Bát bảo lương trà "tham gia" chống dịch
Lương y Vi Thị Hải Yến giảng giải về Bát bảo lương trà. |
“Ai… bát bảo lường xà… Ai… bát bảo lường xà…”, tiếng rao lơ lớ loang trên phố. Ngày nào cũng thế, đêm nào cũng thế, người đàn ông luống tuổi cần mẫn gánh nồi trà nóng vừa đi vừa cất tiếng rao. Có người gọi mua, ông hạ gánh, mở cái nồi nhôm ủ bọc kỹ càng bốc hơi nghi ngút, múc ra một bát nước đen sánh. Ngồi xổm cạnh gánh hàng thơm mùi thảo dược, người mua ôm gọn cái bát cho ấm tay, vừa thổi vừa uống, xuýt xoa khoan khoái. Cảnh tượng đó còn lưu trong trí nhớ tôi dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua và tôi chưa một lần được uống thứ nước bổ dưỡng đó. Vậy mà nay tôi được tiếp cận thứ nước này trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Mấy hôm nay nhà cụ lương y Vi Thị Hải Yến (số 4, ngõ 43, đường Chu Văn An, T.P Thái Nguyên) tíu tít hơn thường ngày. Người đi hái lá tre, người khuân nước lọc, người bắc bếp canh nồi, người đóng chai dán nhãn… công việc bận bịu đến tận khuya. Sáng sớm, anh Hoàng Anh Trung (con trai cụ Yến), đánh xe chở đến 4 điểm chốt kiểm dịch COVID-19 khu vực thành phố, tặng mỗi điểm 1 thùng nước uống đặc biệt: Bát bảo lương trà.
Cụ Yến giảng giải: Bát bảo lương trà là bài thuốc dân gian có từ hàng trăm năm trước. Bát bảo là 8 loại dược liệu quý, gồm: Thục địa, cam thảo bắc, ý dĩ, lá tre, rễ cỏ tranh, hoa/lá kim ngân, rễ ngưu tất và mía. 8 vị thuốc trên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, dưỡng huyết, bổ thận, tốt cho người suy nhược cơ thể, lao động ngoài trời, mất nước, thận kém... Vì tác dụng với cơ thể như vậy nên gọi là lương trà. Nhưng lâu nay chắc nghe không rõ nên tên trà bị “biến” thành Bát bảo lường trà hoặc Bát bảo lường xà. Trong hoàn cảnh dịch COVID-19 hoành hành, gia đình tôi tặng thứ nước bổ dưỡng này để những người đang ngày đêm chống dịch uống cho thêm sức khỏe làm việc.
Anh Hoàng Anh Trung, con cụ Yến cho biết thêm: Thời tiết nắng nóng quá, những người làm việc ở các chốt kiểm dịch rất mệt và khát. Trong bữa cơm chiều, con gái tôi là Hoàng Kiều Trinh nêu ý kiến: Nhà mình làm gì đi để “chia lửa” với các “chiến sĩ” chống dịch đi ạ? Bà tôi nghĩ một lúc rồi bảo: Hay nhà ta nấu Bát bảo lương trà bồi dưỡng cho họ? Nghe mẹ tôi giải thích về công dụng của Bát bảo lương trà, cả nhà đồng ý. Ngay tối hôm đó (28-5) vợ chồng, con cái bắt tay vào chuẩn bị. Các vị dược liệu khô nhà có sẵn, riêng lá tre phải dùng ngay khi hái về, để lâu sẽ “ôi” trà. Bà tôi bốc thuốc làm thử, nấu một nồi nhỏ cho mọi người uống, góp ý. Vài lần gia giảm, khi “vừa miệng” các “giám khảo” trong nhà mới nấu mẻ lớn đóng chai mang đi.
Chỉ chiếc nồi nhôm to đậy lồng bàn đặt dưới quạt, cụ Yến nói với tôi: Cháu nó “giao nhiệm vụ” cho bà ngồi canh cái nồi này. Thì ra đây là một trong những công đoạn để có chai trà bát bảo. 4,5kg thảo dược cho vào nồi cùng hơn 100 lít nước lọc, ninh sôi trên bếp chừng 1 tiếng, để nguội bớt rồi lọc bã, đậy lồng bàn để dưới quạt cho nguội hẳn, lọc tiếp đến khi không còn chút lợn cợn nào mới đóng chai, dán nhãn, cho vào thùng chở đi.
- Chi phí cho mỗi mẻ Bát bảo lương trà này là bao nhiêu tiền ạ? Tôi hỏi cụ Yến.
- Cứ làm thôi cháu ạ, chưa tính toán gì cả, sức mình đến đâu thì làm đến đấy - Cụ Yến cười vô tư.
