Người phụ nữ “ba không” cùng năm nghìn cây chè hoa vàng
Vườn cây chè giống của chị Lộc Thu Hường. |
Năm nay xem chừng rét sớm. Mới tháng Mười Dương lịch, người ra đường đã phải mặc vài ba lượt áo. Ngồi trước căn nhà cấp 4 ở xóm Na Long, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ), tôi co ro đón những đợt gió lạnh liên tiếp ào tới. Tôi hỏi người phụ nữ nhỏ nhắn ngồi trước mặt mình: Mùa Đông ở đây chắc lạnh lắm nhỉ? Cô cười hồn nhiên: Em quen rồi chị ạ.
Là người quê gốc ở nơi “Đệ nhất danh trà”, tôi đã đến hầu hết những vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên. Ấy vậy mà tận khi đến vườn của chị Hường - người đang ngồi chịu rét cùng tôi kia - tôi mới biết cây chè hoa vàng, dù nghe về “Nữ hoàng của các loại trà” đã lâu. Hóa ra, chè hoa vàng khác hẳn về hình dáng với cây chè xanh thông thường.
Khác biệt lớn nhất của chè hoa vàng chính là ở bông hoa. Với các loại chè thông thường, hoa chè thường nở cuối mùa Đông, được gọi là hoa báo Xuân: “Có loài hoa trắng trong/Nhụy vàng thơm từ tốn/Tự nở giữa mùa Đông/Không chờ Xuân đến đón (Bài thơ Hoa sớm của Nhà thơ Ma Trường Nguyên). Màu trắng tinh khôi nổi bật giữa màu xanh mỡ của lá, hoa chè nở âm thầm rồi rụng, ít mang lại giá trị kinh tế.
Chè hoa vàng lại khác, bắt đầu nở vào đầu Đông (tháng 11 Dương lịch), mỗi bông hoa đều được nâng niu vì giá bán rất cao. Mang màu vàng tươi của nắng, hoa mọc từ kẽ lá, dọc cành cây, lộng lẫy và thơm nức. Những bông hoa vàng rực (kể cả khi sấy khô vẫn mang màu vàng nguyên thủy) được người ta tìm kiếm mua về sử dụng vì ở đó có vô vàn hoạt chất có ích cho sức khỏe con người đã được khoa học chứng minh. Nào giảm mỡ máu, ổn định huyết áp, tốt cho tim mạch, đẹp da, có thể chống được cả ung thư và kéo dài tuổi thọ…
Cũng bởi thế nên dù ẩn mình trong rừng sâu núi thẳm nhưng cây chè hoa vàng có nguy cơ bị tận diệt, trong khi rất ít nơi gây dựng thành vùng chè nguyên liệu. Ngay ở Thái Nguyên, địa phương gần “vựa” chè hoa vàng tự nhiên là dãy núi Tam Đảo, cũng chỉ có vài nơi nhân giống loài cây này.
Chị Lộc Thu Hường, chủ nhân của vườn ươm cây chè hoa vàng là người phụ nữ khá đặc biệt. Chị sinh ra ở xóm Bản Chấu, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), học hết lớp 6 thì phải ở nhà trồng cấy kiếm ăn. Chị kể: Như là cái duyên khó lý giải, năm 16 tuổi em nhặt được một bài báo viết về cây chè hoa vàng. Từ đấy đầu em “găm” tên cây chè này, nhớ nhất là hoa của nó đắt như vàng.
Chưa kịp tìm hiểu về cây thì Hường được gả bán cho một gia đình ở bản Muốc (nay là xóm Nà Bó), xã Liêm Thủy, huyện Na Rì (Bắc Kạn). Cô gái Tày yên phận ruộng nương, sinh con đẻ cái. Một ngày của năm 2008, bản cô xuất hiện sự lạ. Có người đi khắp bản hỏi mua cây chè hoa vàng, riêng hoa tươi họ mua với giá hơn 1 triệu đồng/cân, số tiền này có thể chi dùng cả tháng trời cho một gia đình ở đây. Dân bản Muốc hồ hởi kéo nhau vào rừng tìm kiếm, Hường cũng ở trong số đó. Cánh rừng Bản Cái cách nhà cô chừng 2km là nơi cô tìm được cây chè hoa vàng đầu tiên. Thế rồi từ đấy, sáng vào rừng tìm cây, chiều đã có khách mua. Những đồng vốn đầu tiên Hường có là từ 800 cây chè hoa vàng tìm được ở những cánh rừng Na Rì.
Nhận thấy thị trường của trà hoa vàng rất lớn, trong khi cây mọc trong rừng tự nhiên đang dần cạn kiệt, năm 2018, cô gái học hết lớp 6 này quyết định làm việc lớn: Rời Na Rì, thuê đất gần thành phố Thái Nguyên làm trang trại ươm cây giống để bán.
- Em đến các xóm bản ở huyện Võ Nhai, Phú Lương, Đại Từ đặt mua cây, về em cắt cành, ươm bầu, chăm sóc cho ra rễ, sau 1 năm bán từ 200 đến 500 nghìn đồng/cây - Hường tính toán thật thà.
- Em có được học về chiết ghép hoặc có người nào hướng dẫn kỹ thuật không? Tôi hỏi.
- Không, em cứ tự lần mò thôi - Hường chỉ tay sang khu đất mênh mông - Em thuê chỗ này của một chủ ở thành phố, 8.000m2 tất cả. Lúc em mới đến chỗ này hoang hóa, cỏ gai rậm rì. Con cái đi học xa, em một mình phát cỏ, làm cổng, quét vôi cải tạo cái bếp cũ thành chỗ ở, rồi mua cây, cắt ghép, vào bầu, ship hàng. Có đêm em làm đến 2-3 giờ sáng. Em còn chăn gà, trồng rau tự túc thực phẩm.
Nghe Hường nói thì nhẹ nhàng thế, nhưng tôi mường tượng cảnh người đàn bà lọt thỏm trong vùng cây cối um tùm, ngày khỏe đã vậy còn có lúc ốm đau… mà phục cái ý chí làm giàu của Hường.
3 năm đến với chè hoa vàng, Hường rút ra nhiều kinh nghiệm: Cành bánh tẻ hoặc cành non ươm dễ sống hơn. Em “tham” ươm mấy gốc to đùng kia, không lên nổi chị ạ. Rồi Hường tính với tôi: Từ chỗ không có hào nào, trà hoa vàng đã cho em 2 tỷ đồng. Ngoài chi dùng, nuôi con, số tiền vốn và lãi đang nằm ở hơn 5.000 cây giống kia.
Dẫn tôi ra thăm vườn, Hường giới thiệu: “Thằng” lá to đùng mầm tím này là Hakoda, thằng này là Phani (Thái Nguyên) lá nhỏ, “thằng” này là “trà lông”, thân cây có lông như mua rừng... Tôi thích thú ngắm các mảng màu trong vườn. Những búp chè non mới chồi lên tím ngắt, xòe thành lá to hơn thì chuyển sang màu đỏ tía, rồi dần chuyển màu xanh nhạt, xanh đậm, xanh bóng. Vườn cây đổi màu kỳ ảo ngay trước mắt tôi.
Gần 2 năm dịch COVID-19, vườn hầu như “đóng băng”, nhiều đơn hàng Hường nhận tiền rồi mà cây không mang đi được. Nhiều cây to bằng bắp tay người lớn, lá như cái quạt con. Nhiều cây nụ bằng hạt ngô chi chít.
Từ chỗ rất “lớ ngớ” về cây chè hoa vàng, đến nay Hường đã tạo dựng được nhiều mối hàng ở các tỉnh Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh… Nếu không có dịch COVID-19, tôi có lẽ không được ngắm vườn giống nhiều cây đến thế.
Tìm hiểu về cây chè quý hiếm này, tôi biết trên thế giới còn khoảng 50 loài phân bổ ở vùng núi cao thuộc các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Đông Bắc châu Mỹ, vùng Tây Nguyên và tỉnh Quảng Trị. Việc chiết, giâm cành để phát triển và bảo tồn loài gien quý hiếm được các tỉnh có cây bản địa quan tâm. Các công viên chè hoa vàng diện tích 5 đến 10ha ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Vườn Quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng), Phong Nha (Ninh Bình) ra đời theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh. Sản phẩm hoa được cấp chứng nhận OCOP để dễ dàng tiêu thụ. Nhiều công ty dược liệu chủ yếu về sản phẩm trà hoa vàng ra đời như Công ty TNHH Vũ Gia (Ninh Bình), Công ty TNHH Kim Hoa Trà (Lâm Đồng), Công ty TNHH Ba Chẽ (Quảng Ninh)… Đây cũng là các đối tác thường “ăn hàng” cây chè hoa vàng của Hường.
Từ các cuộc điền dã công phu, ông Mông Đông Vũ - nhà văn hóa trà của Thái Nguyên - khẳng định: “Cây chè hoa vàng có mặt ở khắp nơi trong tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt nó phân bố nhiều ở sườn Đông dãy núi Tam Đảo và một số nơi ở huyện Định Hóa, Phú Lương và Võ Nhai.
Từ lâu, người dân Thái Nguyên đã biết đến chè hoa vàng và nhiều người đã thu hoạch hoa, lá, đào đốn cây để bán sang Trung Quốc. Cho đến nay cây chè hoa vàng ở Thái Nguyên chẳng còn lại bao nhiêu và có lẽ sắp đến ngày tuyệt chủng”.
May sao vẫn còn một số nhà vườn bảo tồn, nhân giống cây chè hoa vàng theo cách tự phát như chị Hường. Nhưng có lẽ chị Hường là người đặc biệt nhất, vì chị đến với công việc này từ “ba không”: Không vốn, không kiến thức và không có người đồng hành. Chị đang rất cần một “điểm tựa” như là hợp tác xã, tổ liên kết hoặc sự giúp đỡ của nhà khoa học. Nghĩa là cần có bàn tay của cơ quan chức năng trong quản lý và nâng đỡ người nông dân mong muốn làm ăn lớn.
Tôi thấy buồn khi nhớ đến câu nói của Hường khi chia tay tôi: Tình hình làm ăn khó khăn này không biết em có trụ lại với nghề ươm cây nữa không? Hay lại về Na Rì phát rẫy chị ạ.