Mỹ: Con đường trở lại châu Phi
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố khôi phục sáng kiến "Châu Phi thịnh vượng". Ảnh: AFP/TTXVN |
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố khôi phục sáng kiến "Châu Phi thịnh vượng", coi đây như là "trung tâm cam kết kinh tế và thương mại của Mỹ với châu Phi”.
Động thái này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nước Mỹ đang tìm cách khôi phục tầm ảnh hưởng tại “lục địa Đen” vốn bị giảm sút nhiều năm qua.
Tại hội nghị cấp cao doanh nghiệp Mỹ-châu Phi lần thứ 13 diễn ra từ ngày 27-29/7, Giám đốc cấp cao phụ trách về châu Phi tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Dana Banks cho biết Washington đã lên kế hoạch khôi phục sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng” được cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra năm 2018. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ thúc đẩy những nỗ lực mới nhằm mở rộng quan hệ kinh doanh giữa các công ty Mỹ và các đối tác ở châu Phi, tập trung vào năng lượng sạch, y tế, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng giao thông.
Hội nghị trên được xem là bước nối tiếp trong quá trình điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với châu Phi nhằm tái định hình quan hệ giữa Washington với các nước “lục địa Đen”, trong bối cảnh ngày càng có nhiều cường quốc “để mắt” tới khu vực giàu tiềm năng chưa được khai thác này. Thời gian qua, châu Phi luôn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại và là một ưu tiên chiến lược của các cường quốc, nhiều nước cũng đang gia tăng hoạt động nhằm giành ảnh hưởng tại “lục địa Đen”.
Đơn cử như Trung Quốc đã và đang nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động sang phía Tây với chiến lược kết nối sức mạnh của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương với các lợi ích ở châu Phi. Nhiều năm qua, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện và mở rộng ảnh hưởng cả về văn hóa, quân sự tại châu Phi, trở thành đối tác kinh tế số một của “lục địa đen” với các dự án đầu tư khổng lồ. Trước đại dịch, thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và châu Phi năm 2019 là 208,7 tỷ USD trong khi con số này giữa Mỹ và châu Phi chỉ đạt 56,9 tỷ USD.
Trước thực tế đó, nhiều đời tổng thống Mỹ đã triển khai những chính sách để gia tăng ảnh hưởng cũng như lợi ích của Mỹ tại châu Phi. Có thể kể tới Đạo luật về Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi thời cựu Tổng thống Bill Clinton, chiến dịch phòng chống HIV/AID (PEPFAR) cho châu Phi thời cựu Tổng thống George W. Bush, đến người kế nhiệm Barack Obama là Sáng kiến phát triển điện năng cho châu Phi. Tuy nhiên, chuyên gia Christopher Wood tại Viện Các vấn đề quốc tế Nam Phi đánh giá, Mỹ vẫn “tụt lại phía sau trong cuộc đua nhằm chinh phục cảm tình của châu Phi”.
Thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã có nhiều bước đi mạnh mẽ hơn nhằm hồi sinh và hiện thực hóa chiến lược của Washington đối với châu Phi, củng cố và tăng cường mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa Mỹ và châu Phi trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu lục này. Chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Trump với tên gọi “Châu Phi thịnh vượng” nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh và đầu tư tại châu Phi và tầng lớp người có thu nhập trung bình đang tăng tại châu lục này. Ưu tiên số một của Mỹ trong chiến lược châu Phi sẽ xoay quanh việc thúc đẩy quan hệ kinh tế nhằm tạo dựng cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ, thông qua đó bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. Theo chiến lược này, Chính phủ Mỹ không cung cấp "viện trợ dàn trải mà hướng các khoản tài trợ tới các quốc gia quan trọng và các mục tiêu chiến lược cụ thể.
Ngoài ra, Quốc hội Mỹ đã thông qua Ðạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển (BUILD), khuyến khích tăng đầu tư của Mỹ ở châu Phi với vai trò là nhân tố kích thích phát triển kinh tế, tăng tính cạnh tranh và giảm rủi ro đối với các công ty Mỹ tại thị trường châu Phi. Đây được coi là sáng kiến quan trọng nhất của Washington đối với châu Phi dưới thời cựu Tổng thống Trump. Các chính sách này về bản chất không khác biệt nhiều so với các chính quyền tiền nhiệm, song phản ánh sự thực dụng hơn trong sử dụng nguồn tài chính và phục vụ cho những mục tiêu cụ thể hơn của Mỹ, giúp Washington có thể duy trì và củng cố ảnh hưởng tại châu lục cũng như tránh gây thất thoát nguồn tài chính của Mỹ.
Tuy nhiên, chiến lược này được đánh giá là không hiệu quả, một phần do cựu Tổng thống Trump khi đó áp đặt “lệnh cấm đi lại” và tạm dừng cho phép nhập cảnh vào Mỹ đối với những người đến từ các quốc gia Hồi giáo châu Phi vì lý do an ninh, nên không thể khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân Mỹ đầu tư vào châu Phi. Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định khi đề xuất chiến lược này, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton coi châu Phi là “tiền tuyến của cuộc chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung”’ với mục tiêu ngăn chặn ảnh hưởng an ninh và chính trị của Trung Quốc tại châu Phi hơn là mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội cho châu lục này.
Sau khi chính thức bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã hủy bỏ lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân một số quốc gia đạo Hồi tại châu Phi như Chad, Eritrea, Libya, Nigeria, Somalia, Sudan và Tanzania. Việc Tổng thống Biden chủ trương đưa Washington quay trở lại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng có ý nghĩa đặc biệt với châu Phi, bởi Mỹ là nước đóng góp hàng đầu cho WHO, với khoản đóng góp chiếm 15% tổng ngân sách của tổ chức này và một phần không nhỏ số tiền đó được phân bổ cho dự án tại các quốc gia đang phát triển ở châu Phi, vốn đang gặp nhiều khó khăn với các loại dịch bệnh.
Việc Mỹ tổ chức hội nghị cấp cao doanh nghiệp Mỹ-châu Phi lần thứ 13 và cam kết thúc đẩy sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng” một lần nữa thể hiện quyết tâm của chính quyền Tổng thống Biden nhằm “trở lại châu Phi”. Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ vaccine ngừa COVID-19 cho châu Phi, mới nhất là tuyên bố gửi gần 10 triệu liều vaccine tới 2 trong số các quốc gia đông dân nhất châu lục Nigeria và Nam Phi, nâng tổng số vaccine Mỹ gửi tới châu Phi tăng lên 16,4 triệu liều. Liên minh châu Phi cũng là bên được ưu tiên trong kế hoạch của Mỹ hỗ trợ 500 triệu liều vaccine của hãng Pfizer cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Diễn biến trên cho thấy chính quyền Tổng thống Biden sẽ thúc đẩy chính sách xích lại gần châu Phi hơn. Chuyên gia Sithembile Mbete tại Đại học Pretoria (Nam Phi) cho rằng khi Mỹ đang nỗ lực xây dựng năng lực chiến lược và vị trí quan trọng trong chính trị toàn cầu, chính quyền Tổng thống Biden cần tập trung chặt chẽ vào châu Phi - lục địa có dân số trẻ và thị trường nhiều tiềm năng. Giáo sư Michael Chege tại Đại học Nairobi (Kenya) nhận định nhiều chính sách then chốt từ thời chính quyền ông Clinton và Obama đối với châu Phi sẽ được hồi sinh, trong khi một số sáng kiến thương mại với châu Phi thời cựu Tổng thống Trump, trong đó có Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) vốn khuyến khích đầu tư vào châu Phi qua sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng”, sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong đề xuất ngân sách đưa ra vào tháng 5, Tổng thống Biden đã yêu cầu gần 80 triệu USD cho sáng kiến "Châu Phi thịnh vượng", tập trung vào vấn đề phụ nữ và công bằng, mở rộng vai trò cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là một lĩnh vực được ưu tiên và các nước châu Phi mong muốn mở rộng hợp tác với Mỹ. Bên cạnh đó là những điều chỉnh cần thiết trong chính sách của Mỹ với châu Phi để nó thực sự đi đúng hướng. Giới phân tích cho rằng phương thức tiếp cận của Washington cần thay đổi để Mỹ có thể trở thành đối tác của châu Phi, mà trước hết là xem xét cách thức nâng tầm quan hệ Mỹ-châu Phi thông qua các chính sách có thể mang lại thịnh vượng hơn cho người dân của cả châu Phi và Mỹ. Đó là con đường đưa Mỹ trở lại và củng cố ảnh hưởng ở châu Phi.