Vụ án thất thoát tài sản tại TISCO: Chưa xác định thiệt hại cuối cùng
Các bị cáo tại phiên tòa trong ngày 13-4. |
Tiếp tục phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), trong ngày 13-4, Hội đồng xét xử (HĐXX) tập trung làm rõ nội dung liên quan về việc tăng vốn của dự án và các tài sản đã bị cơ quan chức năng kê biên.
Yêu cầu nhà thầu tiếp tục triển khai dự án?
TISCO được xác định là nguyên đơn dân sự trong việc làm thất thoát 830 tỷ đồng tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO. Tài liệu tố tụng thể hiện, năm 2007, TISCO ký với Tập đoàn Khoa học công nghệ luyện kim Trung Quốc (MCC) hợp đồng thiết kế, cung cấp, xây dựng (EPC) có trị giá 160 triệu USD để xây dựng nhà máy luyện phôi thép thuộc Dự án mở rộng sản xuất.
EPC là hợp đồng không đổi giá trị nhưng sau đó, MCC yêu cầu tăng giá và được các bị cáo tại TISCO cũng như Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) chấp thuận. Ngoài ra, các lãnh đạo, cán bộ tại TISCO cũng như VNS còn chọn Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C (xây lắp) trong gói hợp đồng. VINAINCON không đủ năng lực thi công nên năm 2011 phải tạm dừng, hoàn trả TISCO các hạng mục chưa hoàn thành. Cơ quan truy tố đánh giá, các hành vi này khiến dự án của TISCO kéo dài thời gian, gây thiệt hại 830 tỷ đồng là tiền lãi phải trả các ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Đánh giá về dự án ở thời điểm hiện tại, đại diện VNS cho rằng: Dự án đang gặp rất nhiều khó khăn và hiện chưa có giải pháp cụ thể để khắc phục. Ông Phùng Quang Cường, đại diện ủy quyền của TISCO đề nghị: Tòa án xem xét lại tư cách tham gia phiên tòa của TISCO bởi doanh nghiệp đang là nguyên đơn dân sự nhưng căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự thì nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu bồi thường, trong khi TISCO hiện chưa có đơn. Về khoản thiệt hại 830 tỷ đồng, đại diện TISCO thừa nhận đây là số tiền lãi đã trả cho các ngân hàng nhưng dự án vẫn đang triển khai nên chưa biết thiệt hại cuối cùng; đề nghị HĐXX đưa ra phán quyết và cam kết sẽ nghiêm túc chấp hành. Và doanh nghiệp này đang yêu cầu MCC tiếp tục triển khai xây dựng dự án theo đúng hợp đồng EPC đã ký.
Chủ tọa đặt câu hỏi, TISCO có 65% vốn Nhà nước nên trong số tiền lãi phải trả có cả tiền Nhà nước; các thiệt hại khác, cơ quan điều tra đang làm rõ theo quy định. Vậy phía TISCO có chấp nhận con số thiệt hại? Đại diện TISCO cho biết sẽ trình bày thêm trong phần tranh luận.
Liên quan đến nội dung này, đại diện Bộ Công Thương xác nhận là cơ quan chủ quản của VNS. Vụ án thất thoát tài sản tại Dự án mở rộng giai đoạn 2 - TISCO là một trong những “đại án” thua lỗ lớn của Bộ Công Thương nên thường xuyên có báo cáo phương án và tiến độ giải quyết tới Chính phủ. Trả lời về căn cứ tăng vốn và việc giới thiệu VINAINCON là nhà thầu phụ, đại diện Bộ Công Thương nói không nắm rõ được các nội dung và những người liên quan hiện đều đã nghỉ hưu từ lâu.
Nhiều tài sản kê biên đã sang tên chủ sở hữu
Tại vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tiến hành phong tỏa, kê biên hàng loạt đất đai, bất động sản, tiền gửi ngân hàng của các bị can liên quan. Trong đó, nhiều tài sản là nhà đất bị can đã cho, tặng người thân cũng bị kê biên; nhiều tài sản của người nhà các bị can cũng bị tiến hành phong tỏa.
Bị cáo Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên được dẫn giải tới tòa.
Đối với bị cáo Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TISCO bị kê biên 6 bất động sản, gồm biệt thự liền kề, nhà, đất tại Hà Nội và T.P Thái Nguyên. Trả lời tại tòa, vợ bị cáo Khâm cho biết: Trong số các tài sản này thì có 2 thửa đất tại Hà Nội và 1 ở Thái Nguyên đã được hai vợ chồng ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng cho người khác từ năm 2016 và 2018. Tuy nhiên hiện chưa làm các thủ tục sang tên theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNS, bị kê biên căn hộ chung cư 144m2 tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa (Hà Nội). Căn hộ này được vợ chồng ông Tinh tặng cho con gái và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 3-2019. Được triệu tập tới tòa, con gái bị cáo cho rằng: Việc chuyển nhượng này đúng quy định của pháp luật, trước thời điểm bị cáo bị khởi tố. Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng không phong tỏa kê biên với tài sản nói trên.
Nhận định về việc phong tỏa kê biên tài sản của các bị cáo, nhiều luật sư cho rằng: Việc cơ quan tố tụng áp dụng lệnh kê biên, phong tỏa tài sản đối với các bị cáo là biện pháp cưỡng chế để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại khi giải quyết vụ án, đồng thời cũng để xác định nguồn gốc tài sản này có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo trong vụ án hay không và ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản nếu có.