Về Cầu Đã xem người dân làm ăn lớn
Mỗi xưởng sản xuất gỗ bóc ở Cầu Đã đang giải quyết việc làm cho từ 20 đến 30 người. |
Tháng 5 về Cầu Đã, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ), lúa trên đồng đã đỏ đuôi, từng bông lúa trĩu hạt uốn mình trong nắng mai. Trên đồi, những cây keo xanh tốt đu đua theo gió. Đây đó, tiếng máy chạy rèn rẹt để “biến” những thanh gỗ tròn xoe thành những tấm ván mỏng mảnh trông thật vui mắt. Khoảng 5 năm nay, nghề sản xuất gỗ bóc - một nghề khá mới mẻ đã làm thay đổi cuộc sống của không ít người dân nơi đây.
Sản xuất gỗ bóc “soán” ngôi nghề truyền thống
Cuối tháng 5, tiết trời đã chuyển sang Hè, nắng nhiều hơn nên nhịp sống ở Cầu Đã bắt đầu sôi động trở lại khi 13 xưởng sản xuất gỗ bóc trên địa bàn hoạt động với công suất lớn hơn để có nhiều sản phẩm cung ứng ra thị trường. Với những người làm nghề sản xuất gỗ bóc thì các mùa Hè, Thu, Đông là quãng thời gian thuận tiện nhất cho công việc sản xuất.
Ông Diệp Văn Báo, chủ một xưởng sản xuất gỗ bóc ở Cầu Đã cho hay: Sản xuất gỗ bóc phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Vào mùa Xuân, những hôm trời mưa nồm, độ ẩm không khí cao, sản phẩm ván bóc không phơi được rất dễ bị mốc, giá bán bị giảm đáng kể.
Nghề sản xuất gỗ bóc đang “soán” ngôi các nghề truyền thống như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng ngô, lúa… ở Cầu Đã. Hiện tại, mỗi xưởng sản xuất gỗ bóc đang giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 20 đến 30 lao động là người dân địa phương. Với mức thu nhập từ 5 đến 10 triệu đồng/thợ, người dân rất phấn khởi khi vừa có thể thu xếp được công việc gia đình như cấy lúa, trồng ngô, chăn nuôi… vừa có thể tạo ra nguồn thu khá lớn ngay trên mảnh đất quê hương.
Dẫu vậy, nghề sản xuất gỗ bóc cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuyên cần, chịu nóng, chịu rét của những người thợ. Anh Vũ Văn Kiên, thợ sản xuất gỗ bóc tại một xưởng gỗ ở Cầu Đã chia sẻ: Nghề sản xuất gỗ bóc phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Mùa Hè, việc sản xuất ván gỗ rất thuận lợi cho việc phơi sản phẩm nhưng lại làm khó những người thợ cắt gỗ, chạy máy… Làm việc dưới tiết trời 35 đến 40 độ C là một thử thách rất lớn đối với mỗi người thợ. Trời nắng nóng như vậy, mồ hôi ai cũng đổ xuống như mưa. Nhất là ở công đoạn thu gỗ đòi hỏi người thợ phải cẩn trọng. Thường thì chúng tôi đợi màn đêm buông xuống, nhiệt độ giảm mới thu gỗ. Bởi, những tấm gỗ ván sau một ngày phơi dưới nắng gắt đã khô nhưng nếu thu ngay khi nhiệt độ còn nóng (khoảng 17 đến 18 giờ), gỗ ròn dễ gẫy, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Theo chia sẻ của người dân Cầu Đã, mỗi ngày, một xưởng sản xuất được khoảng 20 mét khối gỗ ván. Giá 1 mét khối ván gỗ (loại 1) đang được bán với giá từ 2,5 đến 2,7 triệu đồng; loại 2 có giá khoảng 1,5 triệu đồng/m3 ván. Lấy công làm lãi, trừ các khoản chi phí như nguyên vật liệu, nhân công, khấu hao máy móc…, mỗi xưởng sản xuất gỗ bóc cũng thu lãi gần 10 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền thu được từ việc bán gỗ thừa cho những hộ dân có nhu cầu mua về làm củi đun.
Để có được thành quả ấy, 152 hộ dân nơi đây (trong đó có 70% số hộ đồng bào dân tộc Sán Dìu, Nùng, Dao…) đã biết phát huy thế mạnh trong phát triển kinh tế rừng.
Trưởng xóm Vi Văn Thành (hiện có 10ha rừng và 1 xưởng sản xuất gỗ bóc) nói: Ở Cầu Đã, trồng rừng là một trong những thế mạnh của người dân. Hộ ít có khoảng 1 đến 2ha, hộ nhiều có đến hơn 10ha. Gần chục năm trước, kinh tế rừng đã mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho các hộ dân. Tuy nhiên, từ khi nghề sản xuất gỗ bóc phát triển, những vạt rừng xanh tốt ấy đã trở thành nguồn nguyên liệu sẵn có để phục vụ cho việc sản xuất gỗ bóc. Nhờ đó đã giúp cho thu nhập của các hộ dân tăng lên đáng kể. Nếu như mỗi ha rừng keo, trồng và chăm sóc trong 6 đến 7 năm mới thu được từ 60 đến 90 triệu đồng (tùy vào chất lượng cây gỗ khi thu hoạch), thì khi đầu tư xưởng sản xuất gỗ bóc, 1 ha rừng (của các gia đình có xưởng sản xuất) sẽ đạt thu nhập cao hơn gấp 2 hoặc 3 lần.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi Bùi Thị Tĩnh nói: Các xưởng sản xuất gỗ bóc ở Cầu Đã và các xóm trên địa bàn đi vào hoạt động không chỉ tăng giá trị kinh tế cho cây gỗ mà còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Thay vì làm công nhân tại các nhà máy, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, những người tham gia sản xuất tại các xưởng sản xuất gỗ bóc đã có thu nhập cao ngay tại địa phương. Đây chính là bước chuyển đổi nghề nghiệp rất hiệu quả ở một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tân Lợi.
Cần có sự định hướng cho người dân
Hiện nay, Tân Lợi có 20 xưởng sản xuất gỗ bóc thì có tới 13 xưởng ở xóm Cầu Đã. Nhận thấy hiệu quả thu được từ nghề mới này, nhiều hộ dân nơi đây đang chuẩn bị đầu tư mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, khoản tiền đề đầu tư 1 xưởng sản xuất không hề nhỏ. Trưởng xóm Vi Văn Thành cho biết thêm: Muốn đầu tư một xưởng gỗ bóc, ngoài yêu cầu có từ 1ha mặt bằng trở lên, chúng tôi phải bỏ ra từ 1,5 đến 1,8 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc…
Có thể thấy, khoản tiền đầu tư xây dựng nhà xưởng để sản xuất gỗ bóc không hề nhỏ đối với không ít hộ dân. Do vậy, khi gặp rủi ro về nguyên liệu đầu vào, khó khăn đầu ra có thể dẫn tới nguy cơ khánh kiệt tài sản, nhất là với những hộ vay tiền ngân hàng để đầu tư. Dù vậy, chúng tôi rất mừng khi các chủ xưởng sản xuất gỗ bóc ở Cầu Đã đều khẳng định, nhiều năm nay, sản phẩm làm ra chưa bào giờ ế ẩm.
Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, người dân Cầu Đã đang rất phấn chấn khi sau 2 năm khủng hoảng vì dịch COVID-19, các xưởng bóc gỗ của Cầu Đã từng hoạt động cầm chừng nay đã bắt đầu nâng cao công suất. Dẫu vậy, nhiều chủ xưởng sản xuất không khỏi thở dài khi sản phẩm được bán với giá thấp hơn trước. So với 2 năm trước, 1 mét khối sản phẩm được bán ra với giá thấp hơn từ 300 đến 500 nghìn đồng.
Trong khi giá bán ra thấp hơn so với trước thì giá nguyên liệu đầu vào lại có xu hướng tăng lên. Hiện tại, 1 mét khối gỗ nguyên liệu các xưởng nhập đang có giá từ 1,3 - 1, 8 triệu đồng tùy từng đường vanh, vanh càng lớn giá càng cao. Sau chế biến, 1m3 gỗ nguyên liệu thu được 50cm3 ván bóc. Với giá bán như hiện nay thì rõ ràng số tiền thu được chưa tương xứng với nguồn vốn đã đầu tư. Đó là chưa kể những chủ xưởng phải vay vốn ngân hàng để đầu tư hoặc dây chuyền sản xuất lạc hậu, năng lực tài chính và thị trường yếu...
Bởi vậy, để ổn định phát triển bền vững ngành chế biến gỗ, trong đó có sản xuất gỗ bóc, các cấp, ngành chức năng nên có sự rà soát, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân ở Cầu Đã và Tân Lợi nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung không tự phát đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến sản phẩm lâm nghiệp; hạn chế cấp phép đối với các cơ sở sản xuất gỗ bóc không nằm trong quy hoạch. Cùng với đó là thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình để yêu cầu các xưởng sản xuất gỗ bóc hoạt động đúng quy định, đảm bảo an toàn trong quá trình lao động; có ý thức bảo vệ môi trường…
Đặc biệt, chính quyền địa phương (xã, huyện); lực lượng Kiểm lâm nên có sự kết nối với các doanh nghiệp chế biến lâm sản để có thể thu mua sản phẩm gỗ sơ chế từ các cơ sở nhỏ làm nguyên liệu cho sản phẩm chế biến sâu nhằm phát huy tối đa giá trị kinh tế trong chế biến lâm sản. Khi đó, nghề sản xuất ván bóc sẽ phát triển bền vững và phát huy hiệu quả kinh tế.