Chuyến thăm tái khẳng định quan hệ đồng minh, hoạch định tầm nhìn tương lai
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc hội đàm ở Nhà Trắng ngày 15-7. Ảnh: CNBC News |
Một chuyến thăm vào giai đoạn hoàng hôn nhiệm kỳ thường mang ý nghĩa lễ nghi và lời chào từ biệt. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Chuyến thăm Washington cuối tuần qua của Thủ tướng Đức Angela Merkel có lẽ là một ví dụ như thế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhà lãnh đạo nước ngoài gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều nhất kể từ khi ông nhậm chức, tới ba lần. Các chuyến thăm và hội đàm của lãnh đạo hai nước đều được dư luận và chính giới đặc biệt quan tâm bởi tầm vóc của quan hệ Mỹ-Đức.
Chuyến thăm Nhà Trắng ngày 16-7 cũng vậy, dù nó diễn ra vào một thời điểm đặc biệt khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa bà Merkel sẽ rời cương vị Thủ tướng Đức, rút khỏi chính trường sau 16 năm lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU). Và nếu nhìn vào kết quả hội đàm, rõ ràng cả Berlin và Washington đã kỳ vọng rất nhiều vào chuyến thăm này.
Nhìn lại mấy năm qua dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ-Đức chứng kiến giai đoạn khá nhiều bất hòa, thậm chí căng thẳng, liên quan tới cả vấn đề chiến lược như mở rộng đường biên giới NATO về phía đông, lẫn các vấn đề chính sách như tỷ lệ đóng góp ngân quĩ của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Dù vậy, quan hệ song phương đang lấy lại đà và nồng ấm hơn kể từ khi ông Biden lên làm tổng thống. Nếu nhìn từ góc độ này, có thể hiểu rằng chuyến đi Washington vừa qua của Thủ tướng Merkel là nhằm tái khởi động quan hệ và định hình tầm nhìn chiến lược chung trong tương lai.
Có những khác biệt chưa thể hóa giải, song về cơ bản Tổng thống Biden và Thủ tướng Merkel đã khẳng định giá trị và ý nghĩa tương hỗ quan trọng của quan hệ đồng minh Mỹ-Đức trong chuyến thăm này.
Tại cuộc hội đàm ở Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã hối thúc Đức “chia sẻ tầm nhìn” trong cách ứng xử với Trung Quốc, hàm ý mong muốn Berlin ủng hộ Washington và hạn chế thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ coi Trung Quốc đang là một trong những đối trọng cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel khẳng định sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, kinh tế thương mại và xử lý đại dịch COVID-19. Tuy vậy, hai nhà lãnh đạo cũng đạt được một số đồng thuận như việc kêu gọi nền kinh tế số 2 thế giới cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính…
Vấn đề gây bất hòa lâu nay giữa hai nước liên quan tới Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức tiếp tục bộc lộ khác biệt giữa hai đồng minh. Tổng thống Biden một lần nữa bày tỏ sự không hài lòng về dự án này, với quan ngại Đức và các nước Trung Âu sẽ bị phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, an ninh của Ukraine với tư cách nước trung chuyển khí đốt hiện nay bị suy giảm, và nguy cơ mà Washington lo lắng là Nga sẽ dùng công cụ khí đốt để gia tăng quyền lực mềm ở không gian châu Âu - Đại Tây Dương. Song về phần mình, Thủ tướng Merkel bảo vệ chủ trương Berlin hoàn toàn tự chủ và độc lập trong chiến lược nguồn cung năng lượng. Bà chia sẻ quan điểm với nhà lãnh đạo Mỹ rằng sẽ không chấp nhận việc năng lượng được sử dụng như một thứ vũ khí chính trị, đồng thời khẳng định EU “có đủ biện pháp” để xử lý vấn đề này với Nga.
Ngày 15/7/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tại Nhà Trắng. Tại cuộc gặp, Tổng thống Joe Biden khẳng định "sự hợp tác giữa Mỹ và Đức là mạnh mẽ và chúng tôi hy vọng điều này sẽ được tiếp tục". Về phần mình, Thủ tướng Merkel khẳng định "coi trọng tình hữu nghị" với Washington. Đây là chuyến thăm cuối cùng của bà Merkel tới thủ đô Washington trước khi mãn nhiệm vào cuối năm nay. Ảnh: AFP/ TTXVN
Dù vậy, cuộc gặp cấp cao cũng cho thấy tầm nhìn chung của lãnh đạo hai nước. Trong Tuyên bố Washington được ký sau hội đàm, Tổng thống Biden và Thủ tướng Merkel đã nhấn mạnh nền tảng cho mối quan hệ giữa hai nước là cùng tuân thủ các nguyên tắc, giá trị và thể chế dân chủ. Hai nước cam kết đấu tranh vì một "châu Âu toàn vẹn, tự do và hòa bình", ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phát triển các quan hệ đồng minh và đối tác hiện có. Tuyên bố chung cũng đề cập đến sự ủng hộ đối với "các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn" liên quan đến các công nghệ mới. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh nhu cầu phải phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế, đồng thời cho rằng các vấn đề an ninh có ý nghĩa hoàn toàn khác trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Cách đây hơn 16 năm, khó ai có thể tin rằng nữ chính khách giản dị Angela Merkel lại có thể chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu lâu tới vậy. Trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, Thủ tướng Merkel đã xử lý quan hệ qua 4 đời tổng thống Mỹ. Tuy thăng trầm mỗi giai đoạn có khác nhau, song không thể phủ nhận một thực tế là quan hệ giữa hai thành viên lớn nhất trong NATO Mỹ-Đức chính là trụ cột an ninh ở không gian địa chính trị châu Âu-Đại Tây Dương nhiều năm qua. Có lúc quan hệ song phương đi xuống như cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Goerge Bush hay thời ông Donald Trump, song về toàn cục, Thủ tướng Merkel luôn biết cách “giữ lửa” cho mối quan hệ đồng minh chiến lược quan trọng bậc nhất này.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, nhà lãnh đạo kỳ cựu của nước Đức sẽ rút khỏi chính trường, những câu hỏi về khoảng trống và tương lai quan hệ Mỹ-Đức đang được đặt ra. Tuy nhiên, với 16 năm giữ cương vị Thủ tướng Đức, ảnh hưởng chính trị của bà Merkel là rất lớn và các di sản của bà để lại cho nước Đức sẽ còn lâu dài, sâu sắc. Đặc biệt, chính sách đối ngoại nói chung và quan hệ Mỹ-Đức nói riêng sẽ không có nhiều biến động trong thời gian tới.
Đây có thể là chuyến thăm cuối cùng của bà Angela Merkel tới Washington trong vai trò Thủ tướng Đức, song nhìn từ góc độ kết quả hội đàm và bối cảnh quan hệ song phương, thì rõ ràng đó không phải là chuyến đi chào từ biệt. Đó là chuyến công du tái nhằm hàn gắn các bất đồng, tái khẳng định quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ-Đức, đồng thời vạch ra tầm nhìn chung cho tương lai.