An toàn thực phẩm trong điều kiện phòng, chống COVID-19
Cơ quan chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 bề mặt bao bì các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu tại kho của một nhà phân phối trên địa bàn T.P Thái Nguyên. |
Vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong dịp Tết Nguyên đán được xã hội rất quan tâm. Để tìm hiểu rõ hơn về công tác này trong dịp Tết năm nay, phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn ông Lý Văn Cảnh, Trưởng Phòng ATVSTP (Sở Y tế).
P.V: Trước hết, ông có thể cho biết nguy cơ mất ATVSTP trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay?
Ông Lý Văn Cảnh: Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với việc tập trung thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo đảm ATVSTP luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành và người dân. Việc triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSTP ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và trong 2 năm trở lại đây (2020-2021), toàn tỉnh không xảy ra vụ việc mất ATVSTP, gây ngộ độc thực phẩm...
Nguy cơ mất ATVSTP thường tập trung vào dịp Tết Nguyên đán và nhất là trong bối cảnh dịch bệnh (khi giá cả có thời điểm không ổn định và người dân một số nơi phải thực hiện cách ly xã hội), Sở Y tế và các cơ quan liên ngành đã chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo tỉnh triển khai công tác bảo đảm ATVSTP. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm ATTP trong phòng, chống dịch COVID-19 tại gia đình, các chợ, siêu thị, cơ sở chế biến suất ăn phục vụ khu cách ly tập trung, cơ sở điều trị COVID-19, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể... trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua hệ thống y tế thôn, tổ COVID-19 cộng đồng... Qua đó nâng cao nhận thức của chủ cơ sở, người chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATVSTP còn gặp nhiều khó khăn. Nguy cơ mất ATVSTP luôn tiềm ẩn khi còn tới hơn 1.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, sản xuất thủ công.
P.V: Xin ông cho biết những công việc, biện pháp cụ thể đã và đang được triển khai thực hiện để bảo đảm ATVSTP trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết năm nay?
Ông Lý Văn Cảnh: Từ đầu tháng 11-2021, Sở Y tế và các cơ quan liên ngành đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo về việc bảo đảm ATTP đối với các loại thực phẩm cung cấp hỗ trợ trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó đặc biệt coi trọng hai nhiệm vụ cùng thực hiện là: Phòng, chống dịch COVID-19 và ATVSTP.
Mặc dù do ảnh hưởng dịch COVID-19 hầu hết các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng... đều ngừng hoạt động và không tập trung đông người, nhưng vẫn bán hàng mang về hoặc cung cấp thực phẩm cho bếp ăn nhóm hộ gia đình tự tổ chức... Chính vì vậy, cơ quan liên ngành ATVSTP tập trung vào khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATVSTP.
Đặc biệt, cơ quan chuyên môn tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 bề mặt bao bì các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu; cơ quan liên ngành đã thực hiện lấy 30 mẫu bề mặt bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu tại 8 cơ sở kinh doanh thực phẩm, kết quả xét nghiệm 30/30 mẫu âm tính với SARS-CoV-2.
Ban chỉ đạo từ tỉnh đến các địa phương đã giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm trên 3.819 mẫu (trong đó: Về chỉ tiêu hóa lý, kiểm nghiệm tại Labo 136 mẫu, số mẫu đạt yêu cầu 134/136, tỷ lệ 99%; kiểm nghiệm nhanh 3.683 mẫu, số mẫu đạt yêu cầu 3.607/3.683, tỷ lệ 97,9%). Đồng thời yêu cầu đình chỉ và tiêu hủy các sản phẩm không bảo đảm an toàn, chưa đạt yêu cầu.
Ban chỉ đạo ATVSTP các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho các nhóm đối tượng là người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATVSTP. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tạo mã QR điểm khai báo y tế để quản lý thông tin khách hàng và phục vụ công tác truy vết khi cần thiết; duy trì xét nghiệm định kỳ cho người lao động trong doanh nghiệp.
P.V: Vấn đề bảo đảm ATVSTP có vai trò, trách nhiệm lớn từ người dân. Ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng trong dịp Tết năm nay?
Ông Lý Văn Cảnh: Hiện nay, ảnh hưởng của dịch bệnh hạn chế người dân đi đến các địa điểm đông người như chợ, siêu thị để mua sắm, do đó việc giao hàng tại nhà càng trở nên phổ biến. Không cần đến cửa hàng hay mất công đi mua, chỉ cần xem, đọc thông tin và bấm chọn món hàng mình ưa thích là những yếu tố để người tiêu dùng dễ rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”. Thực tế này rất khó cho công tác kiểm tra, giám sát và truy vết nguyên nhân mất ATVSTP nếu có. Do vậy, người dân hãy chọn cơ sở có uy tín, bảo đảm ATVSTP; hàng hóa mua phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin nguồn gốc, hạn sử dụng... Khi nhận thực phẩm từ người giao hàng, người dân cần tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
P.V: Xin cảm ơn ông!