Chuẩn bị tổ chức phiên toà trực tuyến: Gỡ khó về hạ tầng kỹ thuật

Cập nhật: Thứ tư 15/06/2022 - 08:36
 Một phiên toà dân sự phúc thẩm được tổ chức trực tiếp tại TAND tỉnh.
Một phiên toà dân sự phúc thẩm được tổ chức trực tiếp tại TAND tỉnh.

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Nguyên, trong quý III-2022, tỉnh sẽ tổ chức một phiên toà xét xử trực tuyến mẫu và rút kinh nghiệm, từ đó nhân rộng trong thời gian tiếp theo. Để đạt được điều này, một trong những vấn đề các cấp, ngành phải quan tâm đặc biệt là đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất cần thiết theo quy định.

Mới đây, Toà án nhân dân (TAND) Tối cao đã ban hành hướng dẫn trang bị, lắp đặt thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cho phòng xử án của tòa án các cấp.

Theo đó, các trang thiết bị gồm: Máy chiếu, 3 màn hình tivi, 4 camera, hệ thống âm thanh, ánh sáng… phải đồng bộ, an toàn, bảo mật thông tin; tương thích, kết nối và hoạt động tốt với nền tảng xét xử trực tuyến do TAND Tối cao xây dựng. Phiên toà trực tuyến được kết nối giữa điểm cầu trung tâm và không quá 3 điểm cầu thành phần. 

Đánh giá thực trạng về cơ sở vật chất và trang thiết bị tại TAND hai cấp của tỉnh cho thấy: Các điệu kiện về diện tích và không gian phòng xử án; hệ thống phần mềm Vmeet (hệ thống truyền hình trực tuyến hội nghị của TAND) và đường truyền mạng Internet cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến.

Tuy nhiên, hệ thống camera, âm thanh, thiết bị hình ảnh, máy tính… lại chưa được đầu tư đồng bộ. Nhất là các toà án cấp huyện cơ bản chưa có màn hình tivi để hiển thị hình ảnh; camera và bộ giải mã dữ liệu, hệ thống âm thanh đã cũ hỏng.

Ngoài ra, Trại tạm giam Công an tỉnh và trại tạm giữ công an cấp huyện cũng chưa có phòng đặt điểm cầu thành phần và các thiết bị theo yêu cầu.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, Sở Tư pháp đã bố trí một phòng để xét xử trực tuyến có diện tích 35m2 nhưng chưa có kinh phí lắp đặt thiết bị kỹ thuật cần thiết.

Ông Lương Văn Hiển, Phó Chánh án TAND tỉnh đánh giá: Xét xử trực tuyến là nội dung mới nên khó khăn phát sinh là điều không tránh khỏi. Hiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị của TAND hai cấp, nhất là trại tạm giam, tạm giữ và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến. Số lượng tài khoản được cấp trong hệ thống truyền hình trực tuyến của ngành Toà án cũng hạn chế nên trường hợp nhiều đơn vị tổ chức xét xử trực tuyến cùng thời điểm thì sẽ không thể thực hiện.

Để tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng công nghệ thông tin, ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông cho biết: Hiện, các cơ quan, đơn vị và sở, ngành của tỉnh đều có hệ thống đường truyền Internet chất lượng tốt, vận hành ổn định và đảm bảo các yếu tố bảo mật. Đối chiếu các quy định và hướng dẫn thì có thể sử dụng khi tổ chức phiên toà trực tuyến.

Còn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, bà Vũ Thị Anh Dung, Phó Giám đốc Sở Tài chính đề nghị: Trên cơ sở các văn bản quy định các cấp, TAND tỉnh rà soát và đánh giá chi tiết hơn nữa về thực trạng, xây dựng phương án đầu tư phù hợp. Với các trang thiết bị thì có thể bố trí từ nguồn chi thường xuyên, còn việc mở rộng, xây mới các hạng mục phục vu phiên toà xét xử trực tuyến thì đề nghị từ nguồn vốn đầu tư công.

Chỉ đạo về vấn đề này, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp của tỉnh nhấn mạnh: Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một nhu cầu, xu thế tất yếu của hoạt động tư pháp trong tình hình mới. Để đảm bảo các nội dung triển khai đúng kế hoạch, TAND cần nhanh chóng phối hợp khảo sát đầy đủ trực trạng sơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Căn cứ quy định, hướng dẫn của ngành dọc cấp trên, TAND tỉnh, Công an tỉnh chủ động xây dựng phương án báo cáo TAND Tối cao, Bộ Công an cấp kinh phí, trang bị phương tiện phục vụ việc tổ chức phiên tòa trực tuyến và đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện cần thiết khác liên quan; trường hợp cần địa phương hỗ trợ thì TAND tỉnh và Công an tỉnh chủ trì phối hợp với cơ quan liên quan có phương án đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ theo quy định.

Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội quy định, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định.

Nhị Hà
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: