“Cơn sốt” lan đột biến: Cẩn thận tiền mất tật mang

Cập nhật: Thứ sáu 09/04/2021 - 09:17
 Tiến sĩ Vũ Văn Thông (bên trái), Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên kiểm tra việc bảo tồn các loại lan rừng trên địa bàn tỉnh
Tiến sĩ Vũ Văn Thông (bên trái), Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên kiểm tra việc bảo tồn các loại lan rừng trên địa bàn tỉnh

Người xưa có câu “Vua chơi lan, quan chơi trà”, nhưng câu nói đó có vẻ như không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Phong trào chơi lan, nhất là lan đột biến đã và đang nở rộ, tạo thành một cơn sốt trong cộng đồng. Việc đầu tư lan đột biến theo cơn sốt trên mạng xã hội có thể khiến nhà đầu tư đối diện với rủi ro cao…

Nở rộ kinh doanh lan đột biến

Lấy một dẫn chứng cụ thể, là chỉ riêng nhóm “Hội hoa lan Thái Nguyên” đã có tới gần 15 nghìn thành viên và liên tục tăng số lượng; mỗi ngày có hàng trăm lượt bài đăng và tương tác. Anh Trần Trung Ngọc, thành viên quản trị của nhóm thừa nhận: Bên cạnh những người yêu và chơi lan thực sự, không loại trừ trường hợp tham gia theo phong trào, mục đích đầu tư làm kinh tế.

"Người chơi lan thì quý lan như vàng, còn không biết chơi thì không khác gì cọng rau muống”. Tuy nhiên, giá những "cọng rau muống" ấy giao dịch trên thị trường được nhiều người biết đến là lan và cũng không khỏi giật mình. Ng. - một người đam mê lan kể: Tháng 10 năm ngoái, nhóm mấy người bạn chúng tôi chung nhau mua một cây lan kiếm Phan Trí giá 50 triệu đồng. Sau hơn nửa năm chăm sóc, hiện có khách đã trả hơn 1 tỷ đồng mà vẫn chưa có ý định bán.

Trả lời thắc mắc của chúng tôi về việc có ý kiến trái chiều xung quanh các giao dịch mua bán lan đột biến với giá cao ngất ngưởng, giá trị thật hay chỉ là chiêu trò thổi giá “câu khách”? Anh Đỗ Quốc Nguyên một người chơi lan lâu năm, hiện sở hữu hàng nghìn giò lan cấy mô và cả đột biến giải thích: Xuất phát từ đam mê, nhiều người chấp nhận mua giá cao để sở hữu những giò lan quý, hiếm. Khi nhiều người chơi lan mức độ khan hiếm càng lớn thì giá càng đẩy lên cao. Một lý do khác là người đầu tư thấy có khả năng lợi nhuận thì sẵn sàng bỏ bạc tỷ mua, bán. Việc chuyển nhượng qua nhiều mối khiến giá tăng lên.

Keiki lan đột biến Bạch Tuyết này được chủ vườn lan đặt giá trên 600 triệu đồng.

Thời gian qua đã xuất hiện nhiều những giao dịch “khủng” được dân chơi lan chia sẻ trên mạng xã hội như: Giao dịch mua - bán Hoa lan Giã Hạc 5 cánh trắng giá gần 7 tỷ đồng ở Đà Nẵng; mới đây nhất là vụ giao dịch lan Ngọc Sơn Cước có trị giá lên tới 250 tỷ đồng ở Quảng Ninh. Ở Thái Nguyên, người trong nghề chia sẻ có những giao dịch lan từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ; cao nhất một giò lan đột biến có giá gần 30 tỷ đồng.

Việc ngụy tạo các giao dịch để “gửi giá”, “thổi giá” và đẩy giá một mặt hàng nào đó lên cao không phải là chiêu trò mới trong kinh doanh. Sự phát triển của mạng xã hội và thiếu hụt cơ chế quản lý thông tin hiệu quả là môi trường tốt để kẻ trục lợi bày ra và phát tán các chiêu trò “đánh trận giả” về giao dịch, tạo thông điệp giả về cơ hội đổi đời từ kinh doanh lan đột biến; từ đó tạo ra tạo lượng cầu ảo và gây ra “cơn sốt” ảo trên thị trường.

Rủi ro khi đầu tư

Thực hư về giá trị và “cơn sốt” thị trường lan đột biến sẽ kéo dài trong bao lâu thì chưa rõ, song thấy lợi nhuận cao nên không ít người dân trong tỉnh dù chưa hiểu biết về lan đột biến đã nhập cuộc đầu tư với số tiền không nhỏ. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hình thức đầu tư khá phổ biến hiện nay là góp vốn, cổ phần cùng mua. Ban đầu có thể mua một vài cm hoặc đặt keiki lan lúa non đem về chăm sóc, ấm chậu rồi bán. Có một sự thật oái oăm là nhiều người chơi lan chưa bao giờ tận mắt thấy mặt hoa và cũng không muốn cho nở. Nếu hoa nở người chơi lan “khóc ròng”, bởi nhánh lan đó vô giá trị vì không còn khả năng tạo keiki để bán. Một lý do khác là nở hoa có thể xảy ra trường hợp sai màu (không đúng là lan đột biến) khiến mất giá trị.

Phong trào chơi lan nở rộ khiến nhiều người cũng bị xoáy vào vì lợi nhuận, dù không hề đam mê hay có kiến thức căn bản. Anh K., hộ khẩu ở huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), đang làm tiếp thị ở T.P Thái Nguyên là một ví dụ. Nhận thấy trên mạng xã hội có nhiều người bán lan đột biến, K. cũng đặt mua rồi đăng bài, quay livestream giới thiệu bán lại kiếm lời. Sau một số lần chuyển nhượng qua lại, K. có được khoản lợi nhận nhất định. Cuối năm 2020, K. nhận đặt cọc của khách số tiền 50 triệu đồng để mua một giò lan; số tiền này được chuyển tiếp cho bên cung cấp lan lấy hàng. Tuy nhiên, khi chuyển khoản thành công thì bên cung cấp ngắt liên lạc, bản thân K. không có cách nào tìm gặp để đòi lại tiền cọc bởi tất cả mọi giao dịch đều qua điện thoại hoặc facebook.

Mới đây, Công an T.P Thái Nguyên đã lập chuyên án 0221L điều tra, làm rõ Võ Tiến Dũng, sinh năm 1996, trú tại xóm Gò Móc, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Bản thân Dũng không có nghề nghiệp, có tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” năm 2014, bị xử phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo; đối tượng lâm nợ nần, thua lỗ do kinh doanh “phong lan đột biến” nên nảy sinh ý định lừa đảo.

Cảnh báo người mua

Mặc dù chưa có số liệu thống kê, song qua tìm hiểu của chúng tôi thì rất nhiều người dân, thậm chí là cán bộ, công chức đã bỏ ra không ít tiền, thậm chí là vay mượn để mua lan đột biến với hy vọng trồng chăm sóc, nhân keiki để bán. Việc quản lý buôn bán lan đột biến không dễ, hiện trên địa bàn tỉnh chưa thu được tiền thuế từ giao dịch lan trên thị trường.

Về vấn đề này, T.S Vũ Văn Thông, giảng viên chính Khoa Lâm nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), chủ nhiệm Dự án “Thu thập, lưu giữ, định danh một số loại lan rừng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen; xây dựng bảo tàng về các loại lan rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” cho rằng: Hiện tượng “sốt ảo”, “giá ảo” gắn với các mặt hàng nông nghiệp đã xuất hiện ở nhiều thời điểm khác nhau. Hiện nay, lan đột biến nhân tạo bán tại biên giới Việt -Trung khoảng 30.000đồng/cây, khi vào nội địa giá dao động từ 70.000-80.000 đồng/cây. Đương nhiên, mặt hoa không thể bằng lan đột biến tự nhiên, song giá lan đột biến lên đến hàng chục tỷ, trăm tỷ là phi thực tế. Có thể những người tham gia buôn, bán lan giai đoạn đầu và giữa có lợi nhuận, nhưng ở mắt xích cuối khi người dân tham gia nhiều vào thị trường này mà không bán được cho ai có thể rơi vào cảnh nợ nần, mất nhà cửa.

Còn theo PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ Nông nghiệp và PTNT), một trong những chuyên gia hàng đầu về hoa, cây cảnh ở Việt Nam cho biết: Công nghệ nhân giống lan đột biến không phải là quá khó, đặc biệt khi đưa vào nuôi cấy mô tế bào, chỉ trong vài tháng, các cơ sở nuôi cấy mô có thể đưa ra thị trường được hàng vạn, thậm chí hàng triệu cây lan đột biến giống y chang kiểu dáng mỹ miều của các dòng bố/mẹ.

Nhóm PV Xây dựng Đảng - Nội chính
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: