Vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực

Cập nhật: Thứ ba 10/04/2018 - 08:28
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Qua phản ánh của báo chí và qua theo dõi hoạt động thừa phát lại (TPL) trong thời gian qua cho thấy, có hiện tượng hiểu chưa đúng và chưa thống nhất về vi bằng và giá trị pháp lý của vi bằng do TPL lập.

* Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án

Để dư luận, người dân hiểu đúng và thống nhất về vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng do TPL lập, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết: Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP có quy định về khái niệm, thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng; thủ tục lập vi bằng; hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng; giá trị pháp lý của vi bằng do TPL lập...

Cụ thể: Vi bằng là văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

TPL có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. TPL được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng TPL.

Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

“Vi bằng không phải văn bản công chứng, chứng thực; không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực. Việc chuyển quyền sử dụng đất, nhà ở phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và pháp luật về công chứng, chứng thực”, ông Hiển nói.

Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến chia sẻ: Thời gian qua, việc lập vi bằng và coi vi bằng là nguồn chứng cứ đã có tác động lớn đến đời sống dân sự, giúp người dân có thêm nguồn chứng cứ để bảo vệ quyền dân sự của mình. Tuy nhiên, do thời gian đầu thực hiện thí điểm, pháp luật chưa hoàn thiện nên còn những bất cập trong việc lập vi bằng. Bà Yến cho rằng, cần nhận thức rõ ràng là vi bằng được lập để ghi nhận sự kiện, hành vi nhưng phải là sự kiện, hành vi không vi phạm pháp luật và vi bằng do TPL lập là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu xét thấy cần thiết, tòa án, viện kiểm sát có thể triệu tập TPL để làm rõ tính xác thực của vi bằng./.


Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: