Giải pháp nào chống lại tình trạng sản xuất, buôn bán ma túy tại ASEAN
Đại tá Buaphan Phongmany, Phó Tổng trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Lào tại cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn. Ảnh: Phạm Kiên - P/v TTXVN tại Lào |
Trong những năm qua, ASEAN đặc biệt là các nước Tiểu vùng sông Mekong đang phải đối mặt với tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý gia tăng đáng báo động.
Đáng chú ý, khu vực Tam giác Vàng – nổi tiếng giữa biên giới 3 nước Myanmar, Lào và Thái Lan là nơi sản xuất ma túy tổng hợp lớn trên thế giới. Nguyên nhân vì đâu và giải pháp nào để có thể hạn chế tình trạng này?
Chiều 27-10, khi chặn xét một chiếc xe tải lớn chở các thùng chứa vỏ chai bia tại tỉnh Bokeo, Bắc Lào, nhóm cảnh sát Lào không hề nghĩ rằng họ sẽ thu được số lượng ma túy lớn đến như vậy. Trên 55 triệu viên ma túy tổng hợp và trên 1,5 tấn ma túy đá đã được phát hiện trong vụ thu giữ ma túy không chỉ cho là lớn nhất tại Lào, mà còn được Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đánh giá là vụ lớn nhất tại châu Á từ trước tới nay. Trước đó chưa đầy một tuần, cảnh sát Lào cũng đã thu giữ 16 triệu viên ma túy tổng hợp tại khu vực này.
Là nước nằm ở lưu vực sông Mekong, Lào có đường biên giới giáp ranh với 5 quốc gia là Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Việt Nam và Campuchia. Đường biên giới trải dài và nằm trên những khu vực hiểm trở khiến công tác tuần tra, kiểm soát an ninh của lực lượng chức năng Lào ở các cửa khẩu cũng như khu vực đường mòn lối mở gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều nhóm đối tượng buôn bán, vận chuyển chất ma túy đã lợi dụng khu vực biên giới để hoạt động và tổ chức các đường dây ma túy xuyên quốc gia.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Lào về tình hình ma túy tại Lào, Đại tá Buaphan Phongmany, Phó Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Lào cho biết trong những năm qua, vấn nạn ma túy đã lan rộng từ khu vực thành thị đến nông thôn với nhiều mức độ khác nhau; tác động đến mọi lứa tuổi, giới tính, thành phần xã hội từ học sinh, sinh viên, người buôn bán, nông dân, người thất nghiệp cho đến một bộ phận cán bộ, công chức. Theo số liệu thống kê ban đầu, hiện nay tỷ lệ người nghiện ma túy tại Lào chiếm khoảng 0,94% dân số, điều này không chỉ gây nhiều hệ lụy về vấn đề trật tự, an toàn xã hội, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của các thế hệ kế cận.
Trước tình trạng buôn bán, sản xuất và sử dụng ma túy ngày càng nhức nhối, Đảng, Nhà nước Lào đã xác định phòng chống ma túy là công tác ưu tiên, cần giải quyết cấp bách và đã đưa nội dung này vào Chương trình nghị sự quốc gia để tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2023.
Theo Đại tá Buaphan, để triển khai Chương trình nghị sự nói trên, Bộ Công an Lào thành lập Ban Chuyên trách chỉ đạo tổ chức thực hiện; đề xuất Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 19 về việc tổ chức thực hiện Chương trình nghị sự quốc gia về giải quyết vấn nạn ma túy; tổ chức quán triệt, phổ biến các văn kiện liên quan Chương trình nghị sự ở các địa phương trên cả nước...
Kết quả, chỉ sau 03 triển khai (từ tháng 8 – 11/2021), lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy Lào đã phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá được 1.106 vụ buôn bán ma túy, bắt 1.562 đối tượng, thu giữ trên 101 triệu viên ma túy tổng hợp có trọng lượng trên 10 tấn, cùng một lượng lớn ma túy khác như ma túy đá, heroin và thuốc phiện... Ngày 5-12 vừa qua, cảnh sát tỉnh Bokeo (Bò Kẹo), Bắc Lào cũng vừa bắt và thu giữ hơn 7,2 tấn hóa chất được sử dụng để sản xuất ma túy.
