Gửi vào sóng biếc bao lời đắm say…
Một góc hồ Núi Cốc. |
Thời gian phủ lên cảnh vật và trí nhớ, đẩy nhiều sự việc tưởng chừng sẽ khắc ghi vào vùng quên lãng. Tôi thấm rõ điều đó khi đi tìm tài liệu, con người đã làm nên hồ Núi Cốc - công trình lịch sử mang lại nguồn nước ngọt, biến hàng vạn hec-ta đất thành ấm no giàu có.
Nói đến hồ Núi Cốc, cần tri ân dòng sông Công. Bắt nguồn từ vùng núi Ba Lá (Định Hóa) chảy qua Đại Từ theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, sông Công được chặn một đoạn dòng mà tạo thành hồ Núi Cốc. Công trình do Bộ Thủy lợi kết hợp với tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) thực hiện chia làm 2 phần: Từ năm 1973 đến năm 1978, Bộ Thủy lợi chỉ đạo Công ty Xây dựng 4 (Sóc Sơn) thi công 1 đập chính dài 480m, cao 28m, chỗ rộng nhất 23m; 7 đập phụ cao từ 8 đến 12m; một tràn xả lũ; một cống lấy nước. Từ năm 1975 đến năm 1985, tỉnh Bắc Thái chỉ đạo thi công toàn bộ hệ thống kênh dẫn nước dài 291km gồm: Một tuyến kênh chính; ba tuyến kênh cấp I; 74 tuyến kênh mương cấp II, III và 2.211 công trình xây lắp khác.
Để sống lại không khí lao động những ngày tháng khó quên ấy, tôi đã tìm gặp một số người tham gia công trường xây dựng khổng lồ này. Dù thời gian chất chồng, họ vẫn rất nhiệt tâm kể cho tôi nghe những gì còn nhớ được.
Ông Dương Ngọc Bẩy, 89 tuổi, ở phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên), nguyên Chỉ huy phó chỉ đạo kỹ thuật xây dựng phần kênh mương dẫn nước hồ Núi Cốc, nhớ lại: “Công việc của tôi là nắm hồ sơ kỹ thuật trên giấy, thể hiện bản vẽ lên thực địa. Tỉnh phân cho một xe ô tô (có lái xe riêng), suốt ngày tôi rong ruổi trên công trường, có đêm đang ngủ thấy chưa yên tâm lại vục dậy đi. Công trường ngày đó thường xuyên có trên 1 vạn người cùng khoảng 100 xe, máy hoạt động. Bà con từ các địa phương đổ về, không khí thi đua hừng hực, ai cũng muốn làm nhiều hơn khối lượng công việc được giao”.
Ta về Núi Cốc người ơi Gửi vào sóng biếc bao lời đắm say Cánh đồng xanh ngát chân mây Bõ công vất vả những ngày tháng xưa… (Dương Ngọc Bẩy) |
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại công trường, ông Bẩy đảm trách vai trò Giám đốc Công ty Thủy nông Núi Cốc. Suốt những năm tháng đó, ông lặng lẽ ghi lại suy tư, cảm xúc của mình thành gần một trăm bài thơ. Ông còn cùng nhóm biên soạn tập hợp những bài thơ, bản nhạc, bức ảnh của nhiều tác giả trên toàn quốc, xuất bản Tuyển tập về hồ Núi Cốc.
Cuối năm 1975, khi các con đập thành hình, Huyện ủy Đồng Hỷ ra chỉ thị phát động toàn dân làm thủy lợi. Khẩu hiệu “Đào núi, xẻ kênh, bắt nước sông Công về đồng cấy tăng thêm vụ” giăng khắp nơi. Già, trẻ, trai, gái hào hứng đi đào kênh dẫn nước. Công trường với hàng ngàn người gồm nông dân, bộ đội, dân quân tự vệ, học sinh, sinh viên chung sức mở nước từ kênh chính dẫn đến các xã phía Nam của huyện (thời điểm đó) như: Phúc Trìu - Thịnh Đán - Tích Lương - Tân Quang.
Một trong những địa phương được hưởng lợi lớn từ nguồn nước hồ Núi Cốc phải kể đến xã Tân Cương. Anh Phạm Ngọc Tuy (xóm Hồng Thái 2) mắt lấp lánh vui khi nhớ lại những ngày lao động trên “công trường rộn tiếng ca” ấy: Năm đó (1978) tôi 15 tuổi, cùng lớp thanh niên của xã đào kênh cắt qua khu vực gò ông Mã dẫn nước từ xã Phúc Trìu sang. Gọi là gò ông Mã vì khu vực đó gần nhà ông Mã, năm ấy ông khoảng 50 tuổi. Vui lắm chị ạ, chúng tôi đi làm mà như đi hội. Thanh niên hát hò, trêu nhau, chả thấy mệt. Chỉ khoảng 1 tháng, kênh dẫn mang dòng nước ngọt của hồ Núi Cốc chảy vào đồng đất Tân Cương đang khô khát. Thật không thể diễn đạt hết niềm vui của bà con hôm nước về. Cũng từ đó, nông dân chúng tôi chủ động nguồn nước làm chè, nhất là chè vụ đông, đời sống khấm khá hơn hẳn.
Tân Cương không chỉ được thêm của mà còn được thêm người. Xóm Ba Vũng (nay là xóm Tân Thái) hình thành từ gần 50 năm trước do những cư dân “lòng hồ” di cư về đây lập quê hương mới. Con đường bê tông gần 5km trị giá 13,5 tỷ đồng do TP. Thái Nguyên đầu tư hoàn thành năm 2021 khiến Tân Thái không còn xa xôi, cách biệt.
Những đỉnh đèo cao vút là nỗi khiếp sợ của người đi đạp, xe máy bởi chỉ sơ sểnh là có thể lăn xuống vực sâu nay trở thành điểm check-in tuyệt đẹp. Đứng ở mỏm núi cao mà bao quát, cả vùng rừng xanh mướt, trùng điệp, con đường màu sữa uốn lượn dẫn dụ các cua-rơ đạp xe vào tận cuối xóm. Dân cư ở đây thưa vắng, mỗi nhà một vài quả đồi mênh mông, thu nhập chính từ chè, rừng, chăn nuôi gà, trâu.
Nhờ có ông Nguyễn Xuân Thịnh (xóm Soi Vàng) dẫn đường, tôi gặp được ông Phạm Xuân Cường, sinh năm 1956, là cư dân “lòng hồ” trước đây. Lâu nay ông Cường bị đau xương khớp, chỉ quanh quẩn trong nhà. Ông cũng là người cao tuổi nhất hiện còn sống trong số người rời lòng hồ về định cư tại Tân Thái.
Vùng ven hồ Núi Cốc.
Ông Cường kể: Quê tôi ở khu Đèo Vỏ, xã Phúc Thọ (Đại Từ). Năm 1976, khi Nhà nước đắp đập dâng nước thành hồ thì mẹ tôi đưa 4 người con về đây, khi đó gọi là vùng Ba Vũng. Gia đình tôi dựng lên túp lều để ở, xung quanh bốn bề rừng già, đi phải luồn lách, gọi là đường “chuột chạy”, xe đạp cũng không dắt nổi. Chúng tôi mang theo giống lúa bao thai về trồng, cây tốt lút đầu người nhưng không được ăn, sau đổi sang giống lúa đỏ thì mới được ăn. Hơn chục năm trước, tôi về thăm lại quê xưa, vẫn nhận được vị trí nhà, bếp của gia đình tôi, dù đã chìm trong thăm thẳm nước.
Người “lòng hồ” ở Tân Thái nay đã là thế hệ thứ 2, thứ 3, họ hầu như không biết gì về cuộc di cư của cha ông năm xưa nữa. Tân Thái nay không chỉ là vùng rừng, vùng chè mà hứa hẹn sẽ là vùng du lịch sinh thái hấp dẫn.
Nói đến hồ Núi Cốc bây giờ, người ta nghĩ đến điểm du lịch với du thuyền, ngắm hoa, chơi gôn, chiêm bái tượng Phật... Nhưng ẩn trong lớp vỏ huyền thoại và cảnh sắc lung linh là trí tuệ, mồ hôi của hàng vạn người suốt 13 năm ròng rã mà bài viết này chỉ là nét phác họa vô cùng bé nhỏ.