Làm gì để nâng cao giá trị xuất khẩu chè:
Kỳ 1: Nhiều lợi thế riêng có
Sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ, các xã viên HTX chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên) rất muốn xuất bán sản phẩm vào các thị trường khó tính, nhưng gặp không ít khó khăn. |
Nếu như 2012 và 2013 được xem là những năm tỉnh ta có sản lượng chè xuất khẩu đạt ở mức đỉnh điểm với tổng lượng trên 14 nghìn tấn và đạt giá trị trên 8 triệu USD, thì từ năm 2014 đến nay, chỉ tiêu kinh tế này liên tục giảm mạnh. 7 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh mới xuất khẩu được gần một nghìn tấn, với giá trị 1,46 triệu USD, bằng 18,7% về kế hoạch năm. Tại sao lại có sự sụt giảm đó và nên nhìn nhận về sự sụt giảm này như thế nào khi đây vốn là mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh?
Chẳng biết từ bao giờ, câu nói “Chè Thái, gái Tuyên” đã được rất nhiều người nhắc đến. Đó như là một lời khẳng định về chất lượng của một sản phẩm mà khó có nơi nào sánh bằng. Qua thời gian, trà Thái Nguyên ngày càng được nhiều người biết đến, không chỉ trong nước, mà cả ở các thị trường khó tính như Mỹ, Canada… khi mà một số doanh nghiệp chè của tỉnh đã giành được các giải thưởng cao tại những cuộc thi mang tầm quốc tế. Thành công này phần nào cho thấy sự nỗ lực của tỉnh và nhiều doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu trà Thái. Tuy nhiên, trên thực tế, theo các chuyên gia kinh tế và chính những người làm chè, trà Thái Nguyên vẫn chưa tìm được vị thế tương xứng để nâng cao hơn nữa trong chuỗi giá trị các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh…
Khi nội tiêu ngày càng lên ngôi
Có người cho rằng, trà Thái Nguyên đã nổi tiếng gần thế kỷ nay. Và giờ, loại thức uống này ngày càng được nhiều người biết đến không chỉ ở trong nước mà còn vang sang cả nhiều nước trên thế giới. Nói như vậy liệu có gì mâu thuẫn với thực trạng chè Thái Nguyên đang ngày càng bị sụt giảm về sản lượng và giá trị xuất khẩu hay không? Ở một chừng mực nào đó thì là không, nhưng nếu nhìn rộng và về lâu dài thì câu trả lời lại là có!
Thực tế cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, giá chè búp khô của tỉnh tăng khá mạnh, từ vài chục nghìn đồng/kg đã tăng lên một vài trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu đồng/kg, khiến người làm chè không còn mặn mà với việc bán nguyên liệu cho các nhà máy, doanh nghiệp chế biến chè xuất khẩu bởi giá quá thấp. Cũng vì thế, nhiều nhà máy sản xuất và chế biến chè xuất khẩu vốn nổi tiếng một thời của tỉnh như Nhà máy Chè Quân Chu, Nhà máy Chè Sông Cầu, Nhà máy Chè Đại Từ… giờ đã phải ngừng hoạt động hoặc có chăng cũng chỉ trong tình trạng “thoi thóp” nhờ nhập được một chút nguyên liệu từ các tỉnh khác.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, lâu nay, thị trường xuất khẩu chè của tỉnh tập trung chủ yếu là các nước Trung Đông, với giá bán rất thấp, chỉ dao động khoảng 2USD/kg (tương đương khoảng 44-45 nghìn đồng/kg). Đây là mức giá mà ngay ở những vùng chè được cho là có giá trị kinh tế thấp nhất tỉnh như Định Hóa, Võ Nhai, Phú Bình, doanh nghiệp cũng khó có thể mua được nguyên liệu chè tươi vì mức giá này chỉ bằng 2/3-1/2 so với mặt bằng giá chung mà người dân những địa phương này có thể bán sau khi đã chế biến thành chè khô để tiêu thụ nội địa.
Giá trị xuất khẩu chè tỉnh Thái Nguyên qua các năm 2005-2017.
Khẳng định cây trồng mũi nhọn
Thái Nguyên hiện có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước, với 21.600ha chè, trong đó chè kinh doanh chiếm trên 90%. Năm 2017, sản lượng chè búp tươi của tỉnh đạt gần 224 nghìn tấn, tương đương 45 nghìn tấn chè khô, chiếm 22% lượng chè cả nước (tăng 10,6% so với năm 2015), giá trị sản xuất đạt khoảng 1.550 tỷ đồng, chiếm 20% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Cây chè có mặt ở tất cả các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, trong đó nhiều nhất là huyện Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hóa, T.P Thái Nguyên…, thu hút gần 100 nghìn hộ tham gia làm chè, chiếm 66% số hộ khu vực nông thôn có ngành hàng sản xuất chính là nông, lâm thủy sản.
Nhận thức được tầm quan trọng của cây chè đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều đề án nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho cây chè và thương hiệu sản phẩm trà, nhờ đó hàng năm, có hàng nghìn ha chè được trồng mới, trồng lại bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao, như LDP1, Phúc Vân Tuyên, Kim Tuyên thay thế diện tích chè giống cũ già cỗi, kém chất lượng. Tính đến nay, chè giống mới đã chiếm tới trên 70% tổng diện tích chè toàn tỉnh (tăng gấp 2 lần so với năm 2011). Cùng với đó, từ năm 2010, tỉnh ta đã thực hiện việc hỗ trợ người dân sản xuất chè theo tiêu chuẩn an toàn VietGap nên hiện đã có 97 mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn này được chứng nhận, với tổng diện tích gần 1,1 nghìn ha, thu hút trên 3,1 nghìn hộ tham gia. Việc sản xuất theo quy trình VietGap không chỉ giúp mang lại sản phẩm an toàn cho người trồng, chế biến và sử dụng, mà nó còn mang lại giá trị kinh tế cao hơn trung bình khoảng 15-20% so với sản xuất chè thông thường.
Nhận diện những hạn chế
Bên cạnh những thế mạnh mà ít vùng chè khác trên cả nước có được, thì dưới con mắt của nhiều “đại gia ngành chè” và những nhà quản lý, chè Thái Nguyên hiện vẫn tồn tại không ít hạn chế, khiến hiệu quả mang lại chưa như kỳ vọng. Đầu tiên là phải kể đến sự thiếu đồng đều trong chất lượng sản phẩm. Do thổ nhưỡng, kỹ thuật chăm sóc, cách chế biến… đã khiến sản phẩm trà của mỗi địa phương, thậm chí là cùng trong một xã, xóm nhưng mỗi gia đình lại tạo ra sản phẩm trà có sự khác biệt khá đáng kể cả về cả hương vị và màu nước khi pha. Bên cạnh sự thú vị trong việc tạo ra đa dạng các sản phẩm trà, đáp ứng được nhiều “gu” thưởng thức khác nhau thì cũng khiến khó tạo ra được sản phẩm có chất lượng đồng đều. Chính vì thế, không ít người phàn nàn rằng không phải lúc nào cũng mua được loại trà ngon mặc dù giá cả vẫn như thế, thậm chí là vẫn mua tại 1 đại lý. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của trà Thái, nhất là đối với khách du lịch, người ngoài tỉnh.
Tiếp đến là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù tỉnh ta đã quan tâm hỗ trợ giúp các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nhưng trên thực tế, tính đến nay, tỷ lệ diện tích chè được trồng theo tiêu chuẩn này mới chiếm khoảng 5% - một tỷ lệ quá khiêm tốn so với đòi hỏi thực tế. Điều đáng nói nữa là, sau khi hết sự hỗ trợ của Nhà nước, thì các hộ dân với đủ mọi lý do để không muốn đóng góp tiền thuê kiểm định, gia hạn giấy chứng nhận VietGap. Họ cho rằng, việc phải tự bỏ ra 6-7 triệu đồng/ha/2 năm là không cần thiết vì trên thực tế, nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nhưng hiệu quả mang lại không cao, do giá bán sản phẩm cũng chỉ như các sản phẩm được chăm sóc bình thường khác, thậm chí còn thấp hơn vì mẫu mã không bắt mắt bằng, trong khi việc chăm sóc theo quy trình VietGap không hề đơn giản. Sở dĩ có điều này là bởi phần lớn người kinh doanh và sử dụng sản phẩm trà chưa thực sự chú trọng đến nguồn gốc sản phẩm, mà mới chỉ quan tâm đến chất lượng bằng cảm nhận cảm quan, mẫu mã và giá cả. Chỉ một số ít thực sự quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm thì mới chấp nhận mua với giá cao hơn để có được sự an toàn, yên tâm khi sử dụng trà.
Ngoài ra, một số hạn chế khác cần phải đề cập đó là: Diện tích trồng chè không tập trung, phân tán theo địa hình; sản xuất, chế biến chủ yếu theo mô hình hộ gia đình, chứ chưa hình thành được những vùng chè tập trung để sản xuất hàng hóa với quy mô lớn; hoạt động tổ chức sản xuất của phần lớn các tổ hợp tác, HTX chưa hiệu quả; cơ sở hạ tầng vùng sản xuất nguyên liệu đầu tư còn hạn chế; chưa xây dựng được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp sản xuất chế biến, tiêu thụ chè của tỉnh chưa có vùng nguyên liệu riêng, do vậy luôn bị động trong sản xuất và quản lý chất lượng. Số doanh nghiệp liên kết với người trồng chè chưa nhiều; việc đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, hồ sơ công bố chưa phù hợp hoặc chưa đúng với quy định ghi tem nhãn… Những điều này đã, đang và sẽ khiến chè Thái Nguyên khó vào được các thị trường khó tính theo đường chính ngạch, thông qua các hợp đồng có tính ràng buộc pháp lý.