Làng rau sau cơn lũ lớn

Cập nhật: Chủ nhật 19/06/2022 - 10:00
 Người dân xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), dọn cỏ để chuẩn bị trồng lứa rau mới.
Người dân xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), dọn cỏ để chuẩn bị trồng lứa rau mới.

Những ngày cuối tháng 5, mưa liên tiếp, nước từ thượng nguồn sông Cầu đổ về nhấn chìm ngô, lúa, rau xanh, nhà cửa của những cư dân nằm dọc hai bên bờ sông Cầu, trong đó có làng trồng rau chuyên canh Bến Đò và Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên). Phải hơn 20 năm rồi, vùng rau này mới gặp một trận lũ lớn như thế. Sau những ngày nước lên là những ngày người nông dân Bến Đò, Ngọc Lâm vất vả vạt cỏ, xới đất, mong mưa dứt, nắng lên để vào vụ trồng rau mới.

Mong ngày nắng lên

Nhiều năm nay, vùng rau Bến Đò, Ngọc Lâm được xem là “vựa” rau lớn của TP. Thái Nguyên với khoảng 35ha đất trồng rau (trong đó Ngọc Lâm có 25ha), chủ yếu nằm ven bờ sông Cầu. Khi những làng rau của Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) dần bị thu hẹp nhường đất cho các khu dân cư mới thì người dân Bến Đò và Ngọc Lâm càng thuận lợi hơn về đầu ra cho rau xanh.

Bởi lẽ ấy, người Bến Đò và Ngọc Lâm ngày càng chuyên tâm trồng rau. Mùa nọ nối tiếp mùa kia, người dân nơi đây chăm chỉ mùa nào thức ấy. Rau Bến Đò, Ngọc Lâm ngày ngày được đưa lên bàn ăn của rất nhiều hộ dân chốn thị thành. Những năm mưa thuận, gió hòa, 1 sào rau xanh (dưa chuột, đỗ, cải, mướp ngọt, mướp đắng…) mang lại cho người dân nguồn thu khá ổn định từ 6 đến 7 triệu đồng/vụ (khoảng 2,5 đến 3 tháng).

Tuy nhiên, cuối tháng 5 vừa qua, khi lũ lớn tràn về, vườn tược, nhà cửa của nhiều hộ dân nơi đây chìm trong biển nước. Nhiều ruộng rau xanh bị úng ngập, hỏng hết. Ông Nguyễn Văn Cơ, một người dân ở Bến Đò cho hay: Vụ này, gia đình tôi trồng 3 sào dưa chuột. Đang vụ thu hoạch thì nước lũ tràn về ngập cả ruộng dưa. Khi nước rút đi, cây chết hết, gia đình tôi đành phải phá bỏ dưa, đợi thời tiết thuận lợi sẽ trồng lứa rau mới.

Tương tự, nhà ông Cao Văn Tuấn, hàng xóm của ông Cơ cũng bị hỏng mất dăm sào rau cải đang vụ thu hoạch. Ông Tuấn nói: Công sức bỏ vào ruộng rau không biết bao nhiêu mà kể. Nhiều hôm nắng nóng, tôi một mình kẽo kẹt gánh nước tưới từng luống rau chỉ mong rau được bán, thu được món tiền cải thiện cuộc sống gia đình. Vậy mà đùng một cái, nước lũ về cuốn đi bao hy vọng, mong mỏi của người. Xót của lắm nhưng cũng phải chịu, thôi đành trông mong vào vụ rau mới vậy…

Khoảng hơn chục héc ta rau màu của các hộ dân ở Bến Đò, Ngọc Lâm bị thiệt hại sau mưa lũ. Giờ đây, khi lũ đã đi qua 3 tuần, người dân vẫn loay hoay chưa thể trồng lứa rau mới. Vì thế, giá rau xanh trên thị trường TP. Thái Nguyên đang tăng gấp từ 2- 3 lần so với hồi đầu tháng. Theo ông Tuấn, gần 3 tuần trước, một mớ rau đay, mồng tơi bán với giá 2 nghìn đồng thì nay đã tăng lên 7 nghìn đồng; 1 kg mướp ngọt trước đây bán từ 7 đến 8 nghìn đồng thì nay tăng lên 20 nghìn đồng…

Đi một vòng quanh Bến Đò, Ngọc Lâm, chúng tôi thấy nhiều vườn dưa chuột vàng úa chưa được dỡ bỏ. Một số chân ruộng, bà con đã làm cỏ nhưng vẫn chưa thể xuống giống. Ông Nguyễn Văn Cơ cho hay: Từ đầu tháng đến giờ, TP. Thái Nguyên chìm trong những cơn mưa bất chợt. Người trồng rau chúng tôi đứng ngồi không yên. Mưa kéo dài khiến cho đồng ruộng sau lũ vẫn “ướt rượt”. Nhiều hộ đã cầy đất lên nhưng đành bỏ không vì đất “ngậm” đẫy nước như thế, trồng rau, rau hỏng, trồng dưa, dưa chết. Mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là trời tạnh mưa, nắng lên cho đất khô để người nhà nông vạt cỏ, vỡ đất trồng lứa rau mới.

