Hội 3B

Cập nhật: Chủ nhật 12/06/2022 - 09:30
 Ông Đinh Văn Tú, một thành viên Hội 3B đạt thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí) từ việc mua, bán bò.
Ông Đinh Văn Tú, một thành viên Hội 3B đạt thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí) từ việc mua, bán bò.

Hội 3B, tên gọi tắt của Hội chăn nuôi bò BBB xã Khe Mo (Đồng Hỷ). Họ đến với nhau vì mục đích chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn liếng đầu tư chăn nuôi. Không dừng lại ở đó, các thành viên của Hội còn tích cực giúp đỡ, hỗ trợ bà con trong vùng cùng vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Nguyễn Văn Quang, Hội trưởng 3B, chia sẻ: Từ lúc hé mắt thấy ánh mặt trời, con nhà nông chúng tôi đã biết đến con trâu, con bò. Nhưng là trâu cày, bò kéo, chỉ thịt khi quá già hoặc vì nhà có việc. Còn con bò 3B bây giờ là bò thương mại, được nuôi nhốt, vỗ béo, sinh lời cho cả bên mua, bên bán khi thực hiện giao thương.

Đã có hàng nghìn giao dịch mua, bán bò 3B giữa các thành viên trong Hội và với bà con nông dân trong vùng. Mỗi giao dịch mang lại lợi nhuận cho người bán từ 500 nghìn đồng đến 5 triệu đồng/con. Cá biệt có giao dịch người chăn nuôi thu lợi trên 20 triệu đồng 1 con bò khi bán. Còn người mua bò phấn chấn, chỉ vỗ béo ít ngày lại… cho lên đường hoặc nuôi thêm dăm tháng để bò có khối lượng thịt cao.

Ông Đinh Văn Tùng, cán bộ thú y xã Khe Mo cho biết: Đây là loại bò được ngành chăn nuôi thế giới ví “siêu to, siêu thịt”, có con đực trưởng thành nặng trên 1 tấn. Hơn nữa, bò 3B hiền lành, không quậy phá, phàm ăn, dễ nuôi, mau lớn nên được nhiều nông dân lựa chọn.

Ông Tùng là 1 trong 6 thành viên đầu tiên của Hội 3B. Là bác sĩ thú y, ông tự nguyện đảm nhiệm phần việc chăm lo sức khỏe cho bò của các hội viên. Ông làm công việc này đúng như tôn chỉ mục đích của Hội là tự nguyện, tự giác, giúp đỡ lẫn nhau và không lấy tiền công. Bản thân ông cũng thường xuyên duy trì đàn bò trong chuồng từ 6 đến 10 con. Con nào da cũng láng bóng, nung núc thịt, đôi mắt thân thiện nhìn chủ, miệng nhai bỏm bẻm theo bản năng của loài bò.

Nhìn từng vạt cỏ voi, cỏ sả, cỏ cao lương tươi non, tôi liên tưởng đến một vùng đất có truyền thống chăn nuôi gia súc như Khe Mo đang từng ngày “thay da đổi thịt”, trong đó có một đóng góp không nhỏ của các thành viên Hội 3B. Đó là tư duy kinh tế hàng hóa đã làm thay đổi nếp nghĩ, nếp làm của nhiều nông hộ.

Minh chứng là nhiều các bãi đất trước đây bỏ hoang cho cỏ mọc tự nhiên, và đủng đình mỗi chiều có cụ già dắt bò, em nhỏ ngồi lưng trâu thổi sáo. Nay bãi đất hoang ấy được bà con cày lật, cải tạo trồng cỏ giống mới. Cỏ được chăm bón như bà con trồng rau màu.

Ông Đinh Văn Tú, một thành viên của Hội cho biết: Để chủ động thức ăn trong chăn nuôi, cứ 1 con bò 3B chúng tôi trồng 1 sào cỏ. Đương nhiên cỏ phải non. Muốn có cỏ non thì phải chăm bẵm như chăm ruộng cấy lúa.

Tôi nhận ra hình ảnh em bé chăn trâu thổi sáo ở Khe Mo, cũng như các vùng quê khác trên cả nước đã đi vào tranh cổ. Vì bò 3B được nuôi nhốt trong chuồng, không ai mang chăn thả như bò ta, bò ré. Vậy mới gọi là nuôi vỗ, nuôi gột, nhưng ngọt thịt và mang lại lợi nhuận cao. Trong Hội 3B, ông Tú, một thương lái bò 3B có uy tín, 1 năm có hàng trăm con bò 3B qua tay ông.

Ông Tú không giấu diếm: Tôi mua gom từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An… Dân nái bò chúng tôi tìm nhau trên mạng xã hội, ai bán, ai mua đều biết; giá theo chiều chợ, đôi bên cùng có lợi. Có con bò tôi dắt về nuôi được 2 ngày, có con nuôi nửa năm mới xuất bán. Nhiều khi bán bò cho các thành viên trong Hội, tôi chỉ lấy lại tiền vốn gốc, không lấy tiền công.

Ít hôm trước, tôi may mắn được dự buổi gặp mặt của Hội 3B. Hôm đó có một số anh chị em là cán bộ chăn nuôi thú y của tỉnh; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ và cán bộ giảng viên Khoa Chăn nuôi thú y, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên). Thế mới hay hoạt động của Hội 3B có sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng đến dư luận xã hội.

Các “đại biểu” phấn chấn: Nghe hay hay thì đến tìm hiểu, tham khảo xem cách làm của Hội. Ông Quang, Hội trưởng, cũng phấn chấn: Thông qua sinh hoạt Hội chúng tôi được gặp gỡ thường xuyên, nhân đó trao đổi với nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả; thông tin thị trường và có thể hỗ trợ nhau về vốn vay đầu tư cho chăn nuôi. Chúng tôi dựa vào nhau nhưng không lợi dụng nhau; đồng thời chỉ bảo cho nhau cách làm ăn nghiêm túc, hiệu quả, cùng xây dựng hình ảnh chân phương về Hội của những người thích bò 3B.

Ông Quang tiếp tục câu chuyện: Đầu tháng 6 năm Nhâm Dần 2022 này, Hội 3B chúng tôi đầy 2 tuổi. Và từ 6 thành viên ban đầu, đến nay Hội phát triển lên 20 thành viên. Thành viên của Hội là hộ chăn nuôi bò 3B xã Khe Mo và các xã lân cận trong huyện Đồng Hỷ, đặc biệt có 2 thành viên là người huyện Võ Nhai, gồm: Ông Bế Tiền Vạn, thị trấn Đình Cả; ông Bùi Minh Hoàn, xã Lâu Thượng.

Mỗi gia đình thành viên duy trì nuôi trong chuồng từ 5 đến hơn 10 con bò 3B. Bò được luân chuyển, sang tay nhau liên tục nên tổng đàn không ổn định, nhưng tổng thu của các thành viên trong toàn Hội năm 2021 cộng lại đạt khoảng 6 tỷ đồng. Nhiều gia đình thành viên của Hội đạt thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm đã trừ chi phí.

Chuyện con bò 3B như sức hút nam châm gắn chặt chúng tôi bên bàn trà. Ở đó, tôi được nghe các thành viên Hội 3B kể về những chuyến săn tìm bò để mua trên mạng xã hội, những hành trình vận chuyển bò bằng xe ô tô dài hằng trăm cây số từ các tỉnh miền Trung; thậm chí dong dắt bò hằng chục cây số từ tỉnh Bắc Giang về. Đã mua là thắng, họ tự tin khẳng định. Bởi các thành viên trong Hội gần như ngày nào cũng gặp nhau để trao đổi về tinh tướng con bò.

Ông Tùng cho biết thêm: Một con bò “hoa khôi” hội tụ các yếu tố như: Đầu nhỏ, mồm bẹ, cổ dài vừa phải, yếm rộng, bụng to tròn nhưng không sệ, 4 chân vững chãi, mông nở đều… đó là bò giống sinh sản tốt. Toàn bộ bò do các thành viên mua về đều được thông báo đến các thành viên khác trong Hội. Nhân đó cùng trà nước bình phẩm về con bò, về giá cả, đồng thời thực hiện việc thăm khám sức khỏe, lên phương án tẩy giun, sán, chữa trị một số bệnh thông thường cho bò, sau đó mới chính thức nhập chuồng nuôi gột, vỗ béo.

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phúc, xã Văn Hán cho biết: Tôi không phải là hội viên 3B, nhưng tôi thường nhờ Hội đứng ra tìm mua giúp con giống. Vì ngoài kinh nghiệm xem khoang khoáy con bò, họ còn thạo về thông tin thị trường, người mua như chúng tôi không bị người đứng trung gian thổi giá… Ông Phúc là một trong hàng trăm nông dân trong tỉnh tìm đến Hội, trở thành bạn hàng thân quen của Hội.

Sự hợp tác rộng rãi giữa Hội 3B và những người chăn nuôi bò trong vùng đang làm các vùng quê thức dậy. Nhiều nông dân đã có thêm nghề mới, tăng thu nhập, có cuộc sống ổn định hơn. Bà An Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ chia sẻ: Các thành viên Hội 3B có đóng góp không nhỏ trong chuyển đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Họ đang làm kinh tế nông nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương mình bằng nghề mới - chăn nuôi bò 3B thương phẩm.

Phạm Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: