Cải thiện tiến độ các dự án thuộc Khu du lịch hồ Núi Cốc
Cổng vào Khu du lịch hồ Núi Cốc Doanh nghiệp cam kết hoàn thành trước ngày 30/4/2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể bàn giao (ảnh chụp ngày 25-9-2019) - Ảnh: Kim Ngân |
Các dự án (DA) thuộc Khu du lịch hồ Núi Cốc được nhà đầu tư Xuân Trường triển khai có quy mô rất lớn, hứa hẹn khai thác hiệu quả tiềm năng còn bỏ ngỏ bấy lâu của Khu du lịch đặc biệt này. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân nên trong quá trình triển khai còn để chậm tiến độ đề ra. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
PV: Ông có thể cho biết đôi nét về tiến độ triển khai các DA thuộc Khu du lịch hồ Núi Cốc mà Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư?
Ông Hoàng Thái Cương: Các DA thuộc Khu du lịch hồ Núi Cốc được giao cho nhà đầu tư Xuân Trường đảm nhận gồm: Công trình Cổng vào Khu du lịch; tuyến đường Bắc Sơn kéo dài; khu tâm linh; tuyến đường ven hồ; đường trục nối ĐT.261 đến khu vực đền Gàn; khu dịch vụ đón tiếp, khu dịch vụ du lịch và khu làng văn hóa các dân tộc. Sau một thời gian triển khai, đến nay nhà đầu tư thừa nhận đã để chậm tiến độ so với cam kết ban đầu. Đó là, chậm thực hiện các thủ tục, hồ sơ DA, các thủ tục đánh giá tác động môi trường; quá trình thi công, các hạng mục còn chưa đảm bảo tiến độ... Ví dụ như hạng mục Cổng vào Khu du lịch, theo cam kết là hoàn thành trước ngày 30/4/2019, nhưng hiện vẫn chưa thể bàn giao.
PV: Vậy, nguyên nhân nào khiến các DA không đảm bảo tiến độ như cam kết?
Ông Hoàng Thái Cương: Do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Các DA thuộc Khu du lịch hồ núi Cốc đều được triển khai theo hình thức BT (hợp đồng, chuyển giao), nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện DA, đổi lại Nhà nước phải thanh toán cho nhà đầu tư khoản tương ứng như hợp đồng đã ký. Tuy vậy, đến nay Chính phủ vẫn chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể về cơ chế thanh toán hợp đồng BT. Trong khi đó, ngân sách của tỉnh dành cho các DA đầu tư công còn hạn hẹp, hơn nữa công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, bản thân nhà đầu tư là Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường vẫn chưa tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các DA theo cam kết.
P/v: Người dân đang rất quan tâm đến 2 DA thuộc Khu du lịch là tuyến đường Bắc Sơn kéo dài và khu tâm linh hồ Núi Cốc. Ông có thể cho biết những khó khăn trong triển khai hai DA này?
Ông Hoàng Thái Cương: Về tuyến đường Bắc Sơn kéo dài, đến nay nhà đầu tư đã tổ chức thi công đổ bê tông mặt đường được 1km, hoàn thiện cơ bản được 3km nền đường. Hiện tại còn vướng hồ sơ trình cấp phép đấu nối vào tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường sắt Đông Anh - Quan Triều và xây cầu vượt qua tuyến. UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định vấn đề này. Hiện vẫn đang chờ quyết định của Thủ tướng. Về khu tâm linh hồ Núi Cốc, sau khi điều chỉnh, DA này có diện tích 19,9ha, vốn đầu tư 2.956 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, DA gặp một số khó khăn, vướng mắc về đất rừng phòng hộ và công tác quản lý bảo vệ rừng phòng hộ hồ Núi Cốc. Mặt khác, nhà đầu tư Xuân Trường vẫn đang trong giai đoạn thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu mà chưa hoàn thành thiết kế dự án; chưa hoàn thiện thủ tục về trồng rừng thay thế, chuyển mục đích sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường khu vực thực hiện DA.
PV: Chỉ đạo của tỉnh xung quanh vấn đề đẩy nhanh tiến độ các DA nói trên ra sao, thưa ông?
Ông Hoàng Thái Cương: Đây là những DA trọng điểm được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã nỗ lực chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương vào cuộc tích cực, cùng đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Để đẩy nhanh tiến độ, UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể với từng DA, hạng mục, trong đó tập trung vào tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, giao UBND T.P Thái Nguyên giữ mối liên hệ, hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai thi công các DA. Giao Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh chủ trì, tham vấn các phương án quy hoạch tuyến đường ven hồ, để sớm hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch làm cơ sở lập DA đầu tư theo quy định. UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương về nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh trong đó có tuyến đường quanh hồ Núi Cốc. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu về quy trình, thủ tục, hồ sơ đầu tư DA theo quy định hiện hành; tham mưu, đề xuất cụ thể việc bố trí tái định cư cho các hộ dân phải di dời phục vụ giải phóng mặt bằng đường trục nối ĐT.261 đến khu vực đền Gàn. Về những vướng mắc liên quan đến rừng, đất rừng phòng hộ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cơ chế bồi thường để thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường cụ thể. Về phía nhà đầu tư, cần đẩy nhanh tiến độ thiết kế, phê duyệt DA, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh để triển khai các DA theo đúng quy định và đúng cam kết với tỉnh.
PV: Trước thực tế trên, nhà đầu tư đã có những cam kết gì để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các DA thuộc Khu du lịch?
Ông Hoàng Thái Cương: Mới đây, chủ Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã nhận trách nhiệm với tỉnh về những nội dung nhà đầu tư triển khai còn chậm so với tiến độ, đồng thời cam kết trong những tháng cuối năm 2019 và cả năm 2020, nhà đầu tư sẽ không khởi công mới các DA khác để ưu tiên tập trung nguồn lực, nhân lực, máy móc thiết bị đẩy nhanh tiến độ triển khai các DA thuộc Khu du lịch hồ Núi Cốc. Về vấn đề này, một mặt tỉnh rất chia sẻ với những khó khăn của nhà đầu tư nhưng cũng yêu cầu doanh nghiệp cam kết cụ thể về lộ trình triển khai để đảm bảo tiến độ đề ra.
PV: Xin cảm ơn ông!