Sống chậm những ngày cách ly

Cập nhật: Chủ nhật 28/11/2021 - 07:53
 Lấy mẫu xét nghiệm cho công dân trong khu cách ly.
Lấy mẫu xét nghiệm cho công dân trong khu cách ly.

Lần thứ hai trong đời tôi được sống ở khu ký túc xá sinh viên sư phạm. Nhưng trong một hoàn cảnh đặc biệt hơn: Đi cách ly tập trung.

Buổi chiều hôm ấy vừa đi làm về, tôi nhận được thông tin ở Siêu thị Minh Cầu xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, kèm đó là thông báo khẩn tìm những người đã đến siêu thị vào khung giờ 17-17 giờ 30 phút ngày đó. Chỉ kịp cất ba lô vào phòng, tôi ra ngay trạm y tế phường khai báo. Khai báo xong, cán bộ y tế nói em thuộc diện đi cách ly tập trung, về tranh thủ ăn tối rồi chuẩn bị đồ đạc, 30 phút nữa xe của Trung tâm Y tế thành phố đến đón.

18 giờ 45 phút ngày 4-11, chị cán bộ ở trạm y tế gọi, tôi chưa kịp tắm rửa, ăn tối, chỉ vơ vội mấy bộ quần áo và đồ dùng thiết yếu rồi lên xe đi ngay. Cậu con trai 4 tuổi đang ngồi ăn, bưng bát cơm chạy theo bám chặt áo mẹ mếu máo: “Mẹ ơi, mẹ đi đâu đấy, con không cho mẹ đi đâu”… Bà ngoại chạy vào trong nhà khóc: “Năm nay sao thế, hai chị em đều phải đi cách ly”. Tôi cười gượng, cố nói giọng bình tĩnh, trấn an bà: “Con tiêm 2 mũi vắc xin rồi, lại đeo khẩu trang và không tiếp xúc trực tiếp F0, chẳng sao đâu mẹ”. Quay sang hai đứa nhỏ, tôi dặn: “Mẹ đi công tác mấy ngày lại về thôi, các con ở nhà với bà ngoan nhé!”, rồi vội quay đầu đi.

18 giờ 52 phút, tiếng còi xe y tế hú trước cửa trạm, tôi cùng 4 người khác cùng phường được đưa vào khu cách ly mới của thành phố ở ký túc xá Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Nhìn dòng người đổ về khu cách ly mỗi lúc một đông, tâm trạng tôi thật sự rất khó tả. Viễn cảnh về công việc tạm ngừng lại, lo cho gia đình, lo lây chéo bệnh trong khu cách ly khiến trong tôi lẫn lộn nhiều cảm xúc, khó diễn tả thành lời.

Tới nơi cách ly, tôi và mọi người được sắp xếp chỗ ở, ăn, ngủ, tiếp nhận những quy định chung về phòng, chống dịch và cách thức xử lý tình huống có thể xảy ra. Nhìn phòng ở và đống đồ đạc lộn xộn, người thì hôi bẩn, bụng lại réo sôi, tôi chỉ biết thở dài ngao ngán.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Quản trị kinh doanh học online trong khu cách ly.

20 giờ 15 phút, lực lượng phục vụ đến từng phòng hỏi mọi người kịp ăn tối chưa, có ăn cơm hay bánh không để họ mang đến. Nhìn chiếc bánh mì chồng chuẩn bị cho lúc tối, tôi mới cắn vội được 2 miếng trước lúc lên xe vẫn nằm một góc trong túi, cổ họng tôi nghèn nghẹn…

Đêm ấy, bao tâm trạng lo lắng, buồn bã lẫn lộn khiến tôi không thể nào ngủ được. Khuya rồi vẫn thấy tiếng bước chân rầm rập của cán bộ y tế và người mới chuyển vào khu cách ly nói chuyện. Con số F1 đi cách ly của thành phố đã lên hàng trăm người. Khu cách ly ngày đầu hoạt động dự kiến đón khoảng 200-300 người nhưng giờ đã lên đến gần 400. Hai giờ sáng, tôi vẫn trằn trọc, xoay người hết bên nọ đến bên kia. Biết bao tin nhắn, cuộc điện thoại gọi lỡ của mọi người mà tôi chưa kịp trả lời. Gần sáng, tôi mỏi quá thiếp đi lúc nào không hay.

Sớm hôm sau tỉnh dậy, theo thói quen tôi bước xuống giường đánh răng rửa mặt rồi tìm điều khiển ti vi xem thời sự buổi sáng và định pha một cốc trà thải độc. Nhìn quanh, phòng mình ở không có tivi, cũng chẳng có trà hoa để uống. Tiếng ù ù ngoài cửa như tiếng máy cắt cỏ. Tôi hé cửa trông ra thấy nhân viên đang phun khử khuẩn hành lang các tầng, chợt nhớ mình đang ở trong khu cách ly.

Khoảng 8 giờ sáng, mọi người trong phòng chúng tôi được lực lượng phục vụ mang đồ ăn đến tận cửa. Bữa trưa, tối đều đặn, đầy đủ chất dinh dưỡng. Giữa buổi, chúng tôi được gọi đi lấy mẫu xét nghiệm PCR.

Những ngày ở đây, thời gian trôi qua thật chậm. Tôi cố gắng in sâu trong đầu suy nghĩ, coi như sống lại kỷ niệm thời sinh viên ở giường tầng ký túc xá. Mặc dù thế vẫn không thể nào quên nỗi ám ảnh mỗi khi có tiếng loa gọi phòng nào đó dọn đồ xuống sảnh (thường là các mẫu xét nghiệm nghi dương tính, hoặc F1 chuyển lên F0) cùng nỗi sợ vô hình về những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Sau những lần lấy mẫu xét nghiệm là sự hồi hộp, lo lắng, chờ đợi và đến khi được thông báo các mẫu âm tính, mọi người vỡ òa sung sướng. Chúng tôi chỉ thiếu nước ôm chầm lấy nhau mà thôi.

Những ngày sau đó, chúng tôi thích ứng dần với nhịp sống mới trong khu cách ly. Mọi người cũng vui vẻ, lạc quan hơn. Phòng tôi ở có sáu chị em, trong đó một nửa là gia đình riêng, còn lại là sinh viên. Không ai bảo ai, mọi người cùng bảo nhau dọn dẹp vệ sinh chỗ ở, giữ gìn 5K thật tốt cho mình và tập thể.

Đọc quyết định hết cách ly với các công dân.

Chúng tôi chia sẻ với nhau những câu chuyện vui, tích cực về cuộc sống. Tôi mang mấy cuốn sách trước đây mình đang đọc dở. Dùng điện thoại vào mạng đọc, nắm bắt các thông tin, gọi điện, trao đổi email công việc bình thường với mọi người. Các thầy cô giáo và các em học sinh, sinh viên vẫn duy trì thói quen lên lớp học online mỗi ngày. Sáng, chiều, tôi huy động chị em cùng tập thể dục cho cơ thể khỏe khoắn chứ không cả ngày chỉ ăn và ngủ.

Chỉ không hề thoải mái với cảm giác cả ngày lẫn đêm đều phải đeo hai lớp khẩu trang bí bách. Và nỗi nhớ con da diết, nhớ cuộc sống bên ngoài vì “cái chân” hay đi của cô phóng viên nay phải ngồi yên một chỗ. Mặc dù ngày nào cũng gọi điện messenger về cho gia đình, người thân mà chúng tôi vẫn nhớ.

Bạch Thị Bảo Ngọc, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) rưng rưng: Con em mới 22 tháng chị ạ, đêm nằm không có nó, thấy khó ngủ quá. Chỉ muốn nhanh hết 14 ngày để về ôm con thôi!

Nghe Ngọc nói, trong đầu tôi chợt hiện lên hình ảnh cậu con trai út bám chặt áo mẹ mếu máo hôm tôi đi cách ly. Bỗng nôn nao nhớ những âm thanh cuộc sống mỗi ngày của gia đình. Là tiếng giục giã của vợ chồng tôi mỗi sáng đánh thức tụi trẻ con dậy chuẩn bị đi học. Là tiếng cười của các con khi mẹ đi làm về mua đồ chơi mới, khi cuối tuần nấu một bữa cơm ngon cho cả gia đình. Tôi nhắm mắt lại, ngắm nhìn thế giới bên ngoài trong đầu, ước ao thời gian qua nhanh hơn để được bình an trở về khoảng trời tự do ấy.

Ở trong khu cách ly mới thấy biết ơn đội ngũ tình nguyện viên. Họ hy sinh hạnh phúc cá nhân và gia đình để chăm sóc và bảo vệ người dân. Những bộ đồ bảo hộ che bộ quần áo ướt đầm mồ hôi của họ khiến chúng tôi chỉ quen giọng nói chứ chẳng hề biết mặt, tên họ.

Hôm đầu, chỉ có 4 người phục vụ, gần 400 con người từ đưa nhu yếu phẩm đến cơm, nước mỗi ngày. Còn mấy bận giao đồ người nhà gửi vào, vận chuyển rác ra khu riêng. Đến phun khử khuẩn, đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm. Có lẽ gối họ cũng chùng xuống. Vất vả và nguy hiểm nữa! Bất kể sự phàn nàn, trách móc của một số người sao mang đồ đến muộn thế, cơm giờ này vẫn chưa được ăn để chúng tôi chết đói à, họ vẫn nhẹ nhàng giải thích, không hề to tiếng hay nói lời khiếm nhã, bực dọc. Trong tình cảnh cách ly, được chăm lo tận tình mới thấm thía những năng lượng tích cực và sự yêu thương, những câu chuyện đẹp trong cuộc sống ngày dịch bệnh. Thấy những bức bối, nóng giận, đổ lỗi, phán xét của mỗi người ban đầu mới vào khu cách ly trở nên thật vô lý.

Chị Dương Thị Quỳnh, giáo viên Trường THCS Tích Lương chia sẻ: Người vào khu cách ly đông như thế. Lực lượng quân sự, công an, y tế cũng ở đây từ những ngày đầu có dịch, luôn sẵn sàng và hết mình phục vụ nhân dân. Lúc nào cũng nói xin lỗi vì chưa có điều kiện tốt nhất để phục vụ bà con, mong bà con thông cảm. Lúc nào cũng động viên mọi người hãy ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng, giữ gìn vệ sinh thật tốt. Thế nhưng, họ quên mất chính mình cũng là người cần được quan tâm và chăm sóc.

Rồi thời gian 14 ngày cách ly cũng kết thúc. Nghe thông báo các mẫu xét nghiệm lần ba của mọi người đều âm tính, ngày mai kết thúc cách ly được trở về nhà, chúng tôi cười to thành tiếng nhưng nước mắt lại ứa ra…

Đi cách ly tập trung là một trải nghiệm không quên trong đời mà chẳng ai mong muốn và tôi đã có những ngày như thế. Quãng thời gian này tôi cảm nhận thêm bao giá trị tình cảm gia đình, tình người trong cuộc sống. Những tin nhắn, cuộc gọi động viên, những món đồ người thân, bạn bè chuẩn bị chu đáo gửi vào... đã tiếp thêm biết bao động lực cho chúng tôi. Mọi người vẫn nói vui: Hãy coi đây là chuyến nghỉ dưỡng để sống chậm và tận hưởng. Vâng, đây có lẽ là chuyến nghỉ dưỡng đặc biệt nhất mà tôi không bao giờ quên...

Linh Lan
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: