Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Hỷ: Đẩy mạnh số hóa hồ sơ vụ án
Một phiên tòa do Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ xét xử có trình chiếu hình ảnh. |
Nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Hỷ đã tăng cường số hóa hồ sơ vụ án, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên xét xử, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thực hiện việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) theo yêu cầu, chỉ đạo của cấp trên, Viện KSND huyện Đồng Hỷ đã triển khai những nội dung liên quan đến việc số hóa hồ sơ vụ án.
Theo đó, việc số hóa hồ sơ được đơn vị thực hiện bằng cách scan, sao chụp văn bản tố tụng, tài liệu, chứng cứ... theo các định dạng văn bản PDF, file ảnh, file video, file âm thanh đối với toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Thông tin số hóa thường gồm các tài liệu tố tụng trong vụ án; chứng cứ vụ án chứng minh hành vi phạm tội; nhân thân của người phạm tội; các tình tiết, vấn đề khác liên quan đến vụ án.
Trong đó, tùy theo từng vụ án cụ thể, kiểm sát viên thực hiện số hóa các chứng cứ vụ án chứng minh hành vi phạm tội là khác nhau. Để chuẩn bị cho việc sử dụng các tài liệu số hóa tại phiên tòa thuận lợi, trên cơ sở dự liệu các tình huống có thể phát sinh và đề cương tranh luận, kiểm sát viên sẽ lập bảng các tài liệu số hóa cần sử dụng, có đường dẫn, liên kết với dữ liệu scan để công bố tại phiên tòa.
Khi xảy ra trường hợp bị cáo thay đổi, phủ nhận lời khai trước đó hoặc phát sinh nội dung mới cần phải đối chất, đối chiếu với những lời khai trước để xác định sự thật khách quan, kiểm sát viên sẽ đề nghị hội đồng xét xử cho chiếu đoạn phim, clip, đoạn ghi âm liên quan đến bị cáo trong quá trình điều tra. Từ đó thấy được việc thay đổi lời khai của bị cáo là có cơ sở hay không.
Từ đầu năm đến nay, Viện KSND huyện Đồng Hỷ đã thực hiện số hóa hồ sơ và phối hợp với Tòa án nhân dân huyện tổ chức phiên tòa có sử dụng trình chiếu hình ảnh được 6 vụ án hình sự.
Điển hình như ngày 22-8, Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ tổ chức xét xử vụ án hình sự được số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ vi phạm bằng hình ảnh. Các đối tượng bị đưa ra xét xử gồm: Hoàng Mạnh Hùng, sinh năm 1992; Hoàng Tuấn Công, sinh năm 2000, cùng trú tại thôn Yên Lãng, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) và cùng bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản”; Trần Thị Minh Huệ, sinh năm 1966, trú tại tổ 6, phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên), bị truy tố về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Khoảng 16 giờ ngày 11-9-2021, tại sân nhà ông Nguyễn Huy Trợ, ở xóm An Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), Hùng và Công đã trộm cắp 1 chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda Dream trị giá 9 triệu đồng rồi bán cho Huệ với giá 700 nghìn đồng. Sau đó, khoảng 10 giờ ngày 15-9-2021, tại sân nhà chị Đinh Thị Hường, ở xóm Vải, xã Hóa Thượng, Hùng và Công tiếp tục lấy trộm 1 chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave trị giá 6,5 triệu đồng và mang bán cho Huệ với giá 700 nghìn đồng. Số tiền bán xe các đối tượng đã sử dụng hết cho mục đích cá nhân. Huệ biết xe máy mua của Hùng và Công là xe trộm cắp, không có giấy tờ nhưng vẫn đồng ý mua.
Trong quá trình xét xử, các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được số hóa trình chiếu tại phiên tòa một cách công khai, cô đọng. Qua đó giúp cho việc công bố tài liệu, xét hỏi của kiểm sát viên và Hội đồng xét xử thuận lợi, hiệu quả, đồng thời chứng minh, làm rõ được hành vi phạm tội của các bị cáo và các tình tiết trong vụ án.
Trước những tài liệu, chứng cứ được trình chiếu khách quan, toàn diện tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 3 bị cáo tổng số 45 tháng tù giam, mỗi bị cáo phải bồi thường 3 triệu 250 nghìn đồng để khắc phục hậu quả, bị cáo Huệ còn phải chịu hình phạt bổ sung với số tiền 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thái Bình, Viện trưởng Viện KSND huyện Đồng Hỷ cho biết: Việc số hóa hồ sơ các vụ án đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể là hạn chế việc in ấn; dễ dàng lưu trữ, truy xuất dữ liệu; thuận lợi trong việc chứng minh tội phạm, buộc các bị cáo phải thừa nhận hành vi phạm tội; góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của kiểm sát viên; thu hút sự quan tâm, theo dõi của những người tham dự phiên tòa...