Cụ Vi Thị Hải Yến là chủ cơ sở Đông y Hoàng Vi bấy lâu được nhiều người biết đến. Năm nay 77 tuổi, cụ Yến đã có hơn 50 năm chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền. Người bị xương khớp, thần kinh, trẻ em cam sài… đặt niềm tin nơi cụ. Nói thêm về bài thuốc Bát bảo lương trà, cụ Yến bảo: Quan trọng là gia giảm các vị thuốc theo liều lượng phù hợp chứ không rập khuôn một công thức nào cả. Mùa Đông nấu khác, mùa hè nấu khác, sản phẩm làm sao vừa bổ, thơm, mát, dễ uống cho cả trẻ con và người lớn. Có điều loại trà này “khó tính”, chỉ dùng trong ngày, nếu để tủ lạnh thì được vài ngày, lại có vị lá tre dứt khoát phải nấu tươi, nên khó bào chế thành gói bán sẵn. Tôi rất muốn gửi thức uống này cho cháu tôi và các đồng nghiệp của nó đang làm việc ở tâm dịch Bắc Ninh, mà chưa nghĩ ra cách nào để bảo quản gửi đi.
Nhấp ngụm trà bát bảo thơm mát, thanh nhẹ, tôi cảm nhận trong đó bao nhiêu công sức và tình người. Để có 100 lít trà mỗi ngày, các thành viên gia đình cụ Yến tranh thủ giờ nghỉ trưa đi hái lá tre, thức đến nửa đêm để lọc nước, đóng chai, dậy từ 5 giờ sáng mang đến các điểm chốt rồi mới trở về đi làm. Anh Hoàng Anh Trung tâm sự: Trước mắt gia đình cứ làm trong khả năng, nhưng nếu lâu dài chắc cũng cần mọi người chung tay. Cháu Hoàng Kiều Trinh dùng tiền bán kem của mình góp cho chương trình. Cháu cũng đề xuất phương án bán loại trà bổ dưỡng này để ủng hộ cho chống dịch được dài hơi hơn.
Trong hoàn cảnh cả nước chung tay chống “giặc COVID-19” như hiện nay, cùng với gia đình cụ Yến, còn rất nhiều tấm lòng cao cả vì mọi người. Như lá đơn xung phong vào tâm dịch làm việc của bác sĩ 78 tuổi; là “chuyến xe không đồng” chở hàng miễn phí về vùng dịch; là các điểm bán nông sản giúp bà con vùng bị phong tỏa; là cân gạo, quả trứng, nắm đỗ vườn nhà mang cho công nhân nghèo...
Tùy khả năng và hoàn cảnh, mỗi người một chút gom góp, một chút đùm bọc mà tạo nên sức mạnh. Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ nông dân tỉnh Sóc Trăng tiêu thụ hành tím. Bạn Tú Quyên (Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên) kêu gọi các nhà hảo tâm góp được gần 24 triệu đồng mua giường nằm cho người ở khu cách ly của huyện Việt Yên (Bắc Giang); bạn Nguyễn Liên (phóng viên Báo Công lý) cùng những người bạn ở Thái Nguyên chỉ trong vài ngày đã tiêu thụ được 10 tấn dưa giúp nông dân Bắc Giang. Trên địa bàn thành phố xuất hiện hàng chục điểm bán nông sản. Người mua không hẳn vì cần mà chủ yếu để sẻ chia. Màu áo thanh niên tình nguyện, màu áo vàng của lực lượng công an, màu áo xanh bộ đội thấp thoáng trên những cánh đồng đang bị phong tỏa, giúp nông dân thu hoạch dưa, thu hoạch vải thiều chín rộ… là những hình ảnh thể hiện sức mạnh đoàn kết. Cũng từ hoàn cảnh cụ thể mà nhiều sáng kiến nảy sinh.
Trước cảnh các nhân viên y tế chịu khát 6-7 tiếng vì không thể bỏ khẩu trang để uống nước, người ta nghĩ ra cách dùng đai đeo 2 chai nước cắm sẵn 2 dây dẫn vòng qua mang tai giấu trong mũ bảo hộ, để bên cạnh miệng, khi khát chỉ cần ngoảnh miệng ngậm vào ống hút và mở van là nó thể uống nước. Thương những người cả ngày làm việc trong bộ đồ nhựa kín mít nóng đến mức rộp da, bà con bảo nhau mang đá lạnh đến, ai cần thì “ướp” lên quần áo cho hạ nhiệt… Tình yêu thương dường như chực chờ sẵn trong mỗi người, chỉ cần thời cơ là trỗi dậy. Không có khả năng tài chính thì động viên bằng lời nói, bằng sức lao động. Mọi sự bới móc, bàn chùn hay tuyệt vọng bi quan trong thời điểm này đều bị đả phá, tẩy chay.
Trở lại nhà cụ Yến, nhìn khung cảnh bận rộn mà yêu thương đầm ấm ở đây, tôi hiểu thêm khái niệm về hạnh phúc. Có gì to tát đâu nhỉ, hạnh phúc đơn giản là các thành viên trong gia đình thấu hiểu nhau, đồng lòng với nhau và sẵn sàng chia sớt khó khăn với cộng đồng. Hạnh phúc ấy mới thực sự bền lâu.