“Chìa khóa” nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng ở Phú Bình
Được huyện hỗ trợ 350 triệu đồng xây dựng hơn 700m2 nhà màng, Hợp tác xã Nông nghiệp Vạn Xuân (ở xóm Mỏn Thượng, xã Tân Kim) đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. |
Nhằm góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, thời gian qua, huyện Phú Bình luôn quan tâm, hỗ trợ người dân đưa các giống mới; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… vào sản xuất. Qua đó từng bước nâng cao thu nhập, đời sống của người dân trên địa bàn.
Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Phú Bình cho biết: Trong khi diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp để phục vụ các dự án thì việc đưa các giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được xem là “chìa khóa” để thúc đẩy ngành trồng trọt phát triển. Do đó, chúng tôi đã phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai đưa các giống lúa, cây màu mới vào sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng nhà màng, nhà lưới… cho bà con.
Vụ này, gia đình chị Âu Thị Phương Hà, ở xóm Phú Lương, xã Lương Phú, gieo cấy 3 sào lúa BG6. Chị Hà cho biết: Đây là vụ đầu tiên gia đình tôi gieo cấy giống lúa này. Sau khi được cán bộ khuyến nông đưa vào mô hình, tôi thấy đây là giống lúa có khả năng kháng sâu bệnh tốt, cứng cây… Bên cạnh được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, tôi còn được huyện hỗ trợ 100% giá giống lúa; 120 nghìn đồng/sào phân bón. Mặc dù còn vài ngày nữa mới đến thời gian thu hoạch nhưng theo dự ước của tôi, năng suất lúa đạt khoảng 2,2 tạ/sào.
Còn tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vạn Xuân, ở xóm Mỏn Thượng, xã Tân Kim, từ khi được huyện hỗ trợ 350 triệu đồng để xây dựng nhà màng với diện tích 720m2, HTX đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây trồng mới vào sản xuất.
Ông Đặng Văn Chi, Giám đốc HTX chia sẻ: Sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động, các thành viên HTX không những được cơ quan chuyên môn của huyện “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc một số loại cây trồng mà chúng tôi còn được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng hệ thống nhà màng để trồng rau an toàn giúp hạn chế được sâu bệnh gây hại, giảm những tác động của thời tiết bất lợi, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Một người dân xóm Ngọc Lý (xã Tân Đức) bên ruộng lúa giống mới.
Tính từ năm 2021 đến nay, bên cạnh nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện Phú Bình cũng đã dành trên 3,2 tỷ đồng để hỗ trợ bà con sản xuất nông nghiệp, trong đó: Hỗ trợ giá giống lúa lai, lúa thuần chất lượng trên 1,6 tỷ đồng tại các xã, thị trấn với quy mô từ 2ha trở lên (tổng diện tích trên 1.100ha); hỗ trợ mô hình chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo tại xã Dương Thành 246 triệu đồng; hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa nếp Thầu Dầu tại xã Xuân Phương 200 triệu đồng; hỗ trợ hơn 500 triệu đồng giúp các HTX xây dựng nhà màng, nhà lưới trồng rau an toàn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Cùng với hỗ trợ bà con về giá giống, phân bón trong sản xuất lúa và một số loại cây màu, các cơ quan chuyên môn của huyện cũng phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn về kỹ thuật gieo, chăm sóc cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cho hàng trăm lượt người, từng bước giúp người dân thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao chất lượng cây trồng, cải thiện thu nhập.
Huyện Phú Bình hiện có gần 12.000ha đất lúa gieo cấy 2 vụ/năm; 2.376ha ngô; gần 2.000ha rau các loại và trên 17ha cây ăn quả… Việc áp dụng những giải pháp đồng bộ đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của huyện năm qua lên gần 2.500 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 112,2 triệu đồng (tăng 10,4% so với năm 2020)…