Nhen nhóm niềm vui ở bản nghèo
Phân trường Mầm non và Tiểu học bản Tèn được đầu tư xây dựng khang trang vào năm 2020. |
Ở Văn Lăng (Đồng Hỷ), bản Tèn - nơi có 100% hộ đồng bào người dân tộc Mông sinh sống đang có nhiều hộ nghèo nhất xã (138/139 hộ nghèo). Dẫu vậy, không thể phủ nhận, bản Tèn hôm nay đã đổi thay rất nhiều! Con đường bê tông xuyên qua vách núi giúp người dân nơi đây đi lại thuận tiện hơn; bà con đã mạnh dạn đưa những cây, con giống mới vào sản xuất. Cuộc sống của người dân nơi đỉnh núi mờ sương ấy đã không còn cảnh thiếu lương thực như 10 năm về trước…
Bản Tèn không còn xa
Hơn 20 năm làm báo, đã đặt chân đến rất nhiều bản, làng vùng cao của Thái Nguyên nhưng tôi luôn lỡ hẹn với những chuyến lên Tèn. Còn nhớ gần 20 năm trước, khi đã chuẩn bị đầy đủ thịt, gạo, rau xanh để lên Tèn hòa mình với cuộc sống của người dân nơi rẻo cao thì hôm sau, trời mưa như trút nước.
Ngày ấy, đường lên Tèn “khó như lên trời” vậy. Để đến được với bản người Mông này chỉ có một con đường mòn lổn nhổn đá và đá, dốc cao đến tức ngực. Từ phía chân núi lên bản Tèn chỉ chừng 5km nhưng phải đi bộ mất vài giờ đồng hồ. Bởi vậy, khi mưa to, đồng nghĩa với việc con đường khó đi hơn rất nhiều. Vì thế, tôi đành lỡ hẹn với Tèn. Khi ấy, từ trung tâm thành phố Thái Nguyên đi Văn Lăng (khoảng 20km) đường gập ghềnh, khúc khuỷu; từ trung tâm xã lên Tèn cũng trắc trở vô cùng. Bởi vậy, nghĩ về bản Tèn mà thấy xa vời vợi.
Sau lần ấy, mải mê với công việc và những lo toan trong cuộc sống nên tôi cũng chưa có thời gian lên bản Tèn để cảm nhận những khó khăn, vất vả của người dân nơi thung núi mờ sương. Vì thế, 10 năm sau, khi được một đồng nghiệp gợi ý, tôi không ngần ngại gật đầu tham gia chuyến đi bản Tèn. Thật không may, sáng hôm sau, tôi bị cảm lạnh phải nằm bẹp trên giường. Vậy là thêm một lần nữa, tôi lại không thực hiện được lời hứa với chính mình.
5 năm sau (tháng 3-2018), hình ảnh cánh đồng hoa tam giác mạch ở bản Tèn được “tung” lên không gian mạng thật đẹp mắt. Không cần lên Hà Giang, người dân Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận vẫn có thể hòa mình trong vẻ đẹp của hoa tam giác mạch ở bản Tèn. Thông tin ấy khiến cho tôi rất “ngứa chân, ngứa tay” muốn “phi” ô tô lên Tèn ngay “tắp lự”. Vậy mà thời điểm này, người thân của tôi lại “lăn” ra ốm, phải nằm viện gần 3 tuần nên toàn bộ thời gian của tôi chỉ quanh quẩn từ cơ quan, đến hội nghị và ở viện. Khi người thân khỏe lại cũng là lúc hoa tam giác mạch đã tàn nên mong muốn lên Tèn của tôi cũng tàn theo.
Tôi đã từng có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước khi đi Tèn nhưng đều lỡ hẹn. Vậy mà khi không có sự chuẩn bị thì chuyến đi lại dễ dàng và thuận lợi như thế. Một buổi tối tháng 4, chị bạn a lô thông báo chuyến đi Tèn đầy hào hứng vào hôm sau. Và cứ thế, chuyến đi thật thuận lợi. Đoàn chúng tôi 4 người vi vu trên chiếc xe ô tô nhỏ loáng cái đã đến chân núi (địa phận xóm Văn Khánh) dẫn lên bản Tèn. Điều khiến mọi người thích thú là giờ đây đường lên Tèn đẹp như trong tranh. Men theo triền núi, con đường bê tông dẫn lên bản giống như con trăn trắng khổng lồ ngoằn ngoèo bò theo vách núi. Phía bên này là núi, bên kia là vực sâu, nhiều chỗ xen kẽ những ruộng lúa bậc thang trông thật đẹp mắt.
Để có con đường bê tông dài 5km, nền đường rộng 4m xuyên qua vách núi này, Nhà nước đã đầu tư vào đây khoảng 40 tỷ đồng. Từ khi con đường hoàn thành, đưa vào sử dụng (khoảng 6 năm nay), bản Tèn không còn cách biệt với bên ngoài như trước nữa. Người dân bản Tèn chạy xe máy từ trên núi xuống trung tâm xã, ra trung tâm huyện, về thành phố Thái Nguyên chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ.
Anh Lý Văn Sỹ, Trưởng bản hào hứng cho biết: Từ ngày có con đường “mới” (đường được mở rộng đổ bê tông), người Mông ở Tèn vui lắm! Mang đồ ra chợ bán cũng dễ, muốn mua hàng hóa cũng không phải “cõng” trên lưng đi bộ, vượt núi về bản như trước.
Niềm vui càng được nhân lên khi đúng dịp Tết Nguyên đán 2017, điện lưới quốc gia đã về với bản người Mông nằm gọn trong thung lũng trên đỉnh núi cao chon von. Năm 2020, phân trường mầm non, tiểu học được xây dựng khang trang cũng mang đến cho bản Tèn những hy vọng mới. Mỗi ngày, hơn 200 học sinh đều được đến trường học với thầy cô, bè bạn. Vui hơn là khi học xong bậc tiểu học, việc học lên cao của con trẻ sẽ không còn bị ngăn cách bởi con đường gập ghềnh khó đi như trước nữa…
Thắp lên niềm hy vọng mới
Thời gian gần đây, người dân bản Tèn rất hỉ hả khi đợt trước Tết vừa rồi, 14 con lợn lai (hướng nạc) được Nhà nước hỗ trợ cho 7 hộ dân được xuất bán với giá cao. Thường giống lợn lai được nuôi theo hướng bán công nghiệp, nhưng ở bản Mông này, bà con lại nuôi bằng sản phẩm sẵn có là ngô, sắn… Điều khiến bà con hài lòng chính là trọng lượng của mỗi con lợn đều đạt khá. Sau gần 1 năm, có con lợn đã đạt trọng lượng hơn 1 tạ. Đáng nói, xuất chuồng lứa lợn đúng dịp Tết Nguyên đán nên giá bán khá cao (thu từ 5 đến 6 triệu đồng/con).
Nuôi lợn hướng nạc mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân bản Tèn.
Anh Lý Văn Giai, một người dân được hỗ trợ lợn cho biết: Giống lợn này nuôi nhốt, hay ăn chóng lớn, không bị ốm nên mình rất phấn khởi. Nuôi lợn lai mà thu được nhiều tiền thế này thì phải tiếp tục nuôi thôi. Lứa tới, nhà mình sẽ bỏ tiền ra mua 4, 5 con lợn lai về nuôi.
Ông Trương Công Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng nhận định: Giống lợn địa phương năng suất thấp, khi được xuất bán, số tiền thu được không đáng là bao. Tuy nhiên, giống lợn lai khi được chăn nuôi theo tập quán người Mông vẫn lớn nhanh, mà chất lượng thịt lại cao, người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu ra thuận lợi, giá bán cao.
Như vậy, cùng với việc chăn nuôi đại gia súc (bản hiện có trên 100 con trâu, bò) thì người dân đã bắt đầu làm quen với việc chăn nuôi lợn lai. Những kết quả có được từ mô hình chăn nuôi lợn lai đầu tiên ở bản đã mở ra cho người Mông nơi đây một hướng đi đầy triển vọng.
Theo ông Trương Công Hiền, hiện nay địa phương đang giao cán bộ xã phối hợp với cán bộ huyện Đồng Hỷ hướng dẫn người dân trồng các loại rau xanh như rau cải, quả đỗ xanh, su hào… để tạo ra nguồn thực phẩm sạch cung ứng cho thị trường thành phố Thái Nguyên. Qua đó tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong bản.
Đặc biệt, thành công của lễ hội văn hóa dân tộc Mông được tổ chức tại đây vào cuối tháng 3-2018 đã cho thấy nếu được đầu tư đúng hướng, bản Tèn có thể trở thành một điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đầy hấp dẫn. Thời điểm ấy, những chân ruộng bậc thang ở bản Tèn trồng kín hoa tam giác mạch đã khiến bao người mê mẩn. Trong hương xuân tháng Ba, bản Tèn như khoác lên mình tấm áo mới, lộng lẫy và quyến rũ. Vẻ đẹp của Tèn càng được khơi gợi khi vào vụ lúa mùa năm 2021 vừa qua, những chân ruộng bậc thang vàng rực trong nắng khi lúa chín cũng gây “sốt” cộng đồng mạng và thu hút rất nhiều du khách đến đây.
Bởi vậy, để người dân ở Tèn thoát nghèo bền vững, việc tạo sinh kế dài lâu cho bà con vẫn cần được các cấp, ngành chức năng trong tỉnh quan tâm nhiều hơn. Bên cạnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nhất là phát triển những loại cây, con giống được coi là thế mạnh của địa phương; đầu tư thực hiện các mô hình sản xuất (năm 2021, huyện xây dựng 11 mô hình) thì việc định hướng và hỗ trợ người dân phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là rất cần thiết.
Ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhận định: Nếu được định hướng đúng đắn và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, người dân bản Tèn chắc chắn sẽ thoát nghèo.