Nghị định số 15/2020/NÐ-CP:
Chế tài mạnh ngăn chặn tin giả, tin vu khống
Lâu nay, mạng xã hội được không ít người sử dụng để cập nhật tin tức và giải trí. Tuy nhiên, không gian mạng bên cạnh vai trò tích cực cũng gây ra hệ lụy không mong muốn với rất nhiều thông tin xấu độc, tin giả; các hành vi thiếu văn hóa. Có thể thấy tràn lan những lời nói tục, chửi thề, phát ngôn gây sốc, những lời bình luận miệt thị,… và nhất là thông tin sai sự thật ngày càng tăng.
Để ngăn chặn điều này, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” được Chính phủ ban hành ngày 03/02/2020 và có hiệu lực từ 15/04/2020 được cho là phương thuốc mạnh hơn để ngăn chặn thông tin giả, sai lệch gây hoang mang dư luận; đồng thời là yếu tố góp phần xây dựng văn hóa mạng.
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP nhằm thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/01/2014. Nếu như quy định cũ có 114 điều liên quan đến việc xử lý các vi phạm hành chính trong môi trường bưu chính, viễn thông thì Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã quy định rõ, chi tiết hơn với 224 điều. Đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người tham gia mạng xã hội đã được làm rõ tại Điều 101. Theo đó, phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu…
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ nét, chi tiết nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc sự dụng môi trường mạng, đặc biệt là mạng xã hội; đưa vào các quy định mới như như “cung cấp chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân”. Đồng thời, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” và buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định. Tại khoản 3, Điều 102: Hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt với số tiền từ 10-20 triệu đồng. Như vậy, việc đăng tải thông tin, hình ảnh của người khác lên mạng xã hội khi không có sự đồng ý của chính chủ sẽ bị phạt nặng, có thể tới 20 triệu đồng.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hành vi cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Quan trọng hơn cả là hướng đến lành mạnh hóa môi trường mạng, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và mỗi người dân. Do vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức, rèn luyện hành vi đạo đức. Khi hoạt động trên không gian mạng cũng phải có suy nghĩ và hành vi ứng xử tương ứng, thống nhất với cuộc sống đời thực; có trách nhiệm lời nói và hành vi của chính mình; tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để kiểm chứng, không đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý; không chia sẻ nội dung thông tin xấu độc... gây hiểu lầm, hoang mang dư luận.