“Cải lão” Gang thép Thái Nguyên sau đại án: Bỏ qua nguyên tắc, làm sai quy định (Kỳ II)

Cập nhật: Thứ năm 06/05/2021 - 09:53
 Mỏ sắt Tiến Bộ là hợp phần của Dự án TISCO 2 được đưa vào khai thác từ năm 2014.
Mỏ sắt Tiến Bộ là hợp phần của Dự án TISCO 2 được đưa vào khai thác từ năm 2014.

Quy trình đầu tư TISCO 2 được thực hiện chặt chẽ, bao gồm nhiều khâu, nhiều bước. Ngay trong quá trình đầu tư, khi phát sinh những vấn đề lớn, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương, VNS và TISCO xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Chủ đầu tư cũng đã có văn bản xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Sự “can ngăn” của nhiều bộ, ngành bằng văn bản cho thấy những sai phạm tại TISCO 2 đã được chỉ ra, nhưng vì sao chủ đầu tư vẫn “bỏ ngoài tai”, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác?

Nhiều bộ, ngành đã cảnh báo

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, TISCO có vốn điều lệ 1.840 tỷ đồng; tổng số nhân viên của công ty mẹ là 3.812 người. Đáng chú ý, tổng số nợ phải trả là 7.452 tỷ đồng (cao hơn 4 lần vốn điều lệ). Cũng theo báo cáo nội bộ, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của TISCO trong năm 2020 chỉ đạt 18,2 tỷ đồng; quá khiêm tốn nếu so sánh với tổng mức tài sản Công ty đang sở hữu là 9.356 tỷ đồng.

Về vấn đề xin điều chỉnh tăng vốn tại TISCO 2, tại thời điểm triển khai Dự án, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản nêu: “Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo TISCO làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của các bên liên quan”. Bộ Kế hoạch - Đầu tư thì lưu ý, Dự án này không được điều chỉnh tổng mức đầu tư do sử dụng trên 30% vốn Nhà nước và không có cơ sở để điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với hợp đồng EPC số 01. Phía Bộ Xây dựng tuy thống nhất với kiến nghị của Bộ Công Thương, nhưng cho rằng: “Dự án đang triển khai bằng hợp đồng trọn gói, việc quản lý thực hiện phải theo nội dung hợp đồng đã ký kết và quy định của Nhà nước có liên quan”. Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét, thẩm định lại sự cần thiết, lý do điều chỉnh tổng mức đầu tư, xem xét khả năng thu xếp vốn tự có của chủ đầu tư, hiệu quả và khả năng trả nợ của Dự án. 

Hãng luật quốc tế được thuê để tư vấn Dự án này cũng khẳng định TISCO có cơ sở khá vững chắc trong vụ việc chống lại MCC. Quy định của hợp đồng có lợi nhưng không hiểu vì lý do gì TISCO không khởi kiện MCC để yêu cầu thực hiện theo hợp đồng ban đầu, ngược lại liên tục nhượng bộ, thanh toán phần lớn số tiền khi chưa có khối lượng thi công.

Nhưng rồi với chức trách, quyền hạn được giao, bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng Giám đốc TISCO; Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNS và các bị cáo khác đã không tiếp thu các ý kiến tham vấn; không xem xét, chỉ đạo dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy và tổ chức đấu thầu lại theo quy định để đảm bảo hiệu quả và tiến độ của Dự án; mà lại chỉ đạo thực hiện các hành vi phạm pháp luật về đầu tư để tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC số 01. Ngoài ra, các cựu lãnh đạo TISCO và VNS còn điều chỉnh dự toán chi phí phần xây lắp; tham gia ký hợp đồng thầu phụ thực hiện phần xây lắp đối với Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) theo đơn giá, TISCO trực tiếp nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu phụ và tự chịu mọi rủi ro.

Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai, nhiều hạng mục của Dự án TISCO 2 vẫn dang dở, máy móc thiết bị đã nhập về bị hỏng hóc, xuống cấp.

Tại tòa, các thành viên khác trong HĐQT của TISCO cũng thừa nhận có tham gia các cuộc họp, đồng thuận ký vào biên bản đề nghị điều chỉnh hợp đồng nhưng không tham gia đóng góp ý kiến. Điều này cho thấy ý thức trách nhiệm của một số thành viên HĐQT TISCO không cao hoặc biết có sai phạm nhưng ngại va chạm, sợ mất vị trí nên im lặng. Một cán bộ từng làm việc tại TISCO nay đã chuyển sang làm việc cho một số doanh nghiệp tư nhân cho biết thêm: Nếu các thành viên HĐQT làm đúng chức trách, quyền hạn theo quy định; đóng góp thẳng thắn tại các cuộc họp thì có thể ngăn không đưa ra quyết định sai lầm như vậy.

Thiếu bản lĩnh, năng lực thực thi nhiệm vụ

T.S Phạm Văn Hạnh, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế Thái Nguyên): Với TISCO hay bất cứ doanh nghiệp cổ phần nào, cần thay đổi tư duy về thương hiệu. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt nếu không có sự thay đổi, thích ứng phù hợp thì một thương hiệu dù lớn, lâu năm cũng hoàn toàn có thể biến mất.

Luật sư Nguyễn Mạnh Hùng, Văn phòng Luật sư Thái Dương, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp: Để xảy ra đại án này, đội ngũ cán bộ quản lý của TISCO đã bộc lộ sự thiếu hiểu biết trong các vấn đề pháp lý, đặc biệt là khi làm ăn với các nhà đầu tư nước ngoài làm sao để tỉnh táo, chặt chẽ và không thiệt hại tài sản Nhà nước. Để khắc phục nhược điểm này, TISCO cần có cố vấn pháp lý hoặc hội đồng tư vấn pháp lý của Công ty. Hội đồng tư vấn này hoạt động độc lập, chuyên phụ trách các vấn đề liên quan đến pháp lý như: môi trường, an toàn lao động, nhà đầu tư nước ngoài… và báo cáo trực tiếp với Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo Công ty.

Trong suốt phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án thất thoát tài sản tại TISCO 2, các bị cáo đều biện dẫn là có động cơ trong sáng, tất cả vì mục đích là khắc phục khó khăn, đưa Dự án vào hoạt động sớm nhất. Thực tế, đó chỉ là biện minh cho những sai phạm đã xảy ra; yếu kém về bản lĩnh, đạo đức và chấp hành quy định pháp luật.

Xét về đạo đức, phần nào thể hiện qua việc chối bỏ trách nhiệm của các bị cáo với sai phạm. Khi nhà thầu MCC sai phạm hợp đồng, bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng Giám đốc TISCO cho rằng: Từng có văn bản xin ý kiến việc dừng Dự án nhưng không nhận được bất kỳ văn bản phúc đáp nào từ Bộ Công Thương và VNS. Tất cả mọi chủ trương bị cáo đều xin ý kiến của các cấp lãnh đạo và thực hiện theo chỉ đạo từ cấp trên. Bị cáo Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TISCO thì nhiều lần khẳng định: Thời điểm tôi được bổ nhiệm, Dự án đã triển khai được 24 tháng. Chủ trương về việc tách phần xây lắp giao cho VINAINCON và tăng vốn đã được thông qua. Trong khi đó, bị cáo Mai Văn Tinh, nguyên Tổng Giám đốc VNS lại phủ nhận trách nhiệm: Mọi việc liên quan đến Dự án này, VNS không được tự quyết mà phải xin phép Bộ Công Thương. Còn trách nhiệm trực tiếp quản lý Dự án thuộc về TISCO. Trong khi đó, trách nhiệm, quyền hạn của chủ đầu tư, các vấn đề về triển khai Dự án đầu tư đã được pháp luật quy định rõ.

Việc thiếu bản lĩnh của cựu lãnh đạo TISCO thể hiện qua việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực thực hiện phần C (xây lắp). Bị cáo Trần Trọng Mừng khai: TISCO là đơn vị đề nghị VINAINCON là nhà thầu phụ trên cơ sở căn cứ VINAINCON có đơn xin làm hợp đồng, có giới thiệu của Bộ Công Thương. TISCO cũng dựa trên kinh nghiệm thực hiện công trình của VINAINCON trong giai đoạn 1 của Dự án nên không thẩm định kỹ năng lực của nhà thầu. Phản hồi về điều này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng: “Đó chỉ là văn bản giới thiệu, còn quyết định hay không là ở TISCO, VNS”. Ai cũng hiểu, việc giới thiệu nhà thầu của bộ chủ quản là một cân nhắc quan trọng, nhưng với một Dự án quan trọng thì nhất thiết phải có sự thẩm định kỹ càng và cuối cùng thì quyền quyết định thuộc về chủ đầu tư Dự án.

Trong Dự án này, có một điểm đáng lưu ý là Ban Quản lý Dự án đã tiếp nhận rất nhiều máy móc, thiết bị do MCC cung cấp nhưng sai khác về mã hiệu, thông số kỹ thuật, quy cách chủng loại, xuất xứ…, dẫn đến không sử dụng được. Ấy vậy mà chủ đầu tư vẫn thanh toán cho nhà thầu tới hơn 90% hạng mục hợp đồng. Ông Ngô Sỹ Hưởng, nguyên Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XI cho rằng: Điều này xuất phát từ năng lực và đạo đức trong thực thi nhiệm vụ; công tác kiểm tra, giám sát khi triển khai thực hiện hạn chế.

(Còn nữa)

Nhóm P.V Nội chính
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: