“Cải lão” Gang thép Thái Nguyên sau đại án: Mất dần lợi thế vì sự chồng chéo (Kỳ III)

Cập nhật: Thứ sáu 07/05/2021 - 11:04
 Trái với TISCO 2, các dự án khác của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Trái với TISCO 2, các dự án khác của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Khối tài sản, nguồn nhân lực, thương hiệu của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) luôn là sự “thèm khát”, muốn sở hữu của nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh thép trong và ngoài nước. Ấy vậy mà trong tay TISCO, nhiều năm qua, khối tài sản khổng lồ này chưa thực sự phát huy hiệu quả và đem lại nhiều lợi nhuận cao…

Khốc liệt của cơ chế thị trường

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Một trong số những vấn đề cần được quan tâm trong quá trình thoái vốn tại công ty cổ phần có phần vốn Nhà nước chi phối là số lao động dôi dư họ sẽ về đâu. Để tháo gỡ những vướng mắc này, Nhà nước nên sớm có chính sách để xử lý lao động dôi dư, có nguồn tài chính để thực hiện chính sách này như tạo lập Quỹ hỗ trợ cho người lao động vay kinh doanh nhỏ, phát triển các chương trình tạo công ăn việc làm cho người lao động, xuất khẩu lao động.

Năng lực quản lý, điều hành và bản lĩnh thực thi nhiệm vụ chưa tốt của nhiều cựu lãnh đạo TISCO trong thời gian dài triển khai TISCO 2 khiến doanh nghiệp này gặp muôn vàn khó khăn. Từ khi vận hành theo cơ chế thị trường, TISCO đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Lẽ ra lợi thế có mỏ nguyên, nhiên liệu, như: Mỏ than Phấn Mễ, Mỏ sắt Trại Cau, Mỏ sắt Tiến Bộ, các nhà máy luyện, cán thép, hệ thống cửa hàng phân phối từ Bắc tới Nam… thì TISCO phải chiếm ưu thế vượt trội so với các đối thủ.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở các bài trước, số lao động của TISCO quá đông, tổ chức bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động lại chưa cao nên đã kìm giữ “cỗ máy” này dịch chuyển quá chậm chạp. Để ra được chủ trương kinh doanh ngắn hay dài hạn, TISCO phải họp hành nhiều lần, văn bản qua lại mất nhiều thời gian; một số văn bản TISCO gửi VNS xin ý kiến còn không nhận được phản hồi. Ở các chi nhánh của TISCO tại các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh… Những năm bao cấp thép xây dựng khan hiếm, không có đối thủ cạnh tranh, khách hàng đến tận chi nhánh đặt hàng thì còn tồn tại nhưng khi thị trường có thêm nhiều đối thủ kinh doanh, mặt hàng thép cũng đa dạng về chủng loại, giá thành thì việc tiêu thụ của các chi nhánh thuộc TISCO bị thu hẹp dần, một số đơn vị không hiệu quả như mong muốn buộc phải ngừng hoạt động.

Bộ máy vận hành của TISCO lớn, dây chuyền lạc hậu, quy trình sản xuất nhiều công đoạn thiếu tính liên hoàn nhiều chi phí phát sinh dẫn đến giá thép xây dựng của TISCO chỉ bằng hoặc cao hơn sản phẩm cùng loại từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/tấn. Mặc dù vậy, thép của TISCO vẫn được ưa chuộng do thị hiếu, thương hiệu 60 năm qua.

Cắt giảm từng phần

Thực trạng đơn vị mạnh đỡ đơn vị yếu tại TISCO nhìn bề ngoài là khối đoàn kết, “Chị ngã, em nâng” nhưng thực chất trong kinh tế thị trường lại bộc lộ không ít bất cập. Ví dụ tại Mỏ sắt Tiến Bộ hoạt động hiệu quả nhưng mức thu nhập của người lao động ở mức mặt bằng chung của TISCO nên khó khuyến khích, thúc đẩy sản xuất. Ngược lại, ở một số đơn vị thiếu việc làm như ở Mỏ sắt Trại Cau hoặc hiệu quả sản xuất không cao như Mỏ than Phấn Mễ, thì TISCO vẫn phải điều tiết thu nhập. Từ đó cũng nảy sinh tư tưởng ỷ lại, bám kéo vào “bầu sữa” chung giữa các đơn vị trực thuộc TISCO. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Công ty Thép Hòa Phát có tính tự động hóa cao hơn, chỉ sử dụng khoảng 300 lao động đã vận hành được cả hệ thống. TISCO là tổ hợp liên hoàn từ khâu cung cấp nguyên, nhiên liệu đến sản xuất các sản phẩm thép xây dựng nên cần nhiều lao động, nhưng con số 3.812 người vẫn là quá lớn. Ít lao động mà vẫn vận hành được toàn bộ công đoạn sản xuất thì thu nhập của người lao động ở TISCO mới có cơ hội gia tăng, kết dư lợi nhuận để đầu tư.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả không cao nên ngay những cổ đông lớn của TISCO có năm cũng ngậm ngùi vì chưa được chia cổ tức, áp lực cổ phiếu của TISCO lại khó tăng giá sau xét xử đại án…

Đến thời điểm quý I-2021, bộ máy của TISCO vẫn còn quá lớn với nhiều đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: 3 nhà máy, 3 xí nghiệp, 5 mỏ nguyên, nhiên liệu, 1 chi nhánh, 1 trung tâm dịch vụ tổng hợp. Cùng với đó là TISCO có 2 công ty con là Công ty CP Khai thác và Chế biến khoáng sản Thái Trung (nắm giữ 51% cổ phần); Công ty CP Cán thép Thái Trung (nắm giữ 93,68% cổ phần) và 7 công ty liên kết với mức nắm giữ cổ phần của TISCO từ 6,8% đến 39,6%.

Đảng ủy, HĐQT TISCO đã nhận diện rõ về bộ máy quá cồng kềnh nhưng do nhiều áp lực, trong đó có việc giải quyết chế độ cho lao động nên sắp xếp, tổ chức bộ máy và tinh giảm lao động không dám làm mạnh. Việc thoái hết 39,6% cổ phần tại Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng (đơn vị liên kết) nhiều năm nay chưa xử lý xong. Việc hợp nhất Công ty CP Cán thép Thái Trung lẽ ra TISCO phải “mạnh tay” vì chiếm tới 93,68% cổ phần nhưng do một số cổ đông nhỏ lẻ chưa đồng thuận nên kết thúc năm 2020 vẫn chưa hoàn thành thương thảo.

Mỏ sắt Trại Cau như “con bò sữa” cạn nguồn vì những điểm giàu quặng, thuận khai thác đã hết, phải thực hiện khai thác ở tầng sâu dẫn đến sụt lún, mất nước nên chi phí khai thác và khắc phục những sự cố này quá lớn.

Mỏ than Phấn Mễ (trực thuộc TISCO) còn nhiều công đoạn sản xuất thủ công.

Tại Mỏ than Phấn Mễ cũng tương tự, để cấp đủ sản lượng than theo kế hoạch sản xuất, TISCO cũng giao khoán cả cho đối tác bên ngoài vào làm hầm lò, tận thu những vỉa than còn lại vì khai thác moong tầm sâu chi phí quá lớn, áp lực mở rộng bãi đổ thải. Đơn vị trực thuộc nào yếu kém đều cắt giảm, tiến tới thuê khoán là hướng đi tất yếu của TISCO, nhưng lại vấp phải sự phản đối của người lao động. “Ôm” nhau cùng sống thì “đói” mà thực hiện chính sách hỗ trợ cho lao động nghỉ chế độ trước tuổi thì TISCO lại không có quỹ vì kết dư từ hoạt động kinh doanh hàng năm không nhiều nên mớ rối rắm này gỡ được không dễ…

Những bất cập nảy sinh

Các chuyên gia kinh tế đều nhận định mô hình doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước chi phối như TISCO đã và đang nảy sinh những bất cập. Trong đó, vấn đề cốt lõi là mâu thuẫn giữa quyền lợi chủ sở hữu vốn là Nhà nước và người điều hành là tổng giám đốc. Doanh nghiệp cổ phần có phần vốn Nhà nước chi phối hoạt động theo cơ chế “nửa bao cấp”; sẽ khó tránh khỏi tư duy kiểu cũ. Ngược lại, doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo nguyên tắc cạnh tranh, do tư nhân là chủ sở hữu và điều hành (hoặc thuê người điều hành) nên sẽ tìm mọi cách sử dụng nguồn nhân lực hết sức tối ưu và tổ chức phù hợp nhất. Từ nhận định này cho thấy, quyền sở hữu vốn và quyền quản lý doanh nghiệp tại TISCO phải tách bạch, rõ ràng.

So sánh để thấy, Thép Hòa Phát đi sau, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm khi bắt đầu xây dựng nhà máy thép đầu tiên nhưng nhanh chóng vươn lên, đứng đầu thị phần thép trong nước và đạt doanh thu lớn qua các năm. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát thông tin: Từ cuối năm 2020 và đầu 2021, đơn vị này chớp thời cơ giá thép tăng, khan hiếm nguồn hàng nên đã tận dụng nguồn quặng sắt tích trữ từ nhiều năm trước để không ngừng nâng công suất, mở rộng thị trường thép trong nước và xuất khẩu thép xây dựng sang thị trường Trung Quốc, một số quốc gia khác. Trong khi TISCO vẫn chịu ảnh hưởng sau đại án, không mạnh dạn đề xuất hướng xử lý. Tương tự, VNS, Bộ Công Thương cũng cẩn trọng hơn khi chỉ đạo, điều hành nên thời kỳ “vàng” trong kinh doanh sắt thép là giá cao, hàng khan hiếm đang từng ngày qua đi.

(Còn nữa)

Nhóm PV Nội chính
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: