Chung quanh các bản án, quyết định được thi hành có yếu tố nước ngoài
Ảnh minh họa. |
Tại nội dung tập huấn “Nâng cao năng lực cho công chức thi hành án dân sự (THADS) trong thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài” mới đây tại Hà Nội, do Tổng cục THADS, Đại sứ quan Anh tại Việt Nam, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) phối hợp tổ chức. Chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung tham luận về THADS có yếu tố nước ngoài. Xin trân trọng giới thiệu bạn đọc.
Phạm vi các quyết định, bản án dân sự lĩnh vực này
Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là việc thừa nhận và cho phép thi hành bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định dân sự về hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài theo những nguyên tắc và trình tự pháp lý nhất định.
Có thể khẳng định phạm vi các quyết định, bản án dân sự nêu trên đã bao quát được các quan hệ pháp luật dân sự trong đời sống pháp luật quốc tế.
Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà Việt Nam và nước đó đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này.
Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành; Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài cũng có thể được Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trên cơ sở có đi có lại mà không đòi hỏi Việt Nam và nước đó phải lý kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề đó.
Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành; Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận thì đương nhiên được công nhận tại Việt Nam theo điều ước quốc tế Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Tòa án Việt Nam chỉ xem xét việc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam khi có đơn yêu cầu không công nhận; Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu việc công nhận và cho thi hành đó trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và trật tự công cộng.
Những vấn đề có yếu tố nước ngoài
Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015, một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài có thể thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án Việt Nam theo hai cách: thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam hoặc thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam.
Một vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của tòa án Việt Nam nghĩa là pháp luật Việt Nam quy định tòa án Việt Nam có thẩm quyền xét xử, song nếu tòa án nước ngoài xét xử vụ việc đó thì phán quyết tương ứng của tòa án nước ngoài có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Nếu vụ việc thuộc loại này được đưa lên một tòa án của Việt Nam thì phải là tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Nếu vụ việc được đưa lên tòa án nước ngoài có thẩm quyền xét xử thì sau khi vụ việc được xét xử ở nước ngoài, bản án có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bởi tòa án Việt Nam.
Về các trường hợp cụ thể nằm trong thẩm quyền chung của tòa án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, Điều 469 BLTTDS năm 2015 quy định rõ: Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự nếu bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Trong trường hợp bị đơn là cơ quan tổ chức thì dấu hiệu có trụ sở tại Việt Nam được xem là căn cứ để xác định thẩm quyền của tòa án Việt Nam.
Tòa án Việt Nam cũng có thẩm quyền chung để giải quyết các trường hợp vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà bị đơn có tài sản ở Việt Nam, các vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Đặc biệt, đối với vụ việc ly hôn thì chỉ cần một trong các bên là công dân Việt Nam thì tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết, ở đây dấu hiệu quốc tịch là căn cứ xác định thẩm quyền.
Ngoài các dấu hiệu về quốc tịch, nơi cư trú, nơi có trụ sở nêu trên thì dấu hiệu sự kiện pháp lý làm xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ hoặc dấu hiệu nơi có tài sản là đối tượng của quan hệ cũng được ghi nhận. Cụ thể, nếu có sự kiện pháp lý xảy ra ở Việt Nam và từ sự kiện đó quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác lập, thay đổi, chấm dứt thì vụ việc về quan hệ đó do tòa Việt Nam giải quyết.
Trường hợp khác là quan hệ liên quan tài sản mà tài sản lại đang tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam thì tòa án Việt Nam cũng có thẩm quyền. Nếu sự kiện pháp lý xảy ra ở nước ngoài nhưng các cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam có liên quan về quyền và nghĩa vụ hoặc các cá nhân này cư trú ở Việt Nam, các cơ quan tổ chức này có trụ sở ở Việt Nam thì tòa án Việt Nam cũng có thẩm quyền giải quyết.
Còn thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài bao gồm các loại vụ việc mà đối với tòa án Việt Nam thì chỉ có thể thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án Việt Nam. Nói cách khác là đối với những trường hợp này thì tòa án Việt Nam chỉ thừa nhận phán quyết về vụ việc nếu phán quyết đó là của tòa án Việt Nam, nếu các bên đưa vụ việc ra tòa án nước ngoài xét xử thì phán quyết của tòa án nước ngoài về vụ việc sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Theo Điều 470 BLTTDS năm 2015, thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam đối với các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài bao gồm các vụ việc liên quan đến bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam; vụ án ly hôn mà cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài tại Việt Nam; yêu cầu xác định một sự kiện pháp lý xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; tuyên bố về việc mất tích, chết của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam hoặc tuyên bố hạn chế năng lực hành vi của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nếu việc tuyên bố đó có liên quan đến việc lập quyền, nghĩa vụ của họ tại Việt Nam.
Tòa án Việt Nam có thẩm quyền công nhận một tài sản nào đó là tài sản vô chủ hoặc công nhận quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ của người quản lý tài sản đó. Ngoài ra, khi pháp luật cho phép các bên lựa chọn tòa án để giải quyết vụ việc và các bên đã chọn tòa án Việt Nam thì chỉ có tòa án Việt Nam mới có thẩm quyền.
Cơ quan THADS tổ chức thi hành
Theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 35 Luật thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành đối với: Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Toà án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền của cấp huyện mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án. Như vậy, có thể khẳng định các bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của cơ quan THADS cấp tỉnh.
Về cơ bản, các bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài do Tòa án Việt Nam xét xử hoặc các bản án, quyết định, phán quyết của trọng tài nước ngoài sau khi được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành thì có trình tự, thủ tục thi hành cơ bản tương tự như việc thi hành các bản án, quyết định thông thường.
Tuy nhiên, để bảo đảm việc thi hành án đối với các bản án có yếu tố nước ngoài, tại Điều 429 Bộ Luật tố tụng dân sự quy định "Nhà nước Việt Nam bảo đảm việc chuyển tiền, tài sản thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành từ Việt Nam ra nước ngoài. Việc chuyển tiền, tài sản này được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam". Ngoài ra, Điều 181 Luật thi hành án dân sự cũng quy định: Việc yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án, việc tiếp nhận và xử lý ủy thác tư pháp về thi hành án của nước ngoài trong quá trình thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp. Cơ quan thi hành án dân sự có yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án phải lập hồ sơ ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
Thực tiễn thi hành án dân sự ở Việt Nam thì các vụ việc đưa ra thi hành án chủ yếu đương sự là người nước ngoài và có vụ việc xảy ra ở Việt Nam. Do đó, thủ tục thi hành án cực kỳ quan trọng trong việc quyết định các bước tiếp theo của quá trình tổ chức thi hành án là uỷ thác tư pháp...
Theo quy định tại Điều 423 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “1. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài sau đây được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam: a) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; b) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại; c) Bản án, quyết định dân sự khác của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành. 2. Quyết định về nhân thân, hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài cũng được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này.” |