Ngân thiêng lời sông núi
Du khách chụp ảnh lưu niệm bên vầng bông bụt Bác trồng tại mái lán Tỉn Keo (xã Phú Đình, Định Hóa). |
Đều đặn mỗi ngày, từ Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngự trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa), từng hồi chuông ngân thiêng lời sông núi, vọng vào ngàn dặm nước non. Tiếng chuông ấy chất chứa bao nỗi lòng cháu con kính nhớ ơn Người. Từng giọt chuông thả vào thinh không, rơi về ngàn sâu, rồi vọng lại bâng khuâng giữa trời tháng 5, làm nắng đầu Hè chợt dịu đi những oi nồng nám má người sơn nữ.
Từ khoảng sân trước Nhà Tưởng niệm, phóng mắt nhìn thấy từng trục đường, dòng khe dưới chân núi tựa dải lụa mềm vắt hờ vào vai núi. Năm xưa, từ mái lán Tỉn Keo, Bác Hồ đã đi trên con đường này sang Tân Trào (Tuyên Quang) và ngược về Định Hóa để lãnh đạo kháng chiến. Để hôm nay những địa danh nơi Thủ đô gió ngàn đi vào sử xanh, thân thuộc, như hơi thở cuộc sống.
Tiếng chuông ngân lên mỗi sớm gọi bình minh, tan vào không gian vô tận, và lặng lẽ khắc họa lại như cuốn nhật kí vô hình trên mảnh đất Thủ đô gió ngàn. Để bao người về đây nhìn nét phong rêu bên chân Nhà Tưởng niệm, vỡ òa trong kí ức sâu thẳm lòng mình. Phải rồi, ngày 19-5-2005, Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Công trình được đánh giá là có ý nghĩa to lớn sau Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được xây dựng tại vị trí trung tâm Khu Di tích lịch sử ATK Định Hóa. Công trình do Đảng bộ, chính quyền nhân dân TP. Hà Nội tặng.
Trên tổng diện tích hơn 16.000 m2, các hạng mục công trình gồm Tứ trụ, Tam quan, Nhà Tưởng niệm được thiết kế xây dựng theo lối kiến trúc Á Đông, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với không gian, phong cảnh núi rừng Việt Bắc. Công trình chính là Nhà Tưởng niệm lưng dựa vào dải núi Hồng, cửa hướng về phương mặt trời mọc. Trầm mặc, linh thiêng mà uy nghi. Bình dị, giản đơn mà thể hiện được tấm lòng của lớp lớp cháu con thành kính biết ơn Người.
Từng hạng mục công trình đều mang ý nghĩa riêng, và khắc họa rõ nét tình cảm của các lớp cháu con đối với Người. 17 năm trước đây, khi khánh thành công trình cũng là dịp tròn 115 năm ngày sinh của Người, nên các kiến trúc sư khéo léo thiết kết từ cổng Tứ trụ tới nhà Tam quan vừa vặn 115 bậc. Tiếp từ Tam quan đến Nhà Tưởng niệm là 79 bậc đá, khắc ghi “Một mùa xuân, một đời người” với 79 mùa xuân vĩ đại.
Nhà Tưởng niệm có diện tích sàn hơn 600m2, gồm hai tầng, được xây dựng theo lối kiến trúc đền chùa truyền thống thuần Việt. Nhẹ đặt bước chân vào bên trong Nhà Tưởng niệm, thấy ngay chính giữa điện thờ tượng Bác Hồ được đúc bằng đồng. Bức tượng Người cao 99cm, do những nghệ nhân giỏi của làng Ngũ Xá (Hà Nội) chế tác. Ngước lên thấy bức hoành phi khắc dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Đối diện là bức đại tự “Hồ Chí Minh mặt trời sáng mãi”. Một câu đối sơn son thếp vàng của giáo sư Vũ Khiêu “Thâu hết tinh hoa kim cổ lại/ Xây cao văn hiến nước non này” như tỏa ánh hào quang, hội tụ hồn thiêng sông núi về một mối nước non nhà.
Từ những đỉnh của “non xa xa”, vào hôm trời trong, phóng mắt nhìn về thấy toàn bộ công trình như một đóa hoa sen vừa độ nở. Trên bông sen ấy là hàng cây vạn tuế, và xắp lớp từng vầng cây do các đồng chí lãnh đạo Trung ương; nguyên thủ các nước bạn bè năm châu khi về thăm, tự trồng với niềm tin vun đắp sâu đậm tình hữu nghị.
Bên bờ bông bụt thắp lửa tháng Năm, tiếng chuông, tiếng khánh đang đều đặn điểm vào thinh không một niềm kính nhớ ơn Người. Cái tiếng binh… boong… thong thả ấy được cất lên từ quả chuông nặng hơn ngàn kí, vang vọng tới ngàn năm sau, trước, mà cảm nhận nhẹ tênh tênh bởi gió mang đi. Giữa mùi trầm thơm của núi rừng Việt Bắc, tiếng chuông bên cửa Nhà Tưởng niệm gọi con dân trên mọi miền Tổ quốc hội về; kiều bào Việt nam xa Tổ quốc cũng hướng về với một nghĩ suy được bày tỏ lòng biết ơn trước anh linh của vị Cha già dân tộc.
Trong suốt gần 20 năm đã qua, tiếng chuông được gióng lên đều đặn mỗi ngày, cái âm hưởng thanh tao mà linh thiêng ấy lặng lẽ ăn sâu vào tiềm thức con người. Rồi như một chứng nhân của Thủ đô gió ngàn, ghi nhận tấm lòng thảo thơm của bao con người trên mọi miền đất nước. Vượt lên tất cả mọi thách thức, nghiệt ngã của thời gian, cả những lúc nhân loại đối diện với đại dịch COVID-19, tiếng chuông ấy vẫn thong thả cất lên, đều đặn như hơi thở đất trời.
Kể từ ngày tiếng chuông đầu tiên được cất lên giữa Thủ đô gió ngàn ATK Định Hóa, đến năm 2022 này đã gần 20 năm, tiếng chuông nguyện bình an mừng 132 năm Sinh nhật Người của các thế hệ cháu con chưa bao giờ ngưng nghỉ. Đều đặn, vượt lên mọi nghiệt ngã thời gian, khẳng định sự thiêng liêng trường tồn xuất phát từ trái tim các thế hệ con dân đất Việt.
Đã có khoảng 10 triệu lượt nhân dân, du khách trong, ngoài nước về đây, cùng gióng lên tiếng chuông báo công với Người. Trong đó có nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; nhiều đảng bộ về dâng hương tưởng niệm Người và tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới. Cũng ở chốn thiêng trên đỉnh đèo De, đã có nhiều đoàn khách quốc tế đến từ các nước: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Pháp, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc, Hà Lan… đến dâng hương, thành kính trước anh linh vị lãnh tụ vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới.
Trước ban thờ Người, tôi lật mở từng trang của cuốn sổ lưu bút, và đọc được ở đây những dòng chữ nắn nót của bao thế hệ, trong đó có cả chữ viết của những cựu chiến binh từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược. Bút tích của lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương; của các bạn sinh viên và của khách du lịch. Dù mỗi người một quê, một công việc, nhưng từng dòng lưu bút đều như chắt gạn lời trái tim mình, tự hứa đóng góp, cống hiến hết sức mình cho một xã hội phồn vinh thịnh vượng. Cũng trong cuốn lưu bút này, tôi gặp được dòng cảm tưởng của những công dân nước bạn Lào, Campuchia khi sang thăm, làm việc và học tập tại Việt Nam. Mộc mạc, chân thành, từng nét bút đọng lại trên trang giấy, lưu tới ngàn sau.
Đỉnh đèo De - tiếng chuông thiêng vỗ về một vùng đất bình yên; đồng thời mời gọi, nhắc nhớ con dân đất Việt một nơi chốn để đi và để về. Gióng giả, đều đặn như hơi thở của đại ngàn, ấm áp như tình người nơi sơn dã, nhắc nhớ mỗi con dân đất Việt tình yêu thương Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc.
Rồi cùng năm tháng, Nhà Tưởng niệm Người trở thành một một điểm đến hấp dẫn của nhân dân cả nước và du khách nước ngoài. Từ đây, du khách có thể đến thăm những địa danh năm xưa Bác Hồ từng ở và làm việc, như: Thác Khuôn Tát, mái lán Tỉn Keo (Phú Đình) nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đưa ra những quyết định quan trọng làm “nên thiên sử vàng” cho một dân tộc không cam chịu cúi đầu làm nô lệ.