Cần xử lý nghiêm hành vi cho vay nặng lãi
Quảng cáo, rao vặt cho vay thủ tục đơn giản, nhanh chóng luôn tiềm ẩn nguy cơ vay nặng lãi, tín dụng “đen”. |
Thời gian gần đây, hoạt động cho vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng “đen” đang có những diễn biến phức tạp trên cả nước. Đây đồng thời cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến không ít vụ án nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội…
Có thể hiểu cho vay nặng lãi thực chất là hình thức tín dụng tư nhân chuyên cho vay với mức lãi suất cao, không nằm trong khuôn khổ hoạt động của các tổ chức tín dụng hợp pháp, không theo các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đây là một hình thức cho vay và vay với mức lãi suất rất cao so với lãi suất thông thường của các tổ chức tín dụng. Nếu trần lãi suất cho vay của ngân hàng khoảng 9% đến 13%/năm, thì khi tham gia vay nặng lãi, người vay thường phải chịu mức lãi suất từ 100% đến 200%/năm, thậm chí lên đến 300%/năm.
Thuận lợi của vay lãi suất cao đó là người vay không cần tài sản thế chấp, thủ tục vay đơn giản người vay chỉ cần phô-tô hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, thời gian giải ngân nhanh và số tiền được vay theo thỏa thuận. Tuy nhiên, về cơ bản những cá nhân, tổ chức đứng ra cho vay nặng lãi đều gắn với các hành vi vi phạm pháp luật, có những tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ quốc gia. Vì vậy, dư luận cho rằng cần có biện pháp xử lý nghiêm để ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm nguy hiểm này.
Theo luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), hiện nay pháp luật đã có những quy định khá cụ thể về việc xử lý hành vi cho vay nặng lãi. Cụ thể, tùy trường hợp, hành vi cho vay nặng lãi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính: Điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự-an toàn xã hội thì đối với hành vi cho vay nặng lãi có thể phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”. Mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 9%/năm được công bố theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010.
Bên cạnh đó, hành vi cho vay nặng lãi còn có thể bị xử lý hình sự. Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi và bổ sung năm 2017 đã có quy định rất rõ ràng về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo đó, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Về lãi suất cho vay, Điều 468, Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận và không vượt quá 20%/năm, tức không quá 1,66%/tháng. Nếu lãi suất cho vay vượt quá 20% thì được xác định là cho vay nặng lãi, Luật sư Nguyễn An Bình nhấn mạnh.
Quy định là vậy, tuy nhiên việc xử lý hành vi cho vay nặng lãi hiện đang gặp nhiều khó khăn. Thông thường chủ nợ thường thoát án mà chỉ xử lý được đối tượng được thuê đòi nợ về các tội danh như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở người khác… do đòi nợ, xiết nợ theo kiểu “xã hội đen”.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến việc khó xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi là tâm lý e sợ, không dám tố cáo của người dân. Để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, trước hết phải có người tố cáo, người bị hại. Trong khi đó, trên thực tế người dân vẫn có nhu cầu vay, nhận thức của người đi vay “nóng” không cao, khi túng quẫn chủ nợ đưa giấy tờ gì thì ký giấy đó, kể cả giấy bán nhà để nhận được tiền.
Mặt khác, việc phát hiện các vụ việc liên quan đến cho vay nặng lãi thường gặp “khó” do các bên thỏa thuận dân sự bằng miệng hoặc các hợp đồng giả cách không thể hiện lãi suất thực tế. Chế tài xử lý quá nhẹ so với lợi nhuận mà các đối tượng thu được. Tội cho vay nặng lãi được coi là tội ít nghiêm trọng cho nên thời gian tạm giam các đối tượng hoạt động này để đấu tranh, mở rộng điều tra cũng bị hạn chế…
Theo nhiều luật sư, để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, nên nghiên cứu điều chỉnh luật theo hướng cho phép xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay nếu vượt quá mức lãi suất nhất định. Ví dụ, mức lãi suất vi phạm Bộ Luật hình sự là cao hơn 5 lần thì mức lãi suất có thể phạt hành chính có thể là 3 lần. Nếu đã xử lý hành chính mà người cho vay vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đưa hoạt động cho vay dân sự vào khuôn khổ để dễ quản lý. Tín dụng trong đó có cho vay dân sự là hoạt động có điều kiện, không phải ai làm cũng được. Không thể thả nổi tín dụng “đen” như hiện nay mà phải đưa hoạt động này vào khuôn khổ để quản lý, phải có quy định về điều kiện hành nghề, khi hành nghề phải đăng ký với cơ quan chức năng. Nếu hoạt động không đăng ký hoặc vi phạm các quy định trong quá trình hoạt động thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Có thể thấy, cho vay nặng lãi, tín dụng “đen” là loại hình tội phạm nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm hành vi cho vay nặng lãi. Cùng với đó, trước những lời mời gọi, quảng cáo hấp dẫn của các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, người dân phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác, tránh rơi vào “cạm bẫy” của các đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng “đen” để không phải trở thành con nợ, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra./.