi nhằm góp phần làm nên một vụ đông thắng lợi.