Chỉ những người trồng rau chuyên canh mới hiểu được ý nghĩa của những ngày nắng và giá trị của những cơn mưa sau bao ngày nóng như chảo lửa. Năm nay được dự báo là năm có diễn biến thời tiết phức tạp, nhưng người dân Bến Đò, Ngọc Lâm vẫn tin rằng nay mai nắng sẽ lên cao…

Hy vọng vào vụ mới

Quanh năm vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, người làng rau ở Linh Sơn vẫn hăng say lao động. Với họ, gắn bó với những ruộng rau xanh như là một cơ duyên và là niềm vui từ năm này sang năm khác. Vừa rồi, lứa rau gặp lũ đã hỏng nhưng họ vẫn tin tưởng những vụ rau mới sẽ thành công. Ông Nguyễn Văn Lực, Trưởng xóm Bến Đò chia sẻ: Từ nay đến cuối năm Âm lịch, nếu khéo chăm, mỗi hộ sẽ sản xuất được khoảng 3 vụ rau nữa. Kinh nghiệm sẵn có, người làng rau Bến Đò, Ngọc Lâm chắc chắn sẽ biết tận dụng cơ hội để đưa ra thị trường những lứa rau tươi xanh.

Theo các hộ sản xuất rau chuyên canh ở đây, trồng rau màu trong mùa mưa (mùa Hè) không dễ dàng vì thường gặp rất nhiều bất lợi do ngập lụt, mưa to làm nát, đổ rau… Dù vậy, nếu chăm chỉ, chịu khó chăm bón để những ruộng rau màu, nhất là các loại rau trái mùa phát triển xanh tốt thì thu nhập thường đạt cao hơn nhờ hút hàng và giá bán cao. Bởi vậy, người dân Bến Đò, Ngọc Lâm chỉ đợi khi nắng lên là sẽ chủ động làm đất, lên luống trồng rau.

Trước đây, người dân Bến Đò, Ngọc Lâm sản xuất rau bằng kinh nghiệm, còn hôm nay, bà con đã học hỏi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên đồng ruộng. Vì thế, ai cũng nắm được nguyên lý: Để có những ruộng rau xanh tốt sau trận ngập úng, ngoài việc làm sạch cỏ, bà con còn xới tơi xốp đất, nhưng không để đất quá nhuyễn vì khi đất mịn ra gặp mưa to dễ dẫn đến đất bị kết lại, đất mặt nén chặt xuống sẽ làm cho rau bị nghẹt rễ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển.

Đặc biệt, gia đình nào ở Bến Đò và Ngọc Lâm cũng củng cố bờ bao vững chắc xung quanh khu vực trồng rau; có rãnh thoát nước cho từng luống rau... Hầu như hộ nào cũng bố trí máy bơm thoát nước vào những ngày mưa lớn.

Thông thường, mỗi luống rau lên xanh đều mang trong đó sự tận tâm của người trồng rau. Ở vùng trồng rau này, người dân chăm rau như con, nhất là sau các đợt mưa lũ, việc chăm bón cho rau càng đòi hỏi sự tỷ mẩn. Do vậy, nhiều gia đình còn bón tăng cường thêm khoảng 30 - 40kg vôi/sào nhằm khắc phục độ chua, góp phần tiêu diệt các mầm bệnh trong đất và cung cấp thêm lượng can xi để cây trồng cứng cáp, phòng chống có hiệu quả đối với các bệnh thường gặp vào mùa mưa.

Không ít hộ còn kỳ công ủ phân chuồng để bón cho đồng ruộng. Nhiều nhà, sau khi gặt lúa còn giữ lại rơm, rạ, cắt ngắn để sau khi gieo hạt rau, rải một lớp rạ đã cắt ngắn lên trên mặt luống.

Theo ông Bùi Duy Hưng, xóm Ngọc Lâm: Rạ giúp lớp đất xung quanh cây rau con mới nảy mầm được tơi xốp, không bị xói mòn hoặc dí chặt khi gặp mưa to. Ngoài ra, một số hộ dân còn chuẩn bị cót tre và khung tre uốn theo hình vòm cống để che cho rau giống nếu gặp mưa to trong 4-5 ngày đầu.

Dù sau trận lũ lịch sử, thời tiết bất lợi, lứa rau mới chưa được bắt đầu, nhưng những người dân đã thuộc nằm lòng các loại phân cần bón cho cây, liều lượng, thời điểm bón thúc. Đặc biệt là kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh cũng đã được các hộ dân nhớ “mồn một”. Ông Hưng cho hay: Vào mùa mưa, độ ẩm đất và không khí thường tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh héo xanh, nấm gây bệnh lở cổ rễ, đốm lá, sương mai, thán thư,… hại rau. Do đó, chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho việc phòng trừ các bệnh nói trên khi rau vào vụ mới.

Có thể nói, người dân làng rau không chỉ kiên cường đi qua bão lũ mà còn rất lạc quan, chủ động trước mọi hoàn cảnh, thời tiết để duy trì sản xuất ổn định. Mong rằng những năng lượng tích cực ấy tiếp tục mang đến cho họ những vụ mùa tốt tươi và cả niềm vui được mùa, được giá sau bao ngày vất vả.

Huệ Dinh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: