Nhìn lại thế giới 2021: Giữa thách thức, ASEAN khẳng định vị thế
Sáng 22/9/2021, tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam dự Hội nghị Tham vấn chung ASEAN (JCM) do Brunei Darussalam, nước Chủ tịch ASEAN 2021 tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng đến mọi khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội, trong khi cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa các cường quốc bên ngoài đã khiến 2021 trở thành một năm nhiều khó khăn và thách thức với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong bối cảnh các nước thành viên tập trung nỗ lực kiểm soát đại dịch trong nước và phục hồi kinh tế, việc ASEAN tiếp tục thúc đẩy Tầm nhìn Cộng đồng, duy trì và củng cố vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực xuyên suốt năm 2021 thực sự là thành tích đáng được ghi nhận.
Thành tích ấn tượng
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sĩ Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, nhận định điểm nổi bật của ASEAN trong năm 2021 chính là nỗ lực kiểm soát đại dịch ở tầm khu vực và tăng cường can dự với các nước đối tác ngoài khu vực. Cụ thể hơn, chuyên gia Hoàng Thị Hà thuộc Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak cho rằng trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2021, Brunei đã định hướng hoạt động của ASEAN vào những nội dung hợp tác chuyên ngành cụ thể, thông qua chủ đề “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị và chúng ta cùng phát triển thịnh vượng”, tập trung triển khai những sáng kiến và chương trình phòng chống COVID-19, phục hồi kinh tế, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Nhiều chương trình, sáng kiến trong số đó đã được khởi xướng từ năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam như Quỹ ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế, Khung phục hồi tổng thể và Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN… Lãnh đạo ASEAN và các đối tác cũng đạt được nhiều thỏa thuận về thúc đẩy hợp tác ứng phó với COVID-19, khôi phục kinh tế và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.
Năm 2021, ASEAN vẫn duy trì vai trò trong thương mại toàn cầu khi thể hiện sự linh hoạt về kinh tế, bất chấp biến thể Delta bùng phát và tác động lớn đến khu vực suốt cả năm. Ngoài việc giải quyết những thách thức tức thì do đại dịch, ASEAN cũng đã thể hiện tầm nhìn xa và thúc đẩy sự linh hoạt trong dài hạn.
Đại dịch COVID-19 cũng tăng tốc quá trình số hóa trên toàn thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Chính phủ các nước ASEAN ngày càng nhận thức được về sự cần thiết phải có một chiến lược chuyển đổi số khu vực mang tính gắn kết và toàn diện. Với dân số tương đối trẻ và ưa chuộng công nghệ, ASEAN có tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong lĩnh vực này. Tháng 9-2021, ASEAN đã thông qua Lộ trình Bandar Seri Begawan xác định chương trình chuyển đổi số ASEAN cho hội nhập kinh tế ASEAN và hội nhập kinh tế số khu vực.
Những nỗ lực không mệt mỏi của ASEAN trong phòng chống đại dịch và hồi phục kinh tế đã giúp triển vọng tăng trưởng của các nước khu vực tương đối sáng sủa trong năm 2022. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo hầu hết các nền kinh tế ASEAN sẽ tăng tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập cao hơn mức trên trung bình. Theo đánh giá chung của các chuyên gia, vai trò của ASEAN trong tăng trưởng bền vững toàn cầu đang và sẽ luôn “đáng kể” những năm tới đây, song khu vực cần phải tập trung hơn nữa để thực hiện các cam kết mở với thương mại và đầu tư, tăng cường bền vững và liên tục cập nhập thông qua số hóa.
Trong bối cảnh đó, việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã phát đi tín hiệu rõ ràng đến cộng đồng quốc tế rằng khu vực Đông Nam Á luôn mở với doanh nghiệp. Là sáng kiến của ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN trong RCEP sẽ có ý nghĩa quyết định. Đây được đánh giá có thể là bước ngoặt giúp ASEAN thúc đẩy sự điều phối và hợp tác để ứng phó những thách thức trong thế giới hậu đại dịch, đồng thời thể hiện vai trò một khu vực mở và bao trùm với trọng tâm là ổn định khu vực và thịnh vượng kinh tế.
Ổn định khu vực cũng là một trọng tâm nghị sự được các nhà lãnh đạo ASEAN đặc biệt quan tâm, thảo luận và tìm kiếm giải pháp. Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao lần thứ 38 và 39 thể hiện quan ngại của nhiều nhà lãnh đạo ASEAN về những hành động đơn phương và sự cố nghiêm trọng trên Biển Đông; tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau, kiềm chế những hành động làm phức tạp tình hình; duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Trong vấn đề Myanmar, ASEAN đã đạt được đồng thuận 5 điểm, cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.
Theo cựu Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN Gurjit Singh, Tuyên bố Chủ tịch đã cho thấy sự nghiêm túc của các nước ASEAN với tư cách một tổ chức khu vực, thể hiện sự nhận thức rõ vấn đề của các nước thành viên và nỗ lực tìm cách giải quyết. Ông cũng đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN, được thể hiện qua sự nhất trí trong can dự giữa ASEAN với các đối tác đối thoại bên ngoài khu vực, qua những cơ chế như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng nhằm xây dựng lòng tin cũng như củng cố một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp với ASEAN ở vị trí trung tâm.
Trong khi đó, Tiến sĩ Collin Koh khẳng định ASEAN đã nhấn mạnh đến tính bao trùm trong nỗ lực quản trị các vấn đề của khu vực khi đạt đồng thuận trao quy chế đối tác đối thoại đầy đủ cho Vương quốc Anh vào tháng 8-2021. Trên thực tế, việc Anh chính thức trở thành nước đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN đã một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của ASEAN với tư cách tổ chức khu vực, thể hiện mục tiêu tăng cường quan hệ giữa ASEAN với những quốc gia thừa nhận vai trò trung tâm, mở và bao trùm của ASEAN cũng như tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dấu ấn đối ngoại năm 2021 của ASEAN còn phải kể tới việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Australia,
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn, các diễn đàn của ASEAN có thể giúp thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng, lòng tin và hợp tác giữa các nước đối tác đối thoại. Thế nhưng, để làm được điều đó đòi hỏi sự ủng hộ kiên định từ chính các nước đối tác để củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực mở và bao trùm. Thông qua các hội nghị cấp cao với ASEAN trong cả năm 2021, các nước đối tác đối thoại đều đã khẳng định cam kết ủng hộ duy trì vai trò trung tâm của ASEAN và hợp tác dựa trên các nền tảng của hiệp hội.
Dấu ấn Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thành công của ASEAN trong năm 2021 cũng ghi nhận sự đóng góp không nhỏ và thực chất của Việt Nam. Nhiều sáng kiến được Việt Nam đề xuất trong năm Chủ tịch 2020 tiếp tục được thực hiện và đạt tiến triển. Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN, phối hợp với nước Chủ tịch Brunei thúc đẩy các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó COVID-19, đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.
Những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 cùng các hội nghị với các nước đối tác về chiến lược mới với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội… đã được các nước hoan nghênh, hưởng ứng. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, giá trị của sự đoàn kết, giá trị cốt lõi và sức mạnh của ASEAN trong suốt 54 năm qua, gắn với trách nhiệm và tinh thần xây dựng của tất cả các thành viên cần được đề cao, qua đó giúp ASEAN có tiếng nói thống nhất, phát huy vai trò trung tâm và uy tín của ASEAN.
Campuchia sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã cam kết hướng nỗ lực của cả ASEAN vào việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là tiến trình xây dựng một Cộng đồng ASEAN công bằng, vững mạnh và toàn diện, phù hợp với tinh thần chủ chốt của ASEAN là “Một tầm nhìn, một thực thể và một cộng đồng". Áp lực và ảnh hưởng từ cạnh tranh địa-chính trị, tội phạm xuyên quốc gia, chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu và các dịch bệnh truyền nhiễm cũng như vấn đề phục hồi sau COVID-19 sẽ là những thách thức trên con đường đi tới hòa bình, an ninh và thịnh vượng của ASEAN. Để vượt qua những thách thức ấy, ASEAN cần kiên cường và mạnh mẽ trên tinh thần chủ đề Năm ASEAN 2022: “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức”.