Xanh ngát những đồi chè xuân

Cập nhật: Thứ tư 03/03/2021 - 08:14
 Người dân xóm Tiền Phong, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) thu hái chè xuân. Về giá bán sản phẩm chè khô vụ xuân cao hơn khoảng 20% so với các lứa chè khác trong năm.
Người dân xóm Tiền Phong, xã Khe Mo (Đồng Hỷ) thu hái chè xuân. Về giá bán sản phẩm chè khô vụ xuân cao hơn khoảng 20% so với các lứa chè khác trong năm.

Khi những cơn mưa xuân lất phất bay cũng là lúc chè đâm chồi, nảy lộc và cho thu hái vụ đầu tiên trong năm. Mặc dù sản lượng chỉ bằng 50% so với chè chính vụ nhưng chè xuân có ưu điểm là nước màu xanh cốm, ngọt hậu, ít vị chát, giá bán cũng cao hơn khoảng 20% so với các lứa chè khác trong năm.

Đến xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) vào một ngày đầu Xuân, chúng tôi thấy nhiều nương chè đã vươn lên xanh ngát, búp non mơn mởn, căng tràn nhựa sống. Được đắm mình trong những nương chè, bao sự mệt mỏi, âu lo trong lòng dường như tan biến. Dừng chân tại Hợp tác xã Chè Thủy Thuật (HTX), ở xóm Lai Thành, ngay từ cổng vào chúng tôi đã ngửi thấy hương chè thơm vấn vít. Rót mời chúng tôi thưởng thức chén trà xanh sóng sánh, anh Ngô Viết Thuật, Giám đốc HTX cùng vợ là chị Phạm Thị Thủy phấn khởi: Chúng tôi đang tranh thủ đóng hàng chè xuân để kịp gửi cho khách. Chè được chúng tôi chia ra nhiều loại, gồm có chè đinh, chè tôm nõn, chè móc câu… Nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, HTX cũng đóng từng gói nhỏ và loại 0,2kg, 0,5 kg, 1kg/túi. Hiện nay, HTX đang bao tiêu sản phẩm với diện tích 21ha, chè được bán với giá từ 250 nghìn đến 3 triệu đồng/kg. Các sản phẩm của HTX đều được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Rời xã Phúc Trìu với những đồi chè bát úp mơn mởn, chúng tôi đến Khe Mo, một trong những xã có diện tích chè khá lớn của huyện Đồng Hỷ. Trên lưng chừng đồi thuộc xóm Tiền Phong, gia đình chị Nguyễn Thị Hương và anh Trần Văn Phương cũng đang tranh thủ thu hái lứa chè xuân trên những luống chè uốn lượn đẹp mắt. Trò chuyện với chúng tôi, chị Phương hào hứng chia sẻ: Từ tháng 12 Âm lịch, gia đình tôi bắt đầu đốn chè, tạo tán, sau đó dọn dẹp cỏ dại, bón phân, phun vôi lên cây để hạn chế mầm bệnh. Sau Tết, trời nắng ấm cộng với có mưa nhỏ nên chè lên xanh tốt. Đến nay, sau 45 ngày, chè bắt đầu cho thu hoạch. Lứa chè đầu tiên, cây chắt chiu dưỡng chất nên bao giờ cũng thơm ngon hơn những lứa chè còn lại của năm. Mặc dù chỉ đạt 50% sản lượng so với chè chính vụ nhưng chè xuân được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi độ ngọt béo, vị ngậy, thơm cốm. Chè xuân chúng tôi bán với giá 120.000 đồng/kg, cao hơn 20.000 đồng/kg so với chè thường. Trung bình mỗi tháng, nhà tôi thu hoạch được 1,2 tạ chè búp khô, thu nhập cũng đạt trên 12 triệu đồng. Từ cây chè, nhà tôi cũng như một số hộ dân trong xóm có nguồn thu nhập ổn định, không phải đi làm ăn xa. 

Gia đình anh Ngô Viết Thuật, Giám đốc HTX chè Thủy Thuật, ở xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, để có sản phẩm chè thơm ngon, từ lúc thu hoạch cho đến khi ra thành phẩm, người dân các vùng chè trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, cụ thể như: thu hái khi chè đến lứa, tránh để ban. Sau khi hái xong, các búp chè được đưa vào sao trực tiếp chứ không để qua đêm khiến chè bị héo. Đặc biệt, bà con cũng đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm để giảm công lao động, sử dụng máy hút chân không để bảo quản chè; sản xuất chè theo hướng hữu cơ… Chè sao xong được lấy hương cẩn thận rồi bảo quản trong túi hút chân không để tránh ẩm mốc.

Nhờ sự nỗ lực số gắng của bà con cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và ngành chức năng, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 60 sản phẩm chè đạt chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao. Nhờ vậy, chất lượng và khâu đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến chè được nâng cao rõ rệt. Chè đã trở thành cây trồng mũi nhọn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh với giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đạt từ 300-500 triệu đồng, tại các vùng chè đặc sản còn đạt từ 500-800 triệu đồng/ha.

Toàn tỉnh hiện có hơn 22.300ha chè, sản lượng trung bình đạt trên 244 nghìn tấn/năm. Để có sản phẩm chè chất lượng, cho năng suất cao, trong những năm qua, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ bà con trồng mới, trồng lại giống chè trung du bằng chè giâm cành, trung bình mỗi năm từ 800-1.000ha. Nhờ vậy, hiện nay, diện tích chè giống mới của tỉnh đã chiếm trên 80%. Để góp phần thúc đẩy sản xuất chè, năm 2021, tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ 100% chi phí lần đầu cấp giấy chứng nhận VietGAP (mức hỗ trợ tối đa không quá 6 triệu đồng/ha), diện tích hỗ trợ là 450ha. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ bà con thực hiện việc chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam năm thứ 2 đối với 60ha chè ở các huyện: Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và T.P Thái Nguyên; hỗ trợ 40% kinh phí vật tư và 100% kinh phí cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ. Ngoài ra, bà con cũng được hỗ trợ 50% giá mua máy, thiết bị bảo quản chè búp khô và 40% chi phí đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm cho chè với diện tích tối thiểu 2ha trở lên… 

Lương Hạnh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: