Lên vùng cao nghe chuyện nuôi trâu vỗ béo
Hiện nay, đàn trâu hơn 10 con của gia đình anh Hoàng Văn Tài, người dân tộc Mông, đang định cư tại xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) đang phát triển tốt, hứa hẹn cho nguồn thu nhập khá. |
Mấy chục năm trước, hầu như nông hộ nào ở Thái Nguyên cũng nuôi trâu làm sức kéo cày, bừa trên đồng ruộng để trồng lúa, trồng ngô... Còn hôm nay, khi nông dân đã đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất, hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” đã dần biến mất ở các bản, làng, thôn, xóm nơi mảnh đất Thái Nguyên. Tuy nhiên, thay vào đó, người ta lại thấy những nông hộ nuôi trâu vỗ béo, phát triển đàn trâu thương phẩm ngày càng xuất hiện nhiều hơn, nhất là ở những địa bàn vùng cao.
Hiện nay, Thái Nguyên có hơn 80 nghìn con trâu, bò. Trong đó, Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ là những địa phương có số đàn trâu khá lớn. So với năm 2014 ( thời điểm toàn tỉnh có hơn 70 nghìn con trâu, chưa kể đến đàn bò)) thì số đàn trâu, bò của tỉnh đã sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, giá trị kinh tế thu được từ đàn trâu đã tăng lên đáng kể khi người dân phát triển đàn trâu thương phẩm thay vì phục vụ sức kéo như trước. |
Tháng ba, những làn mưa bụi lất phất bay, bao đồng cỏ cằn cỗi lúc đông giá ở bản vùng cao Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) gặp mưa xuân đã đâm chồi xanh mướt. Với những hộ nuôi trâu vỗ béo ở đây, mùa xuân chính là thời điểm phát triển đàn trâu thương phẩm thuận lợi nhất bởi cây trên rừng đua nhau ra lá, cỏ dưới thung lũng đua nhau mọc lên. Vì lẽ ấy, đàn trâu mặc sức ăn cỏ, ăn lá để lớn lên từng ngày. Xuân qua, hè đến, thu sang và đông lại về. Với những hộ nuôi trâu thương phẩm ở các địa bàn vùng cao, mùa đông là thời điểm khắc gặp nhiều khó khăn nhất trong năm. Trong thời tiết giá rét của mùa đông, đàn trâu, nhất là những con nghé rất dễ ốm và chết do sức đề kháng kém. Theo chia sẻ của anh Hoàng Văn Tài, Bí thư Chi bộ bản người Mông Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai), đợt rét năm nay kéo dài, có những hôm nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, gia đình anh chỉ lo đàn trâu hơn chục con bị ốm.
Ở mảnh đất Cúc Đường này, không chỉ “nổi tiếng” là một người có uy tín được dân mến, dân thương, anh Tài còn là người rất “mát tay” khi nuôi được những con trâu béo tốt, bóng mượt. Người đàn ông dân tộc Mông này lớn lên trong lũng núi, làm bạn với lũ trâu. Ngay từ khi còn nhỏ (cách đây hơn 35 năm), anh vẫn thường theo đám bạn đưa trâu vào rừng chăn thả. Ngày ấy, người dân vùng cao ở Thái Nguyên nuôi trâu đơn giản lắm! Một số hộ chăn thả trâu cả ngày trên núi. Khi màn đêm buông xuống, các nông hộ lại gõ mõ gọi trâu về chuồng. Một số khác thì đánh dấu từng con rồi đưa đàn trâu lên rừng. Đàn trâu ăn lá trên núi, uống nước dưới khe rồi tự lớn. Trâu mẹ sinh nghé con, đàn trâu năm này tiếp năm kia sinh sôi nảy nở. Lâu lâu, người chủ lại lên rừng tìm kiếm đàn trâu của mình, bắt vài con trâu về phục vụ sức kéo và bán cho thương lái ở miền xuôi.
Cũng bởi đàn trâu chăn thả tự nhiên, có những năm trời lạnh giá, trâu gặp giá rét chết hàng loạt. Hoặc có thời điểm, dịch lở mồm long móng hoành hành, đàn trâu cả chục con, thậm chí là hai, ba mươi con mắc bệnh rồi chết. Cuối cùng, chỉ những con trâu có sức đề kháng tốt mới vượt qua được giá rét, đại dịch. Cũng bởi vậy, đàn trâu của người dân vùng cao cứ sinh sôi rồi lại teo đi, người nông dân vùng cao cũng vì thế mà chưa ai có thể làm giàu được từ trâu.
Nhưng nay, khi con trâu không còn dùng để làm sức kéo, người dân vùng cao ở Thái Nguyên đã biết phát triển chăn nuôi trâu thương phẩm để làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Anh Dương Văn Sình, Trưởng bản người Mông Trung Sơn, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) cho hay: Lúc nào trong chuồng nhà mình cũng có trên dưới 10 con trâu. Nuôi trâu vỗ béo vất vả đấy, nhưng nếu chịu khó làm lụng, người Mông mình sẽ có tiền dựng nhà, đong gạo, không ai còn phải lo cái ăn, cái mặc nữa.
Chia sẻ của vị trưởng bản đã mang đến cho chúng tôi một thông điệp thú vị rằng, nuôi trâu vỗ béo đang mang lại nguồn thu nhập kha khá cho bà con vùng cao. Đơn cử như gia đình anh Sình, với hơn 10 con trâu hiện có, gia đình anh đang có trong tay gần tỷ bạc. Theo giải thích của gia chủ, anh vào các hộ dân trong bản thường tìm mua những con trâu gầy yếu do không được chăm sóc tốt của nông hộ nuôi thả của các xã lân cận thậm chí là các tỉnh bạn với giá 20 triệu đồng/con. Sau khoảng 10 tháng đến 1 năm, những con trâu gầy trơ xương đã trở nên béo tốt. Lúc này, tư thương có thể trả giá mỗi con trâu cao gấp đôi. Cá biệt, có những con trâu mộng có thể bán được từ 70 đến 80 triệu đồng. Hiện nay, bản Mông Trung Sơn có hơn 100 hộ dân thì cũng có đến hơn 20 hộ nuôi trâu vỗ béo. Trưởng bản Dương Văn Sình là một trong những hộ có nhiều trâu nhất.
Người dân vùng cao mừng vui vì nuôi trâu vỗ béo đang giúp họ thoát nghèo và có cuộc sống no ấm hơn. Tuy nhiên, để đàn trâu phát triển tốt, bao giọt mồ hôi của những người nông dân đã phải đổ xuống. Theo ông Nguyễn Văn Bẩy, 65 tuổi, xóm Đặn 3, hộ dân nằm dưới chân Tam Đảo thuộc địa phận xã Ký Phú (Đại Từ), sau khi mua những con trâu gầy yếu của hộ dân ở các xã lân cận về nuôi, mùa Hè, ông dắt trâu chăn thả tại các bờ ruộng, khu vực ven đồi có nhiều cỏ mọc, trưa nắng nóng thì lùa trâu xuống suối Kẻng để tắm mát. Khi trời đông giá lạnh, ông nhốt trâu trong chuồng, cho chúng ăn rơm và cỏ đã tích trữ từ trước. Ô còn phòng bệnh cho đàn trâu bằng cách tiêm phòng các loại vacxin phòng bệnh như lở mồm, long móng, tụ huyết trùng…và tẩy giun sán cho chúng. Luôn duy trì đàn trâu 10 con trong chuồng, mỗi năm, ông Bẩy thu lãi gần 100 triệu đồng từ nuôi trâu vỗ béo.
Còn chị Lý Thị Phương, người dân tộc Mông, đang định cư tại xóm Trường Sơn, một trong những hộ nuôi trâu vỗ béo ở xã Cúc Đường thì cho hay: Để đàn trâu phát triển tốt, ngoài cung cấp đủ lượng thức ăn, gia đình chị còn thường xuyên vệ sinh chuồng trại hàng ngày, đảm bảo trâu có môi trường sống sạch sẽ, khô ráo, thoải mái nhất để tăng trọng. Ngoài ra, chị còn luôn cọ rửa máng ăn máng uống thường xuyên, cho trâu uống nước sạch, ăn thức ăn tươi ngon, ăn thêm tinh bột (cám ngô, cám gạo) và đảm bảo không cho ăn thức ăn, nước uống bị ôi thiu, nhiễm bẩn.
Với người dân vùng cao, nuôi trâu vỗ béo có nghĩa là “một mũi tên trúng hai đích” khi bà con không chỉ thu lãi khá cao mà còn tạo được nguồn phân chuồng phục vụ cho sản xuất lúa, ngô. Anh Hoàng Văn Tài, bản Mông Mỏ Chì thông tin: Số phân thu được tù nuôi trâu giúp chúng mình cải tạo đất ruộng cấy lúa hoặc đem ủ để bón cho cây ngô.
Nuôi trâu vỗ béo, phát triển đàn trâu thương phẩm đang là hướng đi mới cho đồng bào ở những miền rẻo cao của tỉnh. Lý giải về xu hướng này, ông Nông Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc (Võ Nhai) nói: Tôi nhận thất, các xã vùng cao của tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi trâu thương phẩm (theo hình thức chăn thả tự nhiên và bán chăn thả) như có các đồng cỏ mênh mông; nhiều rừng trồng và rừng tự nhiên. Đây là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn trâu. Hơn nữa, số rơm rạ, cây ngô sau mỗi vụ thu hoạch cũng là nguồn thức ăn lý tưởng để nuôi dưỡng đàn trâu.
Tuy nhiên, một thực tế là nghề nuôi trâu vỗ béo và phát triển đàn trâu thương phẩm ở vùng cao Thái Nguyên đang phát triển theo hướng tự phát. Nguồn giống của bà con thường không rõ nguồn gốc, trong trường hợp bất cẩn có thể mua phải con trâu bị bệnh như lở mồm long mong, tụ huyết trùng… Đây chính là điều kiện để dịch bệnh phát tán trên đàn đại gia súc ở các địa phương. Bởi vậy, để người dân có thể làm giàu từ phát triển đàn trâu thương phẩm, các địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển chăn nuôi đại gia súc nên có những định hướng cụ thể cho người dân…