Người Mông Thái Nguyên và bài ca vỡ núi (kỳ 3)
Phụ nữ người Mông ở xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương) trao đổi về việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, góp phần nâng cao đời sống. Ảnh: N.C |
Gần 7.000 lượt hộ được hỗ trợ giống ngô, lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hơn 250 hộ được hỗ trợ tiền mua trâu, bò giống; trên 1,3 tỷ đồng hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi; 1 tỷ đồng hỗ trợ trồng cây ăn quả; gần 5.000 lượt người tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... Các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai thực hiện hiệu quả trong 5 năm gần đây đã góp phần giúp đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Nhìn mặt trời đứng bóng, ông Trần Văn Hồ, Trưởng xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) ví von: Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người Mông mình giống như nước uống khi khát, như cơm ăn lúc đói. Đáp ơn Đảng, Nhà nước, chúng tôi nỗ lực vươn lên để miệng không thấy đắng vì bụng đói. Bụng đói cũng do cái đầu lười nghĩ, chưa chăm chỉ làm ăn. Rồi “nhàn cư vi bất thiện”, thích la cà, nghe kẻ xấu xúi giục. Vậy tôi mới bảo với đồng bào mình: Muốn xóa được nghèo thì trước hết phải xóa được “bệnh lười” từ trong suy nghĩ, thay đổi cách làm ăn để vươn lên...
Trong những năm qua, Nhà nước đã triển khai rất nhiều chương trình, dự án, chính sách dành cho đồng bào Mông, nhưng nhiều gia đình, dòng họ chưa hết nghèo. Các lý do được đưa ra, như: Thiếu đất canh tác, kiến thức sản xuất, vốn đầu tư, thiếu sức lao động và một lý do rất chân tình, tế nhị - do chưa chăm chỉ làm ăn. Ông La Văn Día, ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) thở dài: Có nhiều người thức trắng đêm chỉ để bắn được một con chuột rừng, hôm sau gọi bạn đến chơi, nấu canh cải, uống rượu cả ngày. Cả khi các đơn vị thi công đường qua xã, qua xóm, cần lao động địa phương tham gia, đến nhà “mời đi làm” lấy tiền mua ngô ăn cũng nấn ná, ngại mang tiếng. Vợ giục thì viện lý do “Thà đói chứ không để bị bóc lột sức lao động” và không đi làm. Lười không phải là bệnh lý, nhưng là tâm bệnh, rất khó chữa khỏi.
Nhà ông Día ở trên vai núi. Mỗi năm gia đình ông làm được gần 15 tấn ngô, 1 tấn thóc. Nhiều năm nay gia đình ông ăn cơm trắng thay bột mèn mén. Thấy ông làm được, nhiều người chui khỏi chăn, đi làm, tự cứu đói cho mình. Bệnh lười không chữa mà tự khỏi. Khi bệnh lười khỏi hẳn thì ai nấy biết quý trọng thời gian, không nề nan công việc ruộng rẫy, tận dụng đất đai trồng thêm cỏ chăn nuôi trâu, bò, hoặc tích cực đi làm thuê tăng thu nhập. Mỗi người một cách làm. Ví như gia đình bà Vi Thị Sản, ở xóm Pác Máng, xã Định Biên (Định Hóa). Nhà có 2ha đất ruộng, từ 3 năm nay, bà cho máy san ủi, đắp bờ trữ nước thành hồ. Bà chia sẻ: Từ sau Tết Nguyên đán, hồ cạn trơ đáy, tôi làm đất gieo lúa, đợi mưa xuống thì mua cá giống về thả. Toàn bộ số lúa gieo dưới hồ trở thành thức ăn tại chỗ nuôi béo cá. Đến vụ mùa, tôi tháo nước bắt được hơn 1 tấn cá, sau đó gieo cấy lúa vụ mùa lấy thóc ăn cả năm...
Có ruộng sản xuất, bà con người Mông ở khu Lân Chiêu, xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) tích cực đưa các giống ngô mới vào trồng để nâng cao năng suất, sản lượng. Ảnh: L.P
Tất nhiên, tư duy làm kinh tế mạnh bạo của bà Sản không phải ai cũng theo được. Nhưng ở các xóm đồng bào Mông trên vai núi, hầu hết các hộ bị thiếu đất sản xuất, nhà đông miệng ăn, giữa thiếu khó đến rỗng nhà thì nảy ý tốt, tìm ra đáp án của “bài toán” lo lương thực. Ông Dương Văn Sình, ở xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) phấn chấn: Thấy trên các lũng núi có nhiều bãi đất để cây dại mọc, tôi tìm chủ đất xin mượn trồng cây ngô lai. Từ 9 năm gần đây, gia đình tôi thu được hơn 10 tấn hạt ngô/năm. Nhiều nhà trong xóm cũng đi thuê đất trồng ngô hoặc trồng rừng, cây ăn quả.
Còn chị Lý Thị Sầu, ở xóm Lân Vai, xã Dân Tiến (Võ Nhai) khoe: Thấy dưới chân núi, bà con người Tày, người Kinh bỏ ruộng đi làm việc tại các công ty, chúng tôi đến xin thuê lại để cấy lúa và trả tiền thuê đất là 40kg thóc/sào/vụ. Tiếp lời vợ, anh Hoàng Văn Khình - chồng chị Sầu - cho biết: Xóm có gần 60 hộ thì hơn 50 hộ xuống núi thuê đất cấy lúa. Các hộ có nhiều lao động là như nhà anh Hầu Văn Thành, Hoàng Văn Lý và Hầu Văn Sinh thì thuê làm hơn 4 sào ruộng, còn chủ yếu thuê mượn được 1-2 sào cấy lúa.
Không riêng ở Trung Sơn, Lân Vai, mà người Mông trên khắp các vai núi của Thái Nguyên dần nắm bắt cơ hội, tìm được lời giải cho “bài toán” giảm nghèo bằng cách đi thuê đất. Đất cao trồng ngô, chè, cây ăn quả, đất dốc trồng rừng, còn đất thuận nước thì cải tạo làm ruộng cấy lúa. Qua hết vụ xuân lại tới cấy vụ mùa, những gia đình người Mông cần cù quanh năm có thóc, ngô xếp chật gác sàn. Nhiều hộ dùng tiền tích lũy được mua thêm đất sản xuất. Anh Hoàng Văn Thành, ở xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương) cho biết: Gia đình tôi có 3 sào ruộng cấy 2 vụ lúa, nuôi đủ 4 miệng ăn. Còn với tiền tích lũy được từ đi làm thuê, mỗi năm một ít, đến nay vợ chồng tôi đã mua được thêm 14ha đất đồi để trồng rừng...
Tôi còn nhớ ít năm trước, nhiều người Mông xuống chợ là “không say không về”. Cũng vì say rượu mà nhiều người đàn ông trung tuổi hoặc thanh niên trai tráng ngật ngưỡng đi về, gà gật chửi đời, thậm chí nằm vật bên lề đường ngủ mê mệt. Cực nhất là các bà vợ phải ngồi đó, lấy ô che để chồng không bị cảm chết. Nay đã khác nhiều. Người Mông xuống chợ, gặp nhau không lấy lượng rượu “đổ” vào dạ dày làm “thước đo” tình cảm. Bên đường lên vai núi không còn cảnh chàng trai Mông nằm bên đường trong tình trạng say xỉn, quần áo bê bết bùn đất, hoặc chân đi chữ chi “húc”đầu vào núi.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lý Văn Sinh, ở xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai) tâm đắc: Người Mông đã biết bỏ đi những gì lạc hậu để nắm bắt cơ hội vươn lên phát triển kinh tế… Là người Mông từ Cao Bằng di cư về, nhưng gia đình ông Sinh đã làm được ngôi nhà sàn 3 gian, 2 trái bằng cột gỗ nghiến xẻ vuông. Ngoài trồng ngô, cấy lúa, ông còn là “chuyên gia” nuôi gột béo trâu, bò ở xóm. Không chỉ chăm lo cho gia đình mình, ông tích cực hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm trồng cỏ, nuôi gột béo trâu, bò để bà con có thêm thu nhập.
Ở Thái Nguyên có chừng hơn 100 hộ người Mông đầu tư chăn nuôi từ 5 đến hơn 10 con trâu, bò. Người được mệnh danh nuôi bò “khủng” (tức là con bò to, cho lượng thịt lớn) là bà Ngô Thị Minh, ở xóm La Mạ, xã Lâu Thượng (Võ Nhai). Người nuôi trâu “khủng” là ông Hoàng Văn Bình, ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Bà Ngô Thị Minh cho biết: Mỗi con bò tôi bán được 40 triệu đồng, mới rồi bán 2 con lấy tiền cho các cháu ăn học. Còn ông Hoàng Văn Bình kể: Tôi duy trì đàn trâu từ 5 đến 7 con. Tôi chọn loại trâu lớn, trâu trọi để nuôi gột vỗ, có năm bán được hơn 10 con, với giá bán 60-70 triệu đồng/con… Hỏi kinh nghiệm gột béo trâu, bò hiệu quả, bà Minh, ông Bình đều nói vô tư: Cần cù, chăm chỉ, chịu khó thức khuya dậy sớm, không để trâu, bò bị đói thì bụng mình được no...
Cái triết lý “tay làm, hàm nhai” rất đời thường ấy đã nâng đỡ bao gia đình người Mông vượt qua đói nghèo, nhiều người vươn xa hơn trong cuộc sống. Điển hình là chị Hoàng Thị Tùng, ở xóm Na Sàng, hiện làm giáo viên Trường Tiểu học Phú Đô (Phú Lương); chị Hoàng Thị Mai, ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, hiện làm bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Hỷ. Nhiều con em đồng bào Mông trở thành sĩ quan trong lực lượng vũ trang... Tôi thầm nhủ: Tư duy kinh tế thời công nghệ 4.0 đã “bén rễ” vào đời sống đồng bào Mông. Và, sự năng động là cách để bà con rũ bỏ được thói quen trông chờ ỷ lại, chủ động nắm bắt cơ hội vươn lên, bắt nhịp cùng sự đổi mới của đất nước.