Thuyết phục để đương sự tự nguyện thi hành án
Cán bộ, chấp hành viên của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Phú Bình vận động đương sự tự nguyện thi hành án. |
Động viên, thuyết phục để đương sự tự nguyện thi hành án được coi là “một mũi tên trúng nhiều đích” được cán bộ, chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Phú Bình vận dụng sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Việc làm này đã giúp đơn vị giải quyết nhanh chóng nhiều vụ việc, hạn chế phải tổ chức tiến hành cưỡng chế làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, tình hình an ninh trật tự tại địa phương...
Mặc dù lực lượng cán bộ, chấp hành viên ít, nhưng mỗi năm phải thụ lý, giải quyết gần 1.500 vụ việc nên cán bộ, chấp hành viên của Chi cục THADS huyện Phú Bình phải rất nỗ lực và sáng tạo trong thực hiện công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chỉ tính riêng năm 2019 và quý I-2020, Chi cục đã giải quyết việc có điều kiện thi hành đạt 88,45% (vượt 14,95% chỉ tiêu mà Cục THADS tỉnh giao). Một trong những yếu tố đem lại kết quả này là cán bộ, chấp hành viên của đơn vị đã vận động khéo léo, linh hoạt, vận dụng vào các quy định của Luật Thi hành án để thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Mới đây nhất là chấp hành viên của Chi cục THADS huyện Phú Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương động viên, thuyết phục được 2 vụ việc theo đơn yêu cầu thi hành án, gồm: vụ ông Tạ Văn Phong (xóm Phú Lâm, xã Kha Sơn) phải thi hành số tiền 300 triệu đồng; vụ bà Nguyễn Thị Sâm (xóm Thuần Pháp, xã Điềm Thụy) phải thi hành số tiền 394 triệu đồng. Đồng chí Dương Minh Soát, Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy cho biết: Số tiền phải thi hành đối với đương sự ở địa phương không nhỏ nhưng với sự nỗ lực của chấp hành viên, cán bộ xã đã nhiều lần đến tận nhà tuyên truyền chính sách pháp luật nên đương sự đã tự nguyện thi hành án. Vụ việc tại xã Điềm Thụy không phải tập trung lực lượng chức năng để cưỡng chế thi hành án nên đảm bảo an ninh trật tự, uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương và danh dự của các cá nhân liên quan.
Cùng với đó là cán bộ, chấp hành viên của Chi cục THADS huyện Phú Bình đã vận động, thuyết phục được rất nhiều đương sự trong các vụ việc khác tự nguyện thi hành nên giảm được số cán bộ liên quan phục vụ cưỡng chế thi hành án (bình quân mỗi vụ cưỡng chế phải huy động từ 30-50 người), tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Nhà nước và chi phí của các đương sự. Nhận thấy việc vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án đem lại nhiều lợi ích, kết quả, góp phần ổn định xã hội nên cán bộ, chấp hành viên của Chi cục THADS huyện Phú Bình đã ngày cang coi trọng việc làm này. Hiện, 100% số vụ việc khi chấp hành viên của đơn vị thụ lý, giải quyết đều mời các đương sự đến trụ sở làm việc hoặc trực tiếp đến tận nhà của đương sự để tuyên truyền các quy định của pháp luật; vận động, thuyết phục tự nguyện thi hành án và nêu những hậu quả xảy ra nếu vụ việc buộc phải cưỡng chế.
Đồng chí Lê Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục THADS huyện Phú Bình cho biết: Để công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án hoặc người nhà của đương sự hiểu và tự nguyện thi hành án đòi hỏi cán bộ, chấp hành viên phải nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của tòa án, tìm hiểu thông tin, nhân thân và các mối quan hệ của đương sự để có thể tìm ra biện pháp thi hành án phù hợp, tìm ra hướng động viên, thuyết phục hiệu quả, tránh áp dụng biện pháp cưỡng chế làm phát sinh tình huống phức tạp hoặc đơn thư kéo dài vụ việc. Trong những năm gần đây, cán bộ, chấp hành viên làm công tác thi hành án của huyện là những tuyên truyền viên thường xuyên trong các buổi làm việc với đương sự, với người nhà đương sự để tuyên truyền các quy định của pháp luật. Cụ thể là Luật Thi hành án dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình…
Từ giờ đến cuối năm 2020, Chi cục THADS huyện Phú Bình phải thụ lý giải quyết khoảng 600 việc với số tiền phải thi hành trên 25 tỷ đồng trong khi chỉ có 9 cán bộ (4 chấp hành viên) nên việc khéo léo, kiên trì động viên, thuyết phục đương sự từ không hợp tác sang tự nguyện thi hành án là giải pháp nên tiếp tục triển khai nhằm hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao, góp phần quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.