Về vùng cao mùa lúa chín
Nông dân xã Lâu Thượng (Võ Nhai) thu hoạch lúa mùa. |
Trong tiết Thu se se lạnh, những cánh đồng lúa ở các bản làng vùng cao Võ Nhai vàng ruộm dưới nắng mai. Mùa lúa chín mới lại về, miền sơn cước khoác lên mình một vẻ đẹp thật quyến rũ, làm mê hoặc lòng người. Sắc vàng rực rỡ hứa hẹn mang đến cho người dân vùng cao một vụ mùa bội thu.
Hứa hẹn mùa bội thu
Len lỏi trong các bản làng ở các xã: Lâu Thượng, Phú Thượng, La Hiên, Cúc Đường, Sảng Mộc… (Võ Nhai), chúng tôi hít hà hương lúa chín trên những cánh đồng rộng lớn. Cho xe chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 1B, chúng tôi dừng chân tại một điểm trên đồi cao ở xóm Cây Hồng, xã Lâu Thượng, phóng tầm mắt ra xa, cả một vùng rộng lớn, vàng ruộm lúa chín thu vào tầm mắt. Phía xa xa, dãy núi đá vôi như một bức tường thành vững chãi bảo vệ những cánh đồng phía dưới trước mưa rừng, gió núi, để mỗi nhành lúa non lớn lên từng ngày… Qua giai đoạn đứng cái, làm đòng, những cây lúa bắt đầu trỗ bông rồi vào chắc, đỏ đuôi và hôm nay trĩu hạt, chín thơm…
Khi những cánh đồng lúa trĩu bông, vàng ruộm, người dân ở các bản làng vùng cao Võ Nhai mừng vui lắm! Với họ, trên 3.000ha lúa vụ mùa được coi là vụ lúa quan trọng nhất trong năm bởi miền sơn cước khá khan hiếm nước cấy lúa. Vụ xuân, những chân ruộng trên cao không chủ động được nước tưới thường phải chuyển sang trồng ngô, trồng lạc… nên diện tích cấy lúa bị thu hẹp, sản lượng vì thế cũng ít hơn. Sang vụ mùa, mưa nhiều hơn, nguồn nước dồi dào, các chân ruộng ở trên cao, dưới thấp cơ bản chủ động được nguồn nước tưới, dưỡng lúa nên bà con tận dụng mọi diện tích để cấy lúa.
Vụ này, nếu chăm bón tốt, lúa đạt năng suất cao sẽ dư thừa thóc gạo cho cả năm. Năm nào mất mùa, tháng 3, ngày 8, nhiều nhà ít ruộng, lương thực tích trữ trong bồ vơi dần, bà con đứng ngồi không yên. Nhất là với những hộ đồng bào người dân tộc Mông ở Cúc Đường, Thượng Nung, Sảng Mộc… năng suất lúa kém đồng nghĩa với cái nghèo đeo đẳng mãi.
So với các huyện, thành phố miền xuôi, người dân vùng cao Võ Nhai thường cấy lúa mùa muộn hơn. Ông Triệu Văn Phương, xóm Cây Hồng (Lâu Thượng), giải thích: Chúng tôi thu hoạch lúa và cây màu vụ xuân xong mới làm đất cấy lúa vụ mùa. Giờ, nhiều giống lúa lai ngắn ngày cho năng suất cao, chất lượng tốt nên người dân không còn phải vội vã xuống giống như trước đây.
Cùng bà con ra thăm đồng, chúng tôi cảm nhận được niềm vui đang hiện hữu trên khuôn mặt của những nông dân chất phác, thật thà. Vậy là sau bao ngày “một nắng, hai sương”, vụ lúa mùa bội thu đã ở trong tầm tay. Kể về những ngày cấy cầy trong nắng gắt, chăm sóc ruộng lúa sau những ngày mưa xối xả, ông Lý Văn Hạ, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, ngắm nhìn ruộng lúa vàng ruộm trĩu hạt không chớp mắt. Vụ này, gia đình ông cấy được 8 sào lúa, năng suất ước đạt trên 2 tạ/sào, tính sơ sơ cũng thu được hơn 1,6 tấn thóc. Gia đình chỉ có 4 người, 2 già, 2 trẻ, số thóc này ăn cả năm cũng không hết. Ông bảo: Người dân rẻo cao chúng tôi giờ không còn dùng trâu bò làm để cầy bừa nữa, cũng chẳng còn cảnh cấy mạ già, mạ xấu. Giờ, bản trên, xóm dưới đều dùng máy làm đất, nhà nhà đều cấy mạ non, vừa không tốn thóc giống, lúa đẻ nhánh khỏe, phát triển tốt, ít sâu bệnh mà năng suất đạt cao…
Trong nắng Thu dịu nhẹ, hình ảnh người dân vùng cao tất bật thu hoạch lúa mùa hiện lên thật bình dị. Không còn cảnh bà con dùng xe trâu kéo lúa về nhà, mùa gặt ở vùng cao thật sinh động với tiếng máy tuốt chạy ào ào bên bờ ruộng. Nhoáng một cái, những bao thóc lớn nhỏ đã được xếp ngay ngắn lên xe ô tô tải chở về sân nhà. Từng đụn rơm vàng ươm, thơm dịu được vun thành đông ở ngay góc ruộng. Vào những ngày Đông giá rét, đây chính là nguồn thức ăn cho trâu bò…
Mùa lúa chín ở huyện vùng cao Võ Nhai tạo nên một bức tranh thật đẹp. Cùng với vẻ đẹp hoang sơ riêng có, những cánh đồng lúa vàng ruộm và khung cảnh tấp nập ngày mùa đã tạo thành điểm nhấn có sức hút với những người yêu thích khám phá.
Khai thác thế mạnh làm du lịch
Với nhiều người Thái Nguyên yêu thích môn thể thao đạp xe, mùa lúa chín chính là thời điểm họ rong ruổi đạp xe đến những bản làng ở huyện vùng cao Võ Nhai. Chị Lê Bích Nguyệt, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Cung đường đi lên Võ Nhai khá thuận tiện. Thường, chúng tôi bắt đầu xuất phát vào khoảng 4 giờ 30 sáng thì tầm hơn 6 giờ đã có mặt ở Lâu Thượng (Võ Nhai). Khu vực này có một số ruộng bậc thang rất đẹp. Đi sâu vào các bản, làng đều là đường bê tông nên việc di chuyển khá dễ dàng. Cảm giác ngắm ruộng lúa vàng trĩu bông vào lúc bình minh lên thật thích. Thú vị nhất là được hưởng trọn bầu không khí trong lành ở vùng cao.
Cũng chung niềm đam mê đạp xe đi “phượt” như chị Nguyệt, chị Vũ Thu Huyền, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), cho biết thêm: Rời phố xá nhộn nhịp đến với vùng cao, tôi rất yêu thích sự bình yên nơi đây. Trong tiết Thu trong veo, người dân vừa nhanh tay gặt lúa vừa chuyện trò rôm rả. Dù biết chúng tôi là khách lạ, họ vẫn nói chuyện rất thân thiện. Ở các tỉnh như: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang…, mùa lúa chín đã trở thành mùa du lịch, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Với một vẻ đẹp riêng có như Võ Nhai, nếu biết khai thác thế mạnh, vùng quê này hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Theo chia sẻ của những “phượt thủ” ở Thái Nguyên, việc tổ chức các tuor du lịch khi mùa lúa chín về rất có triển vọng. Cung đường đẹp phải kể đến là TP. Thái Nguyên đi La Hiên - Cúc Đường - Thần Sa (Võ Nhai). Du khách có thể ngắm cảnh, “check in” bên những cánh đồng lúa nằm dưới chân núi đá vôi hùng vĩ hoặc trải nghiệm cảm giác tuyệt vời khi sờ tay vào mái đá ngườm của vùng đất Thần Sa. Cung đường từ TP. Thái Nguyên đi La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng (Võ Nhai) cũng rất thú vị. Không chỉ được ngắm những cánh đồng lúa dọc hai bên Quốc lộ 1B, du khách còn có thể khám phá các bản làng nằm sâu bên trong. Đặc biệt, những người từ phương xa đến có thể tham quan, khám phá suối Mỏ Gà, hang Phượng Hoàng nằm ngay sát tuyến Quốc lộ.
Một điểm cộng cho việc thu hút khách du lịch về Võ Nhai khi mùa lúa chín nữa là các loại đặc sản của vùng rẻo cao này khá đa dạng. Đó là những trái hồng da tre ngọt dịu, thơm mát; là những bó băng rừng vừa luộc của người dân bản địa còn ấm nóng bày bán bên đường; hay những trái thanh long đỏ tươi, tuy nhỏ nhắn nhưng hương vị thật đậm đà…
Tuy nhiên, để mọi người tìm về huyện vùng cao Võ Nhai mùa lúa chín thơm, thưởng thức các sản vật của miền sơn cước và muốn lưu lại khám phá mảnh đất này, rất cần các cấp, ngành chức năng có những chiến lược phát triển lâu dài. Trong đó, việc khai thác du lịch có hệ thống, có đơn vị tổ chức tuor, tuyến du lịch chuyên nghiệp; thành lập được các điểm lưu trú phù hợp, nhất là các địa điểm lưu trú theo hình thức homestay… rất đáng được lưu tâm. Chia sẻ của các “phượt thủ” sẽ là những gợi ý rất phù hợp với thị hiếu và mong muốn của không ít người dân nơi đây. Thực tế, du lịch phát triển sẽ kéo dịch vụ phát triển theo. Người dân vì thế sẽ có thêm thu nhập, đời sống được nâng lên.
Trong nắng Thu buổi sớm, câu chuyện của chúng tôi về những triển vọng của huyện vùng cao với các “phượt thủ” ngày càng rôm rả. Ai cũng vui vẻ, thích thú khi ngắm những ruộng lúa chín đẹp như tấm thảm vàng khổng lồ. Đâu đó, tiếng trẻ thơ thỏa sức nô đùa trên những cánh đồng vương đầy sắc Thu. Trên khuôn mặt hằn in nắng và gió của những người nông dân vùng rẻo cao vẫn vẹn nguyên nét rạng ngời về một mùa lúa vàng bội thu...