Lý giải về nguyên nhân số lượng ma túy được phát hiện, thu giữ tại Lào tăng đột biến trong thời gian qua, nhất là sau 3 tháng triển khai Chương trình nghị sự Quốc gia về phòng chống ma túy, Đại tá Buaphan Phongmany cho biết do các quốc gia láng giềng đã tăng cường công tác phòng chống ma túy, đặc biệt là công tác kiểm tra, khám xét nên các đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy đã sử dụng hình thức vận chuyển qua khu vực rừng núi để tránh né các cơ quan chức năng và đưa vào Lào.
Để đối phó, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của ma túy, giúp cho người dân nhận thức, hiểu rõ và tích cực phối hợp với chính quyền trong công tác phòng chống ma túy, lực lượng công an Lào đã triển khai lực lượng lập các chốt, tổ chức tuần tra, kiểm soát ở nhiều địa điểm, nhờ vậy đã chặn, bắt và thu giữ được số lượng lớn ma túy lớn như vậy trong thời gian vừa qua.
Không chỉ nóng ở Lào, theo báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), tình hình ma túy tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong tiếp tục diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Năm 2020, khối lượng heroin khu vực Đông và Đông Nam Á thu giữ lên tới 11 tấn, trong đó số lượng heroin 6 nước Tiểu vùng thu giữ được chiếm 85%. Khối lượng ma túy tổng hợp bị thu giữ là 170 tấn, trong đó riêng Myanmar, Lào, Thái Lan, Camphuchia, Việt Nam khối lượng thu giữ chiếm tới 71%.
Bên cạnh đó, các nước Tiểu vùng cũng đang phải đối mặt với tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều chất hướng thần mới (NPS) và chất hóa học không nằm trong danh mục kiểm soát dễ bị lợi dụng để sản xuất trái phép ma túy. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguồn cung ma túy tổng hợp tại khu vực ngày càng gia tăng, mà vụ Lào thu giữ trên 55 triệu viên ma túy tổng hợp vào ngày 27-10 nói trên chỉ là một điển hình.
Trao đổi với các phóng viên Việt Nam tại Lào về các biện pháp ngăn ngừa tội phạm ma túy, ông Inshik Sim - Văn phòng UNODC khu vực Đông Nam Á cho biết mặc dù các nước trong khu vực đều rất tích cực trong công tác phòng chống tội phạm buôn bán ma túy, tuy nhiên, vẫn cần có những lĩnh vực mà các nước cần phải phối hợp cải thiện, đặc biệt là việc kiểm soát hóa chất.
Ông Inshik Sim cho biết, để sản xuất các loại ma tuý tổng hợp như methamphetamine và các loại ma tuý hướng thần khác, bọn tội phạm cần phải có hoá chất và các tổ chức tội phạm đều muốn tìm kiếm nguồn hoá chất để sản xuất ma tuý. Do đó, điều quan trọng là các nước phải phối hợp, tăng cường kiểm soát việc vận chuyển các loại hoá chất ở cả khu vực và quốc tế.
Theo ông Inshik Sim, trong những năm qua, các tổ chức tội phạm đang áp dụng khá thành công một chiến lược đối với thị trường ma túy ở khu vực đó là tăng nguồn cung cho thị trường và giảm giá bán các loại ma tuý để có thêm nhiều người mua. Chính vì vậy, nếu trước đây phần lớn các loại ma tuý tổng hợp, ma tuý đá sản xuất ở khu vực sông Mekong được tội phạm đưa sang Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản, thì nay khu vực này không đơn thuần chỉ là điểm trung chuyển ma túy như trước mà đã trở thành điểm đến, điểm tiêu thụ quan trọng của các loại ma tuý đá. Lý do là vì nhu cầu về ma tuý tổng hợp, ma tuý đá ở các nước sông Mekong cũng đang tăng.
Để phòng chống ma túy và tội phạm khu vực Đông Nam Á có hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh đang xuất hiện một số loại ma tuý mới rất nguy hiểm, ông Inshik Sim cho rằng các nước ASEAN, cũng như các nước trong khu vực phải cùng chia sẻ thông tin một cách trực tiếp.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay, hoạt động của các đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia đang ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, việc đẩy mạnh hợp tác với các nước có liên quan trong khu vực và trên thế giới trong phòng, chống ma tuý là đòi hỏi tất yếu, khách quan và cần được nâng lên tầm cao mới, nhằm đạt được hiệu quả, thiết thực hơn.