“Cải lão” Gang thép Thái Nguyên sau đại án: Cơ chế quản lý đã đến lúc phải thay đổi (Kỳ IV)
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang nỗ lực ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động. |
Doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối được quản lý qua rất nhiều tầng nấc; phân định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Nhưng, qua vụ đại án TISCO 2 và một số vụ đại án khác vừa xét xử thời gian qua cho thấy sự “lòng vòng” trong chỉ đạo, điều hành; trách nhiệm của tập thể, trách nhiệm của cá nhân chưa thực sự rõ ràng…
Người lao động chưa thực sự làm chủ
Cán bộ, đảng viên, người lao động tại TISCO cơ bản có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn cao, nhưng tinh thần phát huy quyền làm chủ, đấu tranh để bảo vệ tài sản của Nhà nước, đưa doanh nghiệp đi lên để duy trì việc làm còn mức độ. Nội dung sinh hoạt đảng, đoàn thể, tiếp xúc cử tri đều được tổ chức thường xuyên nhưng trong thực tế ít cán bộ, đảng viên, quần chúng của TISCO phát biểu ý kiến phản biện. Nhất là tại các cuộc sinh hoạt đảng thường kỳ, các kỳ đại hội đảng, ý kiến chỉ chung chung, nghiêng về mầu hồng hoặc kiến nghị những nội dung đời thường mà ít ý kiến về vận mệnh của doanh nghiệp, phản ánh những vấn đề, vụ việc có dấu hiệu sai phạm, lệch lạc đến cơ quan có thẩm quyền nhằm kịp thời uốn nắn, kê chỉnh, xử lý.
Chủ nghĩa “im lặng”, tức là chỉ cần làm tốt phần việc của mình để nhận lương hằng tháng trong một bộ phận cán bộ, công nhân ở TISCO đã làm mai một bản lĩnh, ý chí đấu tranh của giai cấp công nhân. T.S Lê Kiên Thành (con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) trong một lần trả lời báo chí cho rằng: Khi chế độ người lao động vẫn được đảm bảo, việc làm, thu nhập ổn định, được doanh nghiệp cấp nhà ở và các điều kiện phúc lợi khác thì không bao giờ họ đứng lên đấu tranh. Về nội dung này, TISCO đã thực hiện rất tốt trong thời kỳ bao cấp và những năm gần đây. Dù rất khó khăn nhưng các chế độ phúc lợi của người lao động vẫn được TISCO đáp ứng, gia tăng. Tuy nhiên, về lâu dài nếu sản xuất, kinh doanh, đầu tư không hiệu quả thì ắt đời sống của cán bộ, công nhân TISCO cũng khó đảm bảo...
Không phát huy hết quyền làm chủ, thiếu dũng khí đấu tranh bảo vệ cái đúng của cán bộ, đảng viên, người lao động tại TISCO cũng là một trong những nguyên nhân đưa doanh nghiệp đến thực tế hôm nay. Và về lâu dài, đời sống không được cải thiện thì tinh thần, thái độ của cán bộ, công nhân TISCO sẽ không như những năm qua.
Hạt nhân lãnh đạo phải phân định rõ
Cán bộ, đảng viên, nhân dân trong cả nước theo dõi phiên tòa xét xử đại án TISCO 2 thời gian qua đều có chung sự bức xúc và thất vọng về chính những lời khai của các bị cáo. Các bị cáo nguyên là lãnh đạo chủ chốt của TISCO khi hầu tòa đều cho rằng được giao làm chủ đầu tư TISCO 2 nhưng không quyết định được những vấn đề hệ trọng. Tất cả quyết sách mang tính chiến lược tại TISCO 2 đều do VNS và Bộ Công Thương quyết định, kể cả việc giới thiệu nhà thầu phụ… trong khi đó, các bị cáo nguyên là lãnh đạo VNS, đại diện Bộ Công Thương khi được triệu tập đến Tòa lại nói TISCO có đủ thẩm quyền quyết định mọi hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư theo phân cấp. Việc lãnh đạo Bộ Công Thương giới thiệu nhà thầu phụ để tham gia thi công, TISCO thấy phù hợp thì chấp thuận, không phù hợp thì từ chối, Bộ Công Thương không “ép”. Lý của "thượng cấp" là vậy nhưng theo một cán bộ đã từng công tác tại TISCO, khi lãnh đạo cấp trên giới thiệu bằng văn bản, có bút tích hoặc “khẩu lệnh” để tạo điều kiện cho đối tác nào đó tham gia vào chuỗi quy trình sản xuất, kinh doanh, đầu tư thì cấp dưới không dám thoái thác vì còn phụ thuộc vào cơ chế “xin - cho”, bổ nhiệm, điều động…
Mối quan hệ giữa TISCO với các đơn vị thành viên trực thuộc (trừ công ty con, đơn vị liên kết đầu tư) từ trước đến nay vẫn hoạt động theo hình thức báo sổ, phụ thuộc hoàn toàn nên cản trở sự phát triển, lệ thuộc, chờ đợi… Điều này trong doanh nghiệp vốn Nhà nước chi phối là yêu cầu bắt buộc nhưng không phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường, nhất là thời điểm thị trường thép trong, ngoài nước biến đổi nhanh như những năm qua. Như vậy, có thể thấy mô hình công ty mẹ, công ty con tại VNS (mô hình tổng công ty, tập đoàn kinh doanh theo Quyết định số 90/TTg và Quyết định số 91/TTg từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước) và hình thức hạch toán báo sổ giữa TISCO và các đơn vị thành viên trực thuộc đã đến lúc phải thay đổi toàn diện để phù hợp với xu thế phát triển.
Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ 3, Đảng bộ Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: T.L
Đặc biệt, Đảng bộ TISCO có quy mô lớn với 27 tổ chức cơ sở đảng, 1.762 đảng viên, sinh hoạt tại 75 chi, đảng bộ dưới cơ sở. Tổ chức đảng của TISCO được bố trí từ cấp cơ sở đến cấp Công ty và theo đó là các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, như: Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh... Nhưng, tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội tại TISCO trong những năm qua mới chỉ thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng phát triển đảng và một số mặt của đảng vụ, đoàn vụ còn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư còn bất cập, nhất là tại TISCO 2.
Theo các văn bản quan trọng của Đảng, gồm: Quy định số 140-QĐ/TW; Quy định số 197-QĐ/TW và mới nhất là Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 13/2/2017 của Ban Bí thư Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối thì Đảng ủy TISCO có vai trò vô cùng quan trọng, lãnh đạo trực tiếp mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp. Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc TISCO phải báo cáo và đề xuất Đảng ủy ra nghị quyết hoặc kết luận lãnh đạo thực hiện kế hoạch hàng năm, kế hoạch trung hạn, dài hạn; các chủ trương đầu tư, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước trong doanh nghiệp; chủ trương phát triển sản xuất kinh doanh quan trọng. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất khi có yêu cầu của Đảng ủy, đại diện Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc của TISCO phải báo cáo về tình hình thực hiện và những chủ trương, phương hướng nhiệm vụ tiếp theo của doanh nghiệp. Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất khi có yêu cầu, Ban Thường vụ Đảng ủy của TISCO làm việc với lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động của từng tổ chức và có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
Ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái - Thái Nguyên:
Từ ví dụ cụ thể xảy ra ở TISCO, nhìn rộng ra ở nhiều doanh nghiệp cổ phần nhưng vốn Nhà nước chi phối có thể thấy một thực tế là vai trò của tổ chức Đảng còn mờ nhạt; thiếu các thiết chế có tính chất ràng buộc giữa trách nhiệm của Đảng và chính quyền. Do vậy, nhất thiết phải có sự xem xét, đánh giá và giải pháp cho vấn đề xây dựng Đảng trong doanh nghiệp; coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
|
Như vậy, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng tại TISCO 2 là do Đảng ủy TISCO vẫn chưa làm hết trách nhiệm, tròn vai, mối quan hệ giữa Ban Thường vụ Đảng ủy và Hội đồng Quản trị trong công tác xây dựng tổ chức bộ máy, lãnh đạo, chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Cao hơn là sự kiểm tra, giám sát của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương, Đảng ủy VNS và cấp ủy liên quan tại doanh nghiệp này cũng chưa đầy đủ, hiệu quả theo quy định, yêu cầu của Đảng.
Lời kết
Buộc phải đưa ra xét xử các đại án, trong đó có TISCO 2 là nỗi đau, sự mất mát rất lớn về chính trị, kinh tế đối với đất nước. Nhiều nghìn tỷ đồng công sức của bao thế hệ nguy cơ bị thất thoát. Nhiều cán bộ đã được Đảng, Nhà nước bồi dưỡng, giáo dục để có trình độ cao phải vào lao tù. Những bị cáo trong đại án TISCO 2 và các đại án khác bị đưa ra xét xử vừa qua cũng là cái cớ để những thế lực thù địch tuyên truyền, bôi nhọ với mục đích phủ nhận thành tựu cách mạng, những giá trị to lớn của thể chế, ít nhiều gây sự hoài nghi trong xã hội, nhân dân, bạn bè quốc tế.
Song, việc xét xử công khai các vụ đại án, như: PMU 18, VINALINE, VINASIN, VINACHEM… hay TISCO 2 đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nhanh chóng đưa các vụ đại án ra xét xử cũng là những đợt “đại phẫu để cắt bỏ những mầm bệnh” âm ủ tại một số doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư kém hiệu quả. Và chắc chắn rằng qua xét xử các vụ đại án, những vấn đề còn bất cập về cơ chế chính sách trong quản lý, điều hành doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối sẽ được Trung ương xem xét điều chỉnh trong nhiệm kỳ này.
Trước đó, ngày 3/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã có Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; ngày 5/1/2019, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 01/ CT-TTg về việc tiếp tục cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước với mục tiêu đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đối với những đơn vị, doanh nghiệp, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác đủ khả năng đảm đương nhưng vẫn đem lại lợi ích cho quốc gia, người dân...