Gặp người gần 40 năm “thổi hồn” vào tượng
Ông Nguyễn Văn Bương (áo vàng) và các cộng sự đang tái hiện lễ cấp sắc của đồng bào dân tọc Dao theo đơn đặt hàng từ Quảng Ninh. |
Trong con ngõ nhỏ số 57, đường Bến Oánh, phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên, lâu lâu người dân lại nghe tiếng máy cắt, máy mài rộn rã. Không lâu sau đó, những tượng người với đủ nét mặt đặc trưng cho từng tộc người, từng dáng vẻ khác nhau được dựng lên ở một khoảnh đất trống nằm giữa khu dân cư. Đó là cơ sở sản xuất tượng “có một không hai” trên địa bàn tỉnh của ông Nguyễn Văn Bương và 4 cộng sự.
Gần 40 năm chỉ nhận là người học việc
Ông Bương năm nay xấp xỉ 70 tuổi. Tính đến nay, ông đã có gần 2/3 quãng đời làm công việc này, thế nhưng ông chưa khi nào gọi đó là một nghề. Ông càng không dám nhận những mỹ từ như “nhà điêu khắc” hay “nghệ nhân” mà nhiều người “phong tặng”. Ông chỉ nhận mình là học trò, là người học việc của thầy mình. Với ông, những gì ông đang làm chỉ là để giúp ông thỏa đam mê của bản thân chứ không có gì đặc biệt.
Cũng bởi lẽ đó mà ông càng không thích nói về mình. Chỉ đến khi thấy tôi “lê la” hàng tuần trời, cứ lặng lẽ đến hết xem các ông đắp đất, tạo khuôn, đến pha sơn, vẽ mặt tượng… và tò mò hỏi đủ thứ trên trời, dưới đất, ông mới chịu mở lòng.
Những ngày tháng 4 và đầu tháng 5, các ông làm việc từ sáng cho tới tận khuya. Ấy là thời điểm ông và các cộng sự đang phải hoàn thiện đơn đặt hàng từ Bảo tàng Văn hóa tỉnh Quảng Ninh. Lô hàng lần này tỉnh Quảng Ninh đặt bao gồm 15 tượng người, tái hiện lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao.
Ông Bương bén duyên với công việc làm tượng người đã gần 40 năm nay. Khi còn là một chàng thanh niên, ông đã theo phụ việc cho thầy mình là Nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài làm một số tượng người trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, do trước đây tượng hầu hết được làm bằng gỗ, dưới tác động của môi trường, qua năm tháng nhiều tượng đã hỏng. Để khắc phục nhược điểm này, ông Bương đã mày mò, thử nghiệm và thành công trong việc dùng chất liệu nhựa để thay thế. Với chất liệu mới đó, tượng do ông làm ra không chỉ bền mà còn nhẹ, dễ dàng trong việc vận chuyển trong các chuyến công tác lưu động của Bảo tàng.
Đến nay, tính cả số tượng được làm mới và phục chế lại, trong số hàng trăm tượng đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, thì tới khoảng 90% được làm nên bởi đôi bàn tay tài hoa của ông.
Cũng từ đây, những người công tác trong ngành Văn hóa ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã biết và tìm đến ông để đặt các sản phẩm tương tự phục vụ trưng bày tại bảo tàng tỉnh nhà.
Tất cả các đơn hàng đều được thực hiện theo các mô phỏng (chủ yếu thông qua ảnh) của bên đặt hàng về những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa, đặc trưng trong lao động sản xuất… của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trải qua rất nhiều các công đoạn từ đắp khuôn, duyệt mẫu, đúc khuôn, tạo hình, thể hiện màu da, mái tóc và chi tiết trên khuôn mặt… sau khoảng thời gian thỏa thuận, ông sẽ trả lại cho khách hàng những sản phẩm không thể ưng ý hơn.
Tiếng lành đồn xa, đến nay, ông cũng không thể nhớ hết số lượng tượng mình đã làm và cung cấp cho bảo tàng các tỉnh: Bắc Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ning, Bảo tàng Quân đội... Trong đó có tỉnh như Quảng Ninh đã có nhiều hơn một lần đặt hàng ông.
Tiếp xúc nhiều mới biết, bên trong cái vẻ tưởng như khó gần của ông là một tâm hồn nghệ sĩ và luôn “cháy” hết mình để theo đuổi đam mê. Sự tài hoa của ông không phải do ông nói hay tôi nhận định mà do chính những người đồng môn của ông khẳng định.
“Anh Bương là con người thực sự tài hoa. Anh ấy từng là thầy dạy trạm khắc đá cho hàng trăm người. Anh ấy cũng là “cha đẻ” của không ít những sản phẩm ứng dụng công nghệ điêu khắc mà ít người biết tới” – Đó là chia sẻ của Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Họa sĩ Phạm Thế Hoàng, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Gang Thép, TP. Thái Nguyên, người bạn cùng học hội họa và cũng là cộng sự hiện nay của ông Bương.
Hiện, ông Bương có thêm 4 cộng sự, trong đó có 2 họa sĩ.
Tài hoa là thế nhưng ông Bương lại chưa từng được học qua các khóa đào tạo chính quy nào. Những gì ông có được ngày nay bên cạnh năng khiếu vốn có còn lại đều do ông tự học dưới sự chỉ bảo của các bậc thầy như cố Nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài, họa sĩ Sỹ Tốt. Nhưng tình yêu mãnh liệt ông dành cho hội họa thì chắc không nhiều người có được.
Nhọc nhằn vẫn nuôi dưỡng ước mơ
Khi còn trẻ, công tác tại một công ty xây lắp. Ông đã giữ cương vị Phó Thư ký Công đoàn Xí nghiệp, thuộc vào hàng lãnh đạo thời đó của đơn vị. Nhờ vậy, ông được cử đi ôn thi Đại học Công đoàn. Nhưng cũng chính từ thời điểm này, sự nghiệp của ông rẽ sang một hướng khác.
Nhớ lại thời trai trẻ, giọng ông rủ rỉ: Hồi đó ăn nằm ở Trường Đại học Công đoàn nhưng vì mê hội họa quá nên tôi không đi ôn ở đó mà lại sang trường Mỹ thuật ôn. Trong đầu chỉ nghĩ duy nhất đến vẽ chứ không thiết gì khác cả… Ông bỏ lửng câu chuyện, trầm ngâm một lát rồi nói thêm một câu trước khi đứng dậy, ra kiểm tra nước sơn mà anh thợ phụ vừa phun: “Từ bỏ cả sự nghiệp vì vẽ như thế đấy”.
Có lẽ hiểu được tâm trạng của ông Bương, ngồi bên cạnh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thế Hoàng tiếp lời: 2 chúng tôi sau đó học lớp vẽ tại chức với nhau. Nhưng ông ấy giỏi lắm, cái gì cũng biết làm, từ vẽ tranh đến làm phấn viết bảng, làm vỏ công tơ điện, đến đắp tượng chân dung Bác Hồ. Ông ấy cũng đã từng dậy mấy lớp trạm khắc đá cho hàng trăm người và dậy nhiều lớp khác cho phạm nhân ở Trại giam Phú Sơn.
Ông Bương còn là “cha đẻ” của hệ thống máng trượt nước tại hồ Núi Cốc hiện nay. Khoảng năm 2000, khi ông Bương còn công tác Công đoàn, ông được mời vào đắp một số tượng cho Khu du lịch hồ Núi Cốc. Vô tình ông được người phụ trách trải lòng về mong muốn làm máng trượt nước nhưng đối tác báo giá cao và phải đặt từ nước ngoài thông qua một công ty ở Hà Nội. Khi ấy, cả nước chỉ có Công viên Hồ Tây có hệ thống này do nhập từ nước ngoài về.
Ông Bương nhớ lại: “Sau khi nhìn qua hình mẫu, tôi nói tôi có thể làm được nhưng ngay lúc ấy lãnh đạo chưa tin đâu. Sau đó, tôi được xe đưa về tận Công viên Hồ Tây thăm hệ thống máng trượt nước lần nữa. Tôi vẫn khẳng định tôi có thể làm. Ngay cả đến lúc ấy họ vẫn chưa dám tin. Sau đó tôi về làm một mô hình nhỏ bằng đúng chất liệu và hình dáng của máng trượt như họ mong muốn. Khi nhìn thấy mô hình, đồng chí lãnh đạo Công đoàn hồ Núi Cốc ấy bảo đúng rồi, đúng nó rồi! Thế là ký hợp đồng. Sau đó tôi hoàn thành và bàn giao sản phẩm với giá chưa bằng một nửa giá của công ty chào hàng trước đó. Mấy chục năm nay, hệ thống máng trượt nước đó vẫn đang được Khu du lịch này khai thác, sử dụng”.
Đó là một trong những kỷ niệm về các sản phẩm do ông Bương tạo nên bên cạnh rất nhiều các sản phẩm khác.
Khởi đầu từ việc làm tượng trưng bày và ông Bương vẫn kiên trì theo đuổi đam mê tới nay. Trong khoảng thời gian đó, bên cạnh tượng, ông còn tạo ra rất nhiều sản phẩm khác. Phần vì ông muốn được thỏa sức sáng tạo của mình, phần vì không phải lúc nào cũng có đơn đặt hàng làm tượng. Bình quân ông chỉ nhận được 1 đến 2 đơn hàng mỗi năm với số lượng nhiều, ít khác nhau.
Chi phí đầu tư lớn (nguyên vật liệu phải nhập ở xa), đơn hàng ít, khó tìm người phụ việc biết việc và tất nhiên thu nhập từ đây cũng không đáng là bao nếu trải ra suốt năm. Bởi thế, nếu không phải vì đam mê thì chẳng có lý do gì hơn để lý giải cho việc ông theo đuổi công việc này cho tới tận hôm nay.
Luôn kiên trì và theo đuổi đam mê, dẫu khó khăn có lúc chất chồng. Thế nhưng, khi sắp bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhiều đêm ông lại trăn trở. Không biết có phải công việc này ngoài một chút năng khiếu, một chút đam mê còn đòi hỏi sự kiên trì, cần mẫn nhiều hơn một số công việc khác hay bởi thu nhập hạn hẹp mà “truyền nhân” của ông ở đâu, suốt mấy chục năm qua chưa thấy!
Tôi lại nghĩ vụng. Giả sử như một hôm nào đó, tôi có đưa đám trẻ nhà mình hay dẫn bạn bè đến tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam hoặc giả như tôi được đến tham quan tại một số bảo tàng khác trên cả nước, tôi sẽ tự hào lắm khi có thể nói rằng, những pho tượng này được làm ra từ đôi bàn tay của người nghệ sĩ tài ba ở mảnh đất Thái Nguyên quê hương